17/06/2015 08:29 GMT+7

Việt Nam phải biết thích nghi với biến đổi khí hậu

QUỲNH TRUNG thực hiện
QUỲNH TRUNG thực hiện

TT - Sau chuyến tìm hiểu thực trạng, thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, bà Paula Caballero (giám đốc cao cấp phụ trách nhóm Môi trường và tài nguyên thiên nhiên toàn cầu của Ngân hàng Thế giới) dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng.

Bà Paula Cabellero - Ảnh: Q.Trung
Bà Paula Cabellero - Ảnh: Q.Trung

Nếu tăng trưởng kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên theo cách không bền vững, nghĩa là bạn đang làm giảm nguồn lực cung cấp việc làm và thu nhập mà chính phủ có thể dùng để hỗ trợ giáo dục và y tế

Bà PAULA CABALLERO

* Có lẽ bà cũng đã nghe nói về tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là ở tỉnh Ninh Thuận. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc phòng chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu?

- Tác động biến đổi khí hậu mang tính cục bộ. Do vậy các giải pháp buộc phải gắn liền với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương. Theo tôi, các quốc gia như Việt Nam phải học cách thích nghi để có thể chống lại các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trước đây, nhiều quốc gia bàn về xây dựng cơ sở hạ tầng tốt để giảm thiểu tác hại do thiên nhiên gây ra. Nhưng bây giờ, nhiều quốc gia nói về cách thức quản lý rủi ro. Có nhiều cách chống tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, ngập mặn.

Một trong số đó là trồng cây đước ở các khu vực ven biển, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Cây đước cũng sẽ giúp việc phòng chống bão tốt hơn.

Ngoài ra, nhiều quốc gia trên thế giới còn thành lập các đơn vị chống biến đổi khí hậu và những kênh đối thoại đa ngành và liên ngành về phòng chống biến đổi khí hậu.

Dĩ nhiên, hạn hán xảy ra là một điều rất tệ đối với Việt Nam, ảnh hưởng đến người dân, sinh kế và tài sản của họ. Tôi cũng được biết ở những khu vực khác lũ lụt gây thiệt hại nhà cửa và đất đai của người dân. Tôi có trao đổi với các quan chức ở Việt Nam, họ thật sự hiểu rõ tính phức tạp của những vấn đề này.

Để chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành như nông nghiệp, phát triển đô thị, năng lượng, môi trường và giao thông vận tải, các cơ quan chính phủ, các hành động hằng ngày và chiến lược dài hạn.

* Bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng và các thách thức môi trường ở Việt Nam?

- Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, chẳng hạn như mực nước biển ngày càng dâng cao, nhiệt độ ngày càng tăng lên, bão tố, lũ lụt và hạn hán ngày càng nghiêm trọng.

Đối với những quốc gia vừa mới thoát nghèo và tiến lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam và Colombia quê tôi, sự kỳ vọng của người dân cũng thay đổi.

Họ mong muốn được tiếp cận nhiều hơn với nhiều công nghệ khác nhau và chất lượng giáo dục tốt hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn hơn.

Do đó những quốc gia trên đường phát triển kinh tế mạnh mẽ như Việt Nam cần phải theo đuổi sự tăng trưởng xanh theo cách bền vững.

Phát triển bền vững có nghĩa là đất nước của bạn vẫn có thể tạo ra công ăn việc làm tốt và sự thịnh vượng cho người dân trong nhiều thập kỷ tới, đồng thời giải quyết hiệu quả những thách thức và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta sẽ cần phải thay đổi như thế nào để đạt được sự phát triển bền vững.

* Một số chuyên gia lo ngại rằng số tiền một quốc gia chi ra để khắc phục hậu quả của các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu còn lớn hơn lợi ích thu được từ sự phát triển kinh tế. Ý kiến của bà ra sao?

- Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn và tỉ lệ tăng trưởng cao trong những năm qua. Đối với những quốc gia được ưu đãi tài nguyên thiên nhiên như Việt Nam, điều quan trọng là phải xem xét chiến lược phát triển gắn liền với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lâu dài và ổn định.

Chúng tôi có làm một nghiên cứu ở một số nước về chi phí do thoái hóa môi trường gây ra. Một số quốc gia phải chi từ 5 đến 8% GDP để khắc phục hậu quả môi trường, bao gồm chi phí để bảo đảm sức khỏe người dân, chi phí khắc phục chất lượng nguồn nước, chi phí bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều đó có nghĩa là gây thiệt hại cho nền kinh tế. Những thiệt hại này có thể được khắc phục bằng cách quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và cải thiện chất lượng môi trường. Do đó, về thực tế, sự tăng trưởng của những nước này hóa ra không cao.

QUỲNH TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên