30/05/2015 08:25 GMT+7

Quan ngại căng thẳng leo thang trên biển Đông

QUỲNH TRUNG (từ Singapore)
QUỲNH TRUNG (từ Singapore)

TT - Dù muốn hay không, vấn đề biển Đông vẫn được lặp đi lặp lại trong ngày khai mạc hội nghị thường niên về an ninh khu vực tại Singapore.

Tôi hi vọng thông qua đối thoại lần này, các quốc gia quan ngại về hành vi của Trung Quốc có thể nói chuyện với nhau và hợp tác cùng nhau
Chuyên gia Bonnie Glaser

Phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La tối 29-5, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long cho biết cán cân sức mạnh trong khu vực đang thay đổi với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa các nước lớn là điều không thể tránh khỏi.

Thủ tướng Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La ngày 29-5

Tuy nhiên, trong đó có một số sự cạnh tranh lành mạnh tuân theo các quy định và nguyên tắc quốc tế như việc Trung Quốc khởi xướng Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), còn Mỹ có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên cũng có những sự cạnh tranh khó tránh khỏi kết cục xấu như tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông, nơi các bên tranh chấp có những hành động đơn phương, cải tạo đất, củng cố sự hiện diện quân sự.

“Hành động khiêu khích hành động. Mỗi nước cảm thấy phải phản ứng với những gì nước khác đang làm để bảo vệ lợi ích của mình” - Thủ tướng Lý nhận định.

Biển Đông là chủ đề chính

Nói về sự liên quan của các nước như Mỹ, thủ tướng Singapore cho rằng: “Các nước không có tuyên bố chủ quyền trong khu vực không nên theo phe nào trong các bên. Nhưng họ cũng có phần trong các tranh chấp hàng hải... Mỗi quốc gia có giao thương đi qua biển Đông hoặc có tàu, máy bay đi qua biển Đông đều quan tâm đến việc đảm bảo tự do đi lại và bay qua khu vực. Singapore là một trong số đó”. Ông hối thúc các bên nhanh chóng hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

“Tôi hi vọng khu vực sẽ tiếp tục có một hệ thống mở về giao thương, đầu tư, hợp tác kinh tế... Nó không nên là một thế giới mà trong đó hễ có sức mạnh thì có quyền, kẻ mạnh có thể làm gì họ muốn và người yếu luôn phải cam chịu. Đó nên là một nơi mà các cam kết tích cực và hợp pháp là nguyên tắc quốc tế và các nước, lớn và nhỏ, có thể cạnh tranh công bằng để thịnh vượng” - ông Lý kết thúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương David Shear cho biết ông dự đoán Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter sẽ nói rất nhiều về vấn đề tranh chấp biển Đông trong bài phát biểu vào hôm nay (30-5) nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.

Trong cuộc trao đổi ngắn với báo chí ngay khi đến khách sạn Shangri-La hôm qua, Bộ trưởng quốc phòng Úc Kevin Andrews khẳng định biển Đông chắc chắn sẽ là chủ đề thảo luận chính lần này. “Tất cả các quốc gia ở khu vực đều rất quan tâm về việc bảo đảm sự hòa bình cho khu vực. Chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm sự tăng trưởng của các nước trong khu vực để mang lại lợi ích cho toàn thể người dân” - Bộ trưởng Andrews nói.

Khi được hỏi về căng thẳng ở biển Đông gần đây, ông Kevin Andrews nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ nghe nhiều quan điểm khác nhau từ các nước trong khu vực về biển Đông. Tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ chia sẻ nguyện vọng chung về việc duy trì hòa bình trong khu vực vì hòa bình là vấn đề tất cả các quốc gia đều quan tâm”.

Cần thêm nhiều sự hợp tác giữa các nước

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, đánh giá với Tuổi Trẻ: “Vấn đề biển Đông luôn làm nóng Đối thoại Shangri-La mỗi năm. Năm 2012 là vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines. Năm 2014 là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam, và năm nay Trung Quốc lại tăng cường xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa ở quần đảo Trường Sa, một vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông”.

Theo bà, thậm chí những quốc gia không tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cũng phải bày tỏ quan ngại về vấn đề biển Đông. Thứ nhất vì biển Đông đem lại lợi ích kinh tế lớn cho họ. Chẳng hạn như Úc có 70% khối lượng hàng hóa được vận chuyển qua biển Đông, Nhật Bản có đến 100% năng lượng phải vận chuyển qua biển Đông.

Thứ hai vì mỗi quốc gia đều quan tâm đến tự do hàng hải. “Trung Quốc không được cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác nhưng thực tế là họ đang làm vậy. Tôi nghĩ tất cả những nước lớn như Nhật Bản, Úc và Mỹ, thậm chí là nhiều quốc gia khác ở châu Âu đều có quyền bảo vệ quyền lợi của họ” - vị đại biểu của Đối thoại Shangri-La phân tích.

Theo bà, phải có nhiều nước hơn nữa bày tỏ tiếng nói của mình và phải hợp tác với nhau, chẳng hạn như Việt Nam và Philippines đang hợp tác và giúp đỡ nhau rất tốt. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có hợp tác với nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

“Tôi nghĩ nếu càng có nhiều sự hợp tác giữa các nước, Trung Quốc sẽ có khả năng xem xét lại hành động của họ” - bà Glaser kết luận.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm 12 thành viên do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sang dự Đối thoại Shangri-La ngày 29-5Ảnh: QUỲNH TRUNG
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam gồm 12 thành viên do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu sang dự Đối thoại Shangri-La ngày 29-5 - Ảnh: Quỳnh Trung

Việt Nam chia sẻ nguyên tắc ứng xử trong quan hệ quốc tế

Trả lời Tuổi Trẻ, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng phái đoàn Việt Nam dự Đối thoại Shangri-La - cho biết:

“Hội nghị an ninh tại Shangri-La không phải là cấu trúc để giải quyết các vấn đề cụ thể về an ninh. Đây chỉ là một diễn đàn để bày tỏ quan điểm của nhiều nước xung quanh các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vì vậy, sự kỳ vọng của Việt Nam ở diễn đàn Đối thoại Shangri-La, mà cụ thể là ở hội nghị này, ở mức độ muốn lắng nghe xu thế chung của thế giới và khu vực về những vấn đề an ninh đang nổi lên và đó chính là xu thế chung của thế giới.

Chắc chắn đại đa số tiếng nói sẽ phản ánh nguyện vọng chung đó là hòa bình, ổn định, phát triển. Họ cũng sẽ nêu những quan ngại và phản đối những nhân tố có thể gây ra sự bất ổn, đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Tại các kỳ Đối thoại Shangri-La, ban tổ chức sẽ mời các bộ trưởng quốc phòng phát biểu ý kiến nhưng năm nay bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bận nên cử đoàn cao cấp sang tham dự. Vì vậy, Việt Nam sẽ không có phát biểu chính thức năm nay.

Chủ yếu là chúng ta sẽ lắng nghe những ý kiến chung của cộng đồng về tình hình an ninh khu vực và thế giới, đồng thời chúng ta cũng sẵn sàng chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong các cuộc gặp song phương với nhiều nước về hòa bình, ổn định, về nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ quốc tế như là luật pháp quốc tế, không sử dụng sức mạnh, không đe dọa sử dụng vũ lực và không để xảy ra xung đột. Chúng ta chia sẻ một cách minh bạch, thẳng thắn và dựa trên tinh thần xây dựng”.

* Cùng ngày, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Israel, Philippines, Singapore và đại diện Tập đoàn công nghệ quốc phòng Lockheed Martin.

Thứ trưởng và đoàn cũng đã trao đổi với đoàn đại biểu bộ quốc phòng từng nước về các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương thông qua tăng cường trao đổi, hợp tác đào tạo, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; tăng cường đối thoại về chính sách quốc phòng.

 

QUỲNH TRUNG (từ Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên