25/05/2015 09:28 GMT+7

Báo Trùng Khánh khuyên nhân viên làm ăn riêng

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh ở Trung Quốc đang kêu gọi nhân viên ra làm ăn riêng trong bối cảnh các tờ báo in ở nước này đang dần mất vị thế trước thông tin điện tử.

Người dân Trung Quốc đọc báo giấy tại một quầy báo ven đường ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Người dân Trung Quốc đọc báo giấy tại một quầy báo ven đường ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters
Báo chí truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ chết
Chuyên gia truyền thông của Trung Quốc Từ Thắng Quốc 

Theo Nhật báo Trung Quốc, trong một thông báo hôm 19-5 vừa qua, Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh nói tất cả nhân viên của họ được khuyến khích lập các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông hội tụ và Internet. Những nhân viên nào quan tâm đến chương trình này cần ký một hợp đồng ba năm với tập đoàn.

Trong khoảng thời gian này, việc chi trả các khoản lương của họ sẽ bị tạm ngưng nhưng bù lại vị trí và chức vụ của họ vẫn được duy trì. Sau ba năm, các nhân viên này nếu muốn trở về làm việc ở tập đoàn sẽ được ký hợp đồng lại.

Lợi nhuận sụt giảm mạnh

Báo mạng Tân Lãng ở Trung Quốc dẫn lời đại diện của Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh cho biết sở dĩ tập đoàn này đưa ra chủ trương trên là nhằm ý đồ muốn từng nhân viên của họ phát huy tính năng động sáng tạo.

Thông qua đó sẽ củng cố và phát triển lĩnh vực quảng cáo của tập đoàn này bằng hình thức liên kết giữa Nhật báo Trùng Khánh và các chân rết chính là các công ty mới lập của nhân viên. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận của báo đang sụt giảm rất nhanh.

Tập đoàn này cũng cam kết sẽ hỗ trợ quảng cáo và tài chính cho những ý tưởng lập công ty khởi nghiệp được đánh giá là tiềm năng. Hiện Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh có hơn 6.000 nhân viên và đem lại lợi nhuận khoảng 32 triệu USD năm 2014.

Tuy nhiên, chương trình khuyến khích nhân viên làm ăn riêng này dưới con mắt nhiều người lại là một nguy cơ sa thải hàng loạt của tập đoàn. Câu chuyện được thảo luận sôi nổi trên các mạng xã hội như Weibo và WeChat. Một người dùng WeChat có tên Lexiangshancheng bày tỏ: “Khuyến khích nhân viên khởi nghiệp kinh doanh riêng là lựa chọn cuối cùng, còn hơn là việc tờ báo sa thải hàng loạt. Họ buộc phải tìm cách để tồn tại”.

Người này cũng lo ngại các tờ báo khác sẽ đi theo cách làm của Tập đoàn Nhật báo Trùng Khánh. Một người dùng khác trên Weibo là Huqianzhuanshi nhận xét câu chuyện ở Nhật báo Trùng Khánh đưa ra một thông điệp rõ ràng: “Báo in đang sắp phải nhường chỗ hoàn toàn cho Internet”.

Nhật báo Trung Quốc dẫn một nghiên cứu của Trường đại học Thanh Hoa công bố tháng này cho biết quảng cáo trên báo in ở Trung Quốc đã giảm 15% trong năm 2014 giữa bối cảnh các nhà quảng cáo đang rút dần sang Internet.

Tập đoàn báo chí Phương Nam ở Quảng Đông, một công ty hàng đầu ở Trung Quốc về báo in, đã chứng kiến sự tụt giảm lợi nhuận đến 37% trong năm 2014, trong khi Tập đoàn báo chí Đạt Trung ở Sơn Đông sụt giảm lợi nhuận tới 56% trong năm ngoái.

Báo cáo do Trường Báo chí và truyền thông của Đại học Thanh Hoa cũng dự đoán lợi nhuận các tờ báo in của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tụt giảm trong năm 2015 trước những khó khăn của nền kinh tế.

Chủ động điều chỉnh theo xu thế

Tuy nhiên, tin tốt là ngành truyền thông nói chung ở Trung Quốc lần đầu tiên thu về 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 161 tỉ USD) doanh thu trong năm 2014 nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ trên Internet.

Các phương tiện truyền thông trên nền tảng Internet đã vượt mặt các phương tiện truyền thống trong năm ngoái. Doanh thu quảng cáo trên Internet đã đạt hơn 150 tỉ nhân dân tệ (24,2 tỉ USD), qua mặt quảng cáo trên truyền hình.

Trong khi đó, nhiều tờ báo ở Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa trong tình trạng khó khăn. Tháng 1 năm ngoái, tờ Bưu điện Thượng Hải Buổi tối 15 năm tuổi đã phải đóng cửa. Tuần báo ở Bắc Kinh The First cũng tuyên bố ngưng hoạt động vào tháng 4-2014. Nhiều người cho rằng đây là xu hướng không thể tránh khỏi nhưng cũng có người tỏ ra lạc quan hơn.

Một số chuyên gia truyền thông Trung Quốc cho rằng việc một số tờ báo in của nước này sẽ đến lúc “cáo chung” là điều tất yếu.

“Sự ra đi của một vài tờ báo in không có nghĩa rằng báo in sẽ chết, bởi nhu cầu về tin tức không bao giờ sụt giảm” - chuyên gia truyền thông Từ Thắng Quốc nói.

Theo ông Từ, những gì mà báo chí truyền thống nên làm là tiếp tục tập trung vào việc cung cấp những nội dung chất lượng trong khi phải chủ động điều chỉnh theo thói quen đang thay đổi của độc giả. Chuyên gia Internet Phương Hưng Đông nói báo chí truyền thống nên hợp tác với các công ty Internet để tìm ra các mô hình kinh doanh mới. Có một điều mà gần như ai cũng đồng ý, theo báo cáo kể trên, đó là báo chí truyền thống phải thích nghi, nếu không sẽ chết.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên