22/04/2015 15:11 GMT+7

​Các nước châu Á nợ ngập đầu

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Các tổ chức tài chính quốc tế vừa lên tiếng cảnh báo nhiều quốc gia châu Á đã vay quá nhiều để đảm bảo tăng trưởng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và giờ rơi vào cảnh nợ ngập đầu.

Công nhân làm việc tại một công trình xây dựng hạ tầng ở Bắc Kinh. Nợ công Trung Quốc hiện bằng 282% GDP - Ảnh: World Finance

Theo báo Wall Street Journal ngày 21-4, báo cáo của Viện Toàn cầu Mckinsey (MGI) cho biết 50% số nợ toàn cầu trong vòng bảy năm qua tập trung tại các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Chỉ riêng Trung Quốc chiếm 1/3 trong tỉ lệ tăng nợ công toàn cầu kể từ năm 2007.

Tỉ lệ nợ của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc hiện cao hơn mức trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 1990. Một số nước như Hàn Quốc, Malaysia và Úc có tỉ lệ nợ hộ gia đình tính trên thu nhập cao hơn cả Mỹ trước khủng hoảng tài chính năm 2008.

Wall Street Journal dẫn lời chuyên gia Frederic Neumann thuộc Hãng HSBC Holdings PLC mô tả các nước châu Á “nghiện nặng vay vợ”. Mô hình vay nợ có sự khác biệt ở các quốc gia khác nhau tại châu Á. Ở Trung Quốc, các công ty nhà nước, tập đoàn địa ốc và chính quyền các địa phương vay nợ ồ ạt để đổ tiền vào các dự án quy mô lớn.

Ngược lại tại Malaysia và Thái Lan, người tiêu dùng vay bộn tiền để duy trì cuộc sống trung lưu, ví dụ như mua nhà, mua xe và các thiết bị gia dụng. Ở Nhật, chính phủ tiếp tục vay nợ, đưa tổng nợ của nước này lên 400% GDP, cao nhất trên thế giới.

Theo thống kê của Ngân hàng Morgan Stanley, kể cả không tính đến Nhật thì tổng nợ ở châu Á vẫn tăng lên tới 205% GDP vào năm 2014, vượt xa mức 144% của năm 2007 và 139% của năm 1996.

Tổng nợ của Trung Quốc tăng vọt lên 28.200 tỉ USD giữa năm 2014, tương đương 282% GDP, cao gấp gần bốn lần so với mức 7.400 tỉ USD của năm 2007.

Tại các quốc gia nghèo hơn như Ấn Độ và Indonesia, tổng nợ là khá thấp so với quy mô nền kinh tế.

Tuy nhiên nợ của các công ty đầu tư hạ tầng Ấn Độ đang trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế.

Các nước như Hàn Quốc và Thái Lan phải đối phó với tình trạng nợ công cao và dân số già kết hợp, đồng nghĩa việc nền kinh tế đã chậm lại của các nước này khó có khả năng tăng trưởng cao như trong quá khứ.

Các chuyên gia cho rằng nợ lớn sẽ không đẩy cả châu Á vào khủng hoảng tài chính nhưng có nhiều xu thế đáng lo ngại. Ở Trung Quốc, 50% tổng nợ dính dáng đến địa ốc và 1/3 xuất phát từ hệ thống ngân hàng ngầm của nước này. Tình trạng đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính quốc gia.

Mối lo ngại lớn nhất là lãi suất Mỹ tăng, có thể đẩy dòng vốn nước ngoài ra khỏi châu Á khiến tăng trưởng sụt giảm, ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán khu vực, gây bất ổn đối với các thị trường ngoại hối. 

Theo báo Financial Times, mới đây Phòng Thương mại Thái Lan cảnh báo nợ hộ gia đình ở nước này sẽ tăng lên 100% GDP vào năm 2020.

Giám đốc Phòng Thương mại Thái Lan Piyabutr Cholvijarn cảnh báo nếu Thái Lan không giải quyết được vấn đề nợ hộ gia đình, nước này có thể đối mặt với khủng hoảng tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Châu Á nợ tài chính GDP