21/04/2015 08:02 GMT+7

​Cựu lãnh đạo IMF “chết” vì tiền bẩn

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Ông Rodrigo Rato từng là ngôi sao đang lên của Đảng Nhân dân cầm quyền tại Tây Ban Nha. Ông càng làm người dân tự hào khi trở thành lãnh đạo của IMF.

Ông Rodrigo Rato bị cảnh sát nhấn đầu vào xe khi bắt giữ hôm 16-4 - Ảnh: AFP
Ông ấy là nỗi xấu hổ cho mọi người dân Tây Ban Nha. Việc bắt giữ ông ta cần phải thể hiện như sự chấm dứt miễn hình phạt cho một thế hệ lãnh đạo tham nhũng tận xương
Alberto Ribera (35 tuổi, chính trị gia trẻ đang lên ở Tây Ban Nha)

Từng là bộ trưởng kinh tế và nhân vật số hai trong chính phủ của thủ tướng cánh hữu José Maria Aznar trong hai nhiệm kỳ (1996-2004), ông Rato đương nhiên nhận không ít lời ngợi khen.

Cựu thủ tướng Aznar từng mô tả ông Rato là “bộ trưởng kinh tế giỏi nhất của Tây Ban Nha trước giờ”.

Thậm chí cách đây một năm, nhân vật số hai của Đảng Nhân dân bảo thủ là bà Maria Dolores de Cospedal còn ca ngợi ông Rato là “tác giả của điều kỳ diệu cho kinh tế Tây Ban Nha”.

Sinh ra để cầm quyền

Sinh ra trong gia đình có tiền (chủ doanh nghiệp ở miền bắc) và có quyền (ông cố từng là bộ trưởng), ông Rato được cho là “sinh ra để cầm quyền”. Có tin cho rằng thủ tướng Aznar từng hai lần tính giới thiệu ông Rato kế nhiệm mình nhưng đã rút lại quyết định vào phút chót.

Tuy vậy, không lấy được vị trí nguyên thủ Tây Ban Nha, ông Rato vẫn trở thành người Tây Ban Nha đầu tiên lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào năm 2004. Ông chỉ làm ở IMF ba năm rồi xin nghỉ về Tây Ban Nha mà theo tin đồn là để giành lấy vị trí lãnh đạo Đảng Nhân dân.

Ông không làm được điều này trước đối thủ Mariano Rajoy nên sau đó được bổ nhiệm làm chủ tịch Ngân hàng Caja Madrid. Đến năm 2010, Caja Madrid được “quốc hữu hóa” thành Ngân hàng Bankia - đơn vị tài chính lớn thứ tư ở Tây Ban Nha - sau khi sáp nhập với sáu quỹ tín dụng khác.

Nhưng có vẻ việc làm ăn trong thế giới ngân hàng không phải thế mạnh của Rato: Bankia lên sàn chứng khoán vào tháng 7-2011 và... không thành công.

Một năm sau, ngân hàng này phá sản khiến chính quyền Madrid phải cầu cứu EU xin vay tiền. Dĩ nhiên vay là phải trả và trả bằng tiền nộp thuế của dân vào thời kỳ kinh tế đang khủng hoảng!

Theo AFP, ông Rato được xem là “nhà tư tưởng” một thời kỳ bùng nổ của kinh tế Tây Ban Nha. Trong giai đoạn làm bộ trưởng kinh tế, ông được khen ngợi là đã tạo ra 5 triệu việc làm mới.

Nhưng kỳ thực đó chỉ là sự bùng nổ nhất thời nhờ đầu cơ bất động sản. Khi thị trường này thất bát thì người ta cũng bắt đầu nhận ra “tài năng” của ông Rato qua sự phá sản của hàng trăm ngàn người dân Tây Ban Nha từng xây giấc mơ trong bất động sản.

Trong những năm 2000, ông từng được cho là sẽ nắm cương vị lãnh đạo đất nước. Giờ đây “ngôi sao” 66 tuổi đã lộ diện: ông cũng không thoát khỏi vòng vây của tiền bạc - quyền lực. Ông bị tạm giữ và bị điều tra trong các cáo buộc “rửa tiền” liên quan đến Ngân hàng Bankia.

Vật thí của chính trị

Uy tín của ông Rato càng lúc càng xuống bùn đen sau khi Bankia phá sản. Ngày 16-10-2014, ông Rato ra tòa trong tiếng la ó của người phản đối. Ông bị cáo buộc vi phạm tài chính trong vụ phá sản của Bankia. Ông cùng khoảng 80 nhà quản lý khác bị nghi ngờ đã dùng thẻ tín dụng “đen” của Ngân hàng Bankia cho các chi phí cá nhân.

Hai năm trước đó, cảnh tượng tương tự cũng xảy ra khi xe chở ông Rato ra tòa với những tiếng hò hét căm giận ngay sát mặt ông. Lần đó ông bị cáo buộc gian dối, biển thủ và giả mạo tài khoản trong lần Bankia lên sàn chứng khoán.

Do tình cảnh khủng hoảng kinh tế của đất nước nên trường hợp biển thủ, tham nhũng càng bị phản đối mạnh mẽ tại Tây Ban Nha.

Nhưng có thể nói những gì còn lại của nhà chính trị tài ba một thời đã tan biến hẳn qua hình ảnh ông bị cảnh sát nhấn đầu vào xe hôm 16-4. Ngay từ tối, truyền hình đã đưa lên từng chút hình ảnh ông bị đưa khỏi nhà và sang sáng hôm sau, tất cả báo chí Tây Ban Nha đều đưa lên trang nhất những tấm ảnh ông Rato bị cảnh sát thộp cổ.

Theo cơ quan thuế, ông Rato đã tìm cách che giấu những khoản tiền để tránh đóng thuế. Ông đã bị tạm giữ tám giờ trong lúc các điều tra viên lục soát nhà riêng cũng như văn phòng làm việc của ông tại Madrid.

Đến hôm 17-4, khi ông đã được trả tự do và quay lại văn phòng thì cảnh sát vẫn tiếp tục việc lục soát. Nguồn tin từ tòa án cho biết thẩm phán phụ trách điều tra đã ra lệnh phong tỏa các tài khoản của ông Rato.

Thật ra ông Rodrigo Rato đã bị trục xuất khỏi Đảng Nhân dân vào mùa thu năm ngoái. Một số người thân cận của ông cho rằng ông đang bị biến thành “bung xung” để Đảng Nhân dân tái tạo hình ảnh trong sạch thông qua thái độ cương quyết xử lý những nhân vật biến chất.

Nhưng hình ảnh một ngôi sao chính trị một thời bị nhấn đầu vào xe cảnh sát đã bị truyền thông xem như một cơ hội. Theo RFI, nhà phân tích và chính trị học Josep Ramoneda gọi đó là “màn diễn công lý” của chính phủ vì cũng trong hôm 17-4, chính quyền Madrid đã thông qua kế hoạch cải cách nhằm chống gian lận tài chính.

Ông Josep Ramoneda cũng nhận định: “Đảng Nhân dân thấy rằng nạn tham nhũng gây nhiều thiệt hại hơn mình tưởng nên thấy ở trường hợp ông Rato là cơ hội không thể bỏ qua. Họ đã nhân đó làm mẫu để xử lý”.

Dĩ nhiên Đảng Nhân dân cầm quyền còn nhiều việc phải làm vì giờ đây dân chúng đã thấy quá rõ như cách AFP đặt tựa “Rodrigo Rato hay biểu tượng của nạn tham nhũng tại Tây Ban Nha”.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên