10/04/2015 14:13 GMT+7

​Năm 2025 sẽ tìm thấy sự sống ngoài Trái đất?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) tự tin sẽ có đáp án cho một trong những câu hỏi hóc búa nhất lịch sử trong vòng mươi, hai mươi năm tới.

Robot Curiosity trên sao Hỏa - Ảnh: NASA
Chúng tôi không nói về những người có da màu xanh lá. Chúng tôi đang nói về những vi khuẩn nhỏ, những mầm sống của tương lai
Nữ tiến sĩ Ellen Stofan

Tại cuộc thảo luận về sự tồn tại của nước trong vũ trụ ngày 8-4, giám đốc khoa học của NASA, nữ tiến sĩ Ellen Stofan cho biết con người sẽ tìm thấy bằng chứng về sự sống bên ngoài Trái đất sớm nhất là vào năm 2025. Dự đoán được đưa ra sau khi NASA tìm được các dấu hiệu cho thấy có nước trên nhiều thiên thể trong vũ trụ.

Chỉ là vấn đề thời gian

“Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy những dấu hiệu chắc chắn của sự sống ngoài Trái đất trong vòng một thập niên và sẽ có bằng chứng rõ ràng trong vòng 20-30 năm tới - Đài CNN dẫn lời bà Stofan - Chúng tôi biết tìm ở đâu, tìm như thế nào. Trong mọi trường hợp, chúng tôi có công nghệ và chúng tôi đang trên đường thực hiện nó. Nên tôi nghĩ rằng chúng tôi chắc chắn đang đi đúng đường”.

Đồng quan điểm, ông Jeffery Newmark - quyền giám đốc vật lý hệ Mặt trời của NASA - tin rằng vấn đề bây giờ không còn là có thể hay không mà là khi nào tìm thấy sự sống ngoài Trái đất.

Trong khi đó, cựu phi hành gia John Grunsfeld của NASA khẳng định các nhà khoa học sẽ sớm tìm thấy dấu hiệu sự sống không chỉ ở trong mà cả bên ngoài hệ Mặt trời của chúng ta.

Nhờ công nghệ, NASA đã khám phá bằng chứng về sự tồn tại của nước tại nhiều thiên thể như hành tinh lùn Ceres hay mặt trăng Europa của sao Mộc. Trong đó, kính viễn vọng không gian khổng lồ Hubble là công cụ đắc lực cho các nhà thiên văn học.

Trong một thông cáo báo chí, NASA cho biết: “Kính viễn vọng Hubble đã cung cấp cho chúng ta những bằng chứng mạnh mẽ nhất rằng Ganymede (mặt trăng của sao Mộc) có tồn tại một đại dương nước mặn, nằm kẹp giữa các tầng băng”.

Chế tạo động cơ lên sao Hỏa dưới 40 ngày

Đó là thách thức NASA đặt ra trong dự án đã bắt đầu từ năm 2009.

Cho đến nay, chuyến du hành lên sao Hỏa được ước tính vào khoảng 6-8 tháng và đó là một thử thách quá lớn đối với sức chịu đựng của các phi hành gia.

Vì thế, NASA muốn tài trợ cho việc phát triển tên lửa đẩy VASIMR cực mạnh có khả năng đưa phi thuyền lên sao Hỏa dưới 40 ngày.

Trong một thông báo công bố hôm 30-3, NASA đã nói chi tiết hơn về chương trình NEXTStep nhằm tài trợ 12 doanh nghiệp tập trung nghiên cứu các công nghệ hiện đại giúp khám phá không gian.

Một trong những công ty đã được tài trợ là Ad Astra Rocket ở Texas (Mỹ) được tài trợ 10 triệu USD (trong ba năm) để tiếp tục phát triển loại “động cơ - tên lửa” VASIMR mà họ đã trình bày. Yêu cầu trước mắt là chế tạo một VASIMR có khả năng bay trong ít nhất 100 giờ. 

TÚ ANH

Các nhà khoa học cũng tin rằng trước đây nước đã từng bao phủ phần lớn sao Hỏa và để lại nhiều dấu vết trên bề mặt hành tinh này. Tàu thăm dò Curiosity của NASA đã tìm thấy phân tử hữu cơ có chứa cacbon và nitơ “cố định” trên bề mặt sao Hỏa - những thành phần cơ bản cần thiết cho sự sống tương tự như ở Trái đất.

Tuy nhiên, bà Stofan nhấn mạnh những gì tìm thấy được sẽ không giống như trong phim ảnh. “Chúng tôi không nói về những người có da màu xanh lá. Chúng tôi đang nói về những vi khuẩn nhỏ, những mầm sống của tương lai”.

Nhiều công cụ săn tìm

Dự đoán của bà Stofan không chỉ là nói suông mà dựa trên kế hoạch cụ thể của NASA trong thời gian tới với nhiều dự án quan trọng nhằm khám phá sự sống ngoài hành tinh càng sớm càng tốt.

Theo trang Space, NASA đang có kế hoạch thực hiện phóng thiết bị tự hành sao Hỏa tiếp theo vào năm 2020 để tìm kiếm, thu thập các mẫu vật và đưa về Trái đất để phân tích.

Theo kế hoạch, NASA sẽ đưa phi hành gia lên hành tinh đỏ khoảng năm 2030. Theo bà Stofan, đây là một bước cực kỳ quan trọng trong quá trình tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.

NASA cũng dự kiến triển khai một sứ mệnh lên Europa, có thể là vào năm 2022. Sứ mệnh trị giá 2,1 tỉ USD nhằm khám phá khả năng sống trên mặt trăng băng này và cũng để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh.

Các quan chức NASA đang tìm cách thu thập và nghiên cứu các chùm hơi nước xuất hiện ở khu vực cực nam của mặt trăng này.

Ngoài ra, kính viễn vọng không gian James Webb dự kiến được phóng lên vào năm 2018. Thiết bị trị giá 8,8 tỉ USD này với độ nhạy và độ phân giải chưa từng có từ trước tới nay sẽ giúp phân tích các vì sao và hành tinh ở rất xa. Thiết bị này sẽ phân tích các hành tinh có kích thước lớn hơn Trái đất để tìm kiếm các loại khí thải của sự sống.

Trước đó, kính viễn vọng Kepler được NASA đưa vào hoạt động năm 2009 đã giúp các nhà khoa học có nhiều khám phá quan trọng như việc thiên hà của chúng ta có ít nhất 100 tỉ hành tinh. Nó cũng giúp chúng ta phát hiện thêm 1.000 ngoại hành tinh (hành tinh ngoài hệ Mặt trời), trong đó tám hành tinh mới được công bố hồi tháng 1-2015 và hai trong số đó được cho là tương tự Trái đất.

Dĩ nhiên, những kính viễn vọng không thể giúp chúng ta nhìn rõ được tất cả hành tinh nhưng các nhà khoa học vẫn có thể biết được các thành phần trong bầu khí quyển của hành tinh đó dựa vào phân tích ánh sáng chiếu qua nó.

Cựu phi hành gia John Grunsfeld giải thích: “Nếu nhìn vào Trái đất, chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu của bầu trời chúng ta, bầu trời màu xanh. Chúng ta sẽ thấy các dấu hiệu của khí oxy, khí cacbon, của chất sulfur dioxit từ các núi lửa và thậm chí còn thấy các biểu hiện rằng có đời sống thực vật”.

 

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên