26/03/2015 19:29 GMT+7

Phi công phụ cố ý để máy bay Đức rơi

N. QUÂN - MỸ LOAN
N. QUÂN - MỸ LOAN

TTO - Trong cuộc họp báo ngày 26-3, thẩm phán Brice Robin ở Marseille (Pháp) khẳng định phi công phụ đã cố ý để máy bay rơi xuống vùng núi khi anh ta ở một mình trong buồng lái.

Tổng thống Pháp François Hollande (trái), thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói chuyện với lực lượng cứu hộ tại Seyne-les-Alpes, gần nơi xảy ra tai nạn  Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói chuyện với lực lượng cứu hộ tại Seyne-les-Alpes, gần nơi xảy ra tai nạn - Ảnh: Reuters

Theo AFP, thẩm phán Robin cho biết phi công phụ tên Andreas Lubitz, 28 tuổi.

"Khi ở một mình trong buồng lái, phi công phụ đã nhấn nút điều khiển hệ thống để kích hoạt cho máy bay rơi xuống. Hành vi đó có thể mang tính cố ý".

Dựa trên thông tin phân tích từ dữ liệu hộp đen đã thu hồi được, theo thẩm phán Robin, các nhà điều tra đã xác định phi công chính đã tìm cách quay trở lại buồng lái nhưng không được.

"Chúng tôi nghe thấy được tiếng hơi thở trong buồng lái cho đến khi máy bay va đập vỡ tan. Điều đó cho thấy phi công phụ vẫn còn sống chứ không phải bị đột quị", thẩm phán Robin thông báo.

Vị thẩm phán của Pháp cũng khẳng định viên phi công phụ không nói một lời nào khi anh ta ở một mình trong buồng lái. Ông cũng cho biết các âm thanh ghi lại cho thấy hành khách trên máy bay không hề biết điều gì đang xảy ra cho đến khi máy bay vỡ tan.

"Không có tiếng la hét nào cả vào giây phút cuối trước khi máy bay va đập", thẩm phán Robin giải thích.

Thẩm phán Robin cũng cho biết thêm là các nhân viên kiểm soát không lưu đã liên tục cố liên lạc với chiếc máy bay nhưng không được.

Các nhà điều tra khẳng định không phát hiện phi công phụ có bất kỳ mối liên hệ náo với thành phần cực đoan hay khủng bố. Giới chức Đức nhấn mạnh họ đang tìm thêm thông tin về nhân thân cũng như cuộc sống cá nhân của phi công Andreas Lubitz.

Những tai nạn máy bay nghi phi công tự sát

Ngày 9-11-2013: Một chuyến bay từ Mozambique đến Angola rơi ở Namibia làm 33 người thiệt mạng. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy phi công chính đã cố ý thực hiện ngay sau khi phi công phó rời khỏi buồng lái.

Ngày 31-10-1999: Một chiếc máy bay Boeing 767 của hãng hàng không EgyptAir đã rơi rất nhanh chỉ sau 30 phút cất cánh từ New York làm 217 người thiệt mạng. Kết quả điều tra cho thấy nguyên nhân vụ rơi máy bay có sự nhúng tay của phi công phó.

Ngày 19-12-1997: Hơn 100 người thiệt mạng khi chiếc máy bay Boeing 737 đi từ Indonesia đến Singapore bị rơi. Phi công bị nghi ngờ đã tắt hệ thống ghi dữ liệu chuyến bay và có dấu hiệu đã điều khiển để máy bay rơi. Phi công này lái máy bay trong tình trạng đang “gặp nhiều khó khăn trong công việc”.

(Theo mạng an toàn hàng không)

N. QUÂN - MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: rớt máy bay phi công