01/02/2015 10:32 GMT+7

​Thúc đẩy quan hệ nhân dân Việt - Mỹ

QUỲNH TRUNG ghi
QUỲNH TRUNG ghi

TT - Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ nhân dân giữa hai nước được mở rộng, đa dạng hóa và đi vào chiều sâu, góp phần phát triển quan hệ đối tác toàn diện như hiện nay.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (trái) trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Tôn Nữ Thị Ninh (trái) trao đổi với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tại hội nghị quốc tế “Quan hệ Việt - Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa” diễn ra ở Hà Nội ngày 26-1, tôi rất tâm đắc với lời phát biểu của đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam, ông Pete Peterson: “Để phát triển tốt đẹp hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, sự đóng góp của các nhà ngoại giao và chính khách vẫn chưa đủ, mà còn cần quan hệ nhân dân nữa”.

Thật vậy, quan hệ nhân dân giữa Việt Nam và Mỹ là một nền tảng vững chãi và một phần tích cực của động lực.

Nhân dân - nền tảng tích cực

Năng động lĩnh vực hợp tác văn hóa

Quan hệ nhân dân hai nước về lĩnh vực văn hóa cũng khá năng động.

Giáo sư John Balaban và tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn thực hiện dự án bảo tồn chữ Nôm, còn anh Trần Thắng sáng lập Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nhiều bạn trẻ Việt Nam du học Mỹ xong trở về nước để thực hiện những dự án về giáo dục, nghệ thuật có ý nghĩa.

Ở chiều ngược lại, cũng có những đoàn học sinh phổ thông Mỹ sang Việt Nam để tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng nhà tình thương ở miền Trung.

Có những bạn sang Việt Nam ở hẳn một năm, vừa học chương trình Mỹ vừa học văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam.

Ngoại giao nghị viện cũng đóng vai trò quan trọng. Tôi từng phát biểu khi còn làm việc ở Quốc hội là ngoại giao nghị viện có hai chân: một chân gần với Nhà nước, một chân gần với nhân dân.

Tôi còn nhớ khi tháp tùng phó chủ tịch quốc hội đi Mỹ để vận động cho quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn vào đầu năm 2007, tôi gặp và trò chuyện với bà Loretta Sanchez, hạ nghị sĩ quận Cam (California).

Nhằm giành lá phiếu của một nhóm thiểu số người Việt còn tư tưởng cực đoan, hạ nghị sĩ này nghe theo họ nên kêu goi cộng đồng người Việt ở quận Cam cự tuyệt bất cứ mối quan hệ nào với Việt Nam, chống việc về thăm Việt Nam.

Tôi nói với bà ấy là chúng ta đều là những đại biểu do dân bầu. Tôi hiểu nhu cầu phải lắng nghe cử tri nhưng có những lúc đại biểu dân cử phải mở đường, dẫn đường cho cử tri, phải hướng họ đến sự tiến bộ.

Thực tế là có không ít người gốc Việt trở lại Việt Nam kinh doanh và thành công. Tôi nghĩ bà ấy không thể bác bỏ lý lẽ của tôi nên không công kích gì cả mà chỉ mỉm cười. Khi tôi về, bà ấy còn ra tiễn và ôm hôn tôi...

Cũng tại hội nghị 20 năm Việt - Mỹ vừa qua, tôi nhắc đến chương trình đào tạo lại kỹ sư trẻ Việt Nam của Tập đoàn Intel: nhà máy sản xuất chip điện tử của Intel ở TP.HCM cần rất nhiều kỹ sư nhưng các kỹ sư đào tạo ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của họ.

Để giải quyết bài toán này, Tập đoàn Intel hợp tác với ĐH Portland đào tạo lại một số sinh viên ĐH chủ yếu từ ĐH Bách khoa.

Phó hiệu trưởng ĐH Portland chia sẻ với tôi là sau sáu tháng tập làm quen môi trường, các sinh viên Việt Nam đã đứng đầu lớp về thành tích học tập. Nhiều sinh viên của Mỹ còn than thở rằng sự xuất hiện của nhóm sinh viên Việt Nam gây áp lực khiến họ phải đuổi theo.

Không lơ là vấn đề chất độc da cam

Quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang tuổi 20, lứa tuổi được xem là đã trưởng thành rồi. Một mối quan hệ trưởng thành thì hai bên phải biết quan tâm lẫn nhau. Việt Nam đã lắng nghe những mối quan tâm của Hoa Kỳ về nhân quyền nhiều năm rồi, giờ Mỹ cũng phải quan tâm đến di sản chất độc da cam tại Việt Nam.

Vấn đề hỗ trợ các nạn nhân da cam Việt Nam mà tôi nêu lên ở hội nghị hôm 26-1 nhận được sự quan tâm của tiến sĩ Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược và ông Mike DiGregorio - giám đốc quốc gia Quỹ châu Á.

Tân đại sứ Mỹ Ted Osius cũng nhắc đến vấn đề này trong bài tổng kết ở phiên bế mạc, điều đó cho thấy ông không “làm ngơ” đối với vấn đề chất độc da cam.

Khi còn là phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, tôi có dịp gặp ông hạ nghị sĩ Chris Smith, vốn là một người bảo thủ. Ông ấy có quan điểm chống lại việc phá thai, vốn là vấn đề khá cởi mở ở Việt Nam.

Lúc đó, tôi hoàn toàn lắng nghe ông. Nhưng khi đến lượt tôi trình bày mối quan tâm của Việt Nam về chất độc da cam thì ông Chris Smith ngay lập tức tránh né bằng cách trả lời: “Chúng tôi rất quan tâm đến quyền lợi của các cựu chiến binh Mỹ”, với hàm ý chỉ lo cho người Mỹ.

Chúng ta cần phải nêu vấn đề tại sao các cựu chiến binh Mỹ được hỗ trợ nhưng các nạn nhân Việt Nam thì không. Chúng ta cũng phải thông qua những người bạn Mỹ, đặc biệt là những người trong quốc hội, thúc giục Chính phủ Mỹ tăng ngân sách xử lý các hậu quả của chất độc da cam và chú trọng hỗ trợ con người nhiều hơn.

Người Mỹ cũng có ngân sách cho vấn đề da cam. Nhưng một phần đáng kể ngân sách ít ỏi này được dùng để chi trả cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu người Mỹ. Tôi nghĩ không thể chờ khoa học chứng minh chất độc da cam gây ra những tác hại, căn bệnh gì rồi sau đó mới hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, bởi vì thời gian nghiên cứu có thể kéo dài mấy chục năm.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy trong nhiều năm liền tích cực thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Theo tôi được biết, ngân sách 2015 đã được Tổng thống Barack Obama thông qua.

Một đoạn trong luật này có đề cập việc cho phép sử dụng một số tiền để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

Chung quy lại, nếu Mỹ và Việt Nam tiếp tục cùng bắt tay xử lý vấn đề chất độc da cam, sẽ không những không gây tác hại đến mối quan hệ hai nước mà còn khiến nhân dân Việt Nam có thêm thiện cảm với Mỹ, góp phần giúp mối quan hệ song phương trở nên vững chãi hơn.

TÔN NỮ THỊ NINH
(nguyên phó chủ nhiệm  Ủy ban Đối ngoại Quốc hội)

QUỲNH TRUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên