31/01/2015 08:52 GMT+7

​Mỹ kêu gọi Nhật tuần tra biển Đông

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Vấn đề biển Đông lại nóng với việc Mỹ tuyên bố ủng hộ Nhật Bản mở rộng tuần tra trên không tại khu vực này và hỗ trợ các nước đương đầu với Trung Quốc.

Chiếc máy bay tuần tra P-1 mới của Nhật - Ảnh: Reuters

Trong bài phỏng vấn với Reuters hôm 29-1, đô đốc Robert Thomas - chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ và là quan chức cấp cao của hải quân Mỹ tại châu Á - cho biết “các đồng minh, đối tác trong khu vực sẽ trông chờ Nhật Bản thực hiện vai trò là lực lượng tạo sự ổn định mạnh mẽ hơn”.

“Tại biển Đông, nói thẳng ra là đội tàu cá, tàu tuần duyên và hải quân Trung Quốc, đang áp đảo các nước láng giềng” - ông Thomas mở đầu.

Máy bay của Nhật hiện chỉ tuần tra tại khu vực biển Hoa Đông, nơi Tokyo có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Giới quan sát nhận định việc Nhật Bản mở rộng các chuyến bay tuần tra đến khu vực biển Đông sẽ làm xấu thêm mối quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Có ý nghĩa trong tương lai

“Tôi nghĩ rằng các chiến dịch tuần tra của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JSDF) sẽ có ý nghĩa trong tương lai” - Reuters dẫn lời đô đốc hải quân Mỹ giải thích.

Tokyo không liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, tuy nhiên khu vực này chiếm đến 10% lượng hải sản đánh bắt toàn cầu và là tuyến vận chuyển hơn 5.000 tỉ USD hàng hóa mỗi năm, trong đó một phần lớn là đến và rời Nhật Bản.

Tuyên bố của ông Thomas đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang ủng hộ chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đóng vai trò quân sự năng động hơn tại khu vực.

Tokyo và Washington đang đàm phán về các quy tắc hợp tác an ninh song phương mới nhằm trao cho Nhật Bản vai trò lớn hơn trong liên minh hai nước 70 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Trung Quốc giở giọng dọa nạt

Tuy nhiên tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 30-1 đã đăng ngay bài bình luận mạnh miệng tuyên bố “lực lượng Nhật Bản không được chào đón ở biển Đông” và kêu gọi Tokyo kiềm chế sự thèm khát muốn nhảy vào khu vực.

Báo này khẳng định Bắc Kinh sẽ phản đối việc Nhật mở rộng tuần tra trên không tại biển Đông và dọa sẽ đáp trả máy bay Nhật. Dẫn lại các chi tiết trong bài phỏng vấn của Reuters, Thời Báo Hoàn Cầu kết luận rằng Mỹ và Nhật Bản đang bắt tay để tái cân bằng khu vực nhưng cảnh báo việc đối đầu với Bắc Kinh sẽ không có lợi cho Nhật Bản.

Theo Reuters, ông Abe đang thúc đẩy một đạo luật vào cuối năm nay nhằm cho phép quân đội Nhật hoạt động tự do hơn ở nước ngoài theo việc diễn giải lại quyền tự vệ trong hiến pháp.

Kế hoạch sẽ bao gồm triển khai một loại máy bay tuần tra hàng hải mới - chiếc P-1, có tầm hoạt động lên đến 8.000km, tức gấp đôi so với hiện tại.

Tầm hoạt động này cho phép máy bay của Nhật tuần tra xuống đến biển Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật không đưa ra bình luận gì ngay sau tuyên bố của phía Mỹ. Nhật Bản trước nay chưa từng đề cập khả năng mở rộng tuần tra xuống phía nam.

Chiều qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về tuyên bố của ông Thomas, kêu gọi tránh gia tăng căng thẳng.

“Các nước bên ngoài khu vực nên tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định, tránh làm những điều gây chia rẽ các nước và tạo ra căng thẳng” - Reuters dẫn lời người phát ngôn Trung Quốc.

Thắt chặt quan hệ với các nước

“Đây là đà tiến triển hợp lý trong nỗ lực của ông Abe nhằm thúc đẩy một lực lượng vũ trang mạnh và chủ động hơn. Nó cũng là một bước ổn định để chuyển hướng khỏi các hoạt động truyền thống của JSDF” - chuyên gia Grant Newsham thuộc Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản nhận định.

Ông Newsham nói thêm rằng việc triển khai máy bay tuần tra đến biển Đông sẽ giúp Nhật thắt chặt quan hệ quốc phòng với những quốc gia trong khu vực như Philippines nhằm đối phó với sự bành trướng của hải quân Trung Quốc.

Chỉ trích đường chín đoạn trái luật quốc tế của Bắc Kinh đang gây ra xung đột không cần thiết, ông Thomas cho biết Nhật Bản có thể giúp Philippines về trang bị, huấn luyện binh sĩ. “Đối với Philippines, một vấn đề của họ là về khả năng. Đối với Nhật Bản, đây là cơ hội thích hợp để giúp đỡ không chỉ về trang thiết bị mà còn về đào tạo” - ông nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Tuvera Gazmin hôm 29-1 cùng người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani ký kết ghi nhớ hợp tác về trao đổi quân sự, huấn luyện, công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Trong khi đó, các ngoại trưởng ASEAN ngày 29-1 đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, nước chủ tịch ASEAN năm nay, nhấn mạnh: “Chúng ta có mối quan hệ tốt với Trung Quốc và luôn cho rằng bất cứ tranh cãi về lãnh thổ nào cũng phải được giải quyết theo luật quốc tế. Nếu đó là vấn đề giữa hai bên thì phải là giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Tuyên bố của các bộ trưởng đưa ra sau khi Philippines cảnh báo ASEAN sẽ mất uy tín và sự đoàn kết nếu tiếp tục im lặng về “một vấn đề nghiêm trọng xảy ra ngay trên sân sau của mình”.

“Khi sự tự do đi lại, hòa bình và ổn định đang bị nguy hại, ASEAN với tư cách là một lực lượng trong khu vực nên cân nhắc nhờ các cộng đồng quốc gia giúp chúng ta nói với Trung Quốc rằng họ đang làm sai và dừng ngay các hoạt động cải tạo” - AP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

Ông Albert del Rosario nói rằng Bắc Kinh tuần trước tiếp tục các hoạt động cải tạo những hòn đảo xung quanh một bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa.

 

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên