26/01/2015 13:51 GMT+7

​Gia tộc Shinawatra dưới bóng mây u ám

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Gia tộc Shinawatra quyền lực một thời và cả Ðảng Phuea Thai thân cựu thủ tướng Thaksin đang đối mặt với một tương lai không hề tươi sáng sau khi bà Yingluck bị cấm hoạt động chính trị năm năm và sẽ bị truy tố hình sự.

Những ngày sắp tới của bà Yingluck sẽ không dễ dàng gì - Ảnh: Reuters

Ðây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện các chính trị gia và cựu lãnh đạo Thái Lan bị cấm hoạt động chính trị năm năm. Sau cuộc đảo chính tháng 9-2006, phiên tòa một năm sau đó đã tuyên Ðảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra gian lận bầu cử, kéo theo việc đảng này bị giải thể và 111 thành viên ban lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động chính trị năm năm. Ông Thaksin nằm trong số này.

Ðến năm 2008, sau hơn một tuần lực lượng biểu tình áo vàng chiếm hai sân bay ở Bangkok để phản đối chính phủ do Ðảng Sức mạnh nhân dân lãnh đạo, tòa án hiến pháp cũng đã tuyên chính đảng thân Thaksin này gian lận bầu cử và ban lãnh đạo đảng bị cấm hoạt động chính trị năm năm. Trong số này có thủ tướng khi ấy là ông Somchai Wongsawat, anh rể ông Thaksin.

Ðến nay, tất cả những người bị cấm hoạt động chính trị từ năm 2007 và 2008 đã mãn hạn cấm và có thể quay lại chính trường. Nhưng câu chuyện hiện tại xem ra không tươi sáng như những năm trước. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng liệu gia tộc Shinawatra còn có thể đứng vững trên chính trường trong tình hình hiện nay hay buộc phải tạm lánh mặt một thời gian, thậm chí là từ bỏ hẳn?

“Nếu không có Yingluck...”

Ngay sau khi Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) thông qua việc luận tội bà Yingluck và Văn phòng tổng công tố nói sẽ truy tố hình sự bà, cựu thủ tướng viết trên trang Facebook của mình rằng nền dân chủ Thái đã chết. Bà kết thúc thông điệp trên Facebook bằng cách trích dẫn câu nói của một học giả: “Nếu không có Yingluck, người Thái vẫn sẽ sống. Nhưng, quan trọng hơn, nếu không còn công lý trong việc cầm quyền ở Thái Lan, không ai có thể sống tiếp”.

Nhưng nếu không còn bà Yingluck, gia tộc Shinawatra còn ai để thay thế? Bangkok Post dẫn nguồn tin từ Ðảng Phuea Thai nói ông Thaksin có thể chọn cách tạm lánh khỏi chính trường. Có khả năng không ai trong gia tộc Shinawatra sẽ tham gia tranh cử sau khi Thái Lan có hiến pháp mới và tổng tuyển cử được tiến hành. Giới quan sát nhận định ông Thaksin dường như đã mất đi nhiệt huyết trong việc thách thức chính quyền hiện tại.

Thêm vào đó, tình hình sau cuộc đảo chính tháng 5-2014 khác với cuộc đảo chính tháng 9-2006 lật đổ ông Thaksin. Bên cạnh những chia rẽ chính trị hằn sâu, những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo dưới thời bà Yingluck gây ra có thể sẽ khiến Phuea Thai mất đi một lượng người ủng hộ.

Theo Bangkok Post, nhiều lãnh đạo cốt cán của Phuea Thai nhận thấy sự tụt giảm uy tín của đảng ở các tỉnh và cả ở Bangkok. Hiện đang có nhiều biểu hiện cho thấy có một nhóm cử tri mới đang đông lên, trong đó bao gồm những người sẵn sàng ủng hộ một chính đảng không dính dáng đến Phuea Thai, cũng chẳng phải Ðảng Dân chủ hay quân đội.

Nhà khoa học chính trị Somchai Phagaphasvivat thuộc Trường đại học Thammasat tin rằng ông Thaksin có thể buộc phải rời xa chính trị nhưng sẽ không bỏ rơi Phuea Thai mà sẽ chọn người tin tưởng để điều hành đảng này.

Tuy nhiên, ông Thaksin dường như sẽ không để con trai mình là Panthongtae dính dáng vào. Anh rể ông, cựu thủ tướng Somchai Wongsawat, xem ra là lựa chọn khả thi. Thậm chí có người trong đảng còn nói rằng vẫn còn nhiều người có khả năng và không nhất thiết phải là người của gia tộc Shinawatra.

Theo The Nation, tương lai của Phuea Thai chưa ai có thể bàn tính được khi chính bản thân người trong đảng không thể tụ họp để nói chuyện trong lúc thiết quân luật do chính quyền quân nhân áp đặt vẫn còn hiệu lực.

Tương lai nào cho bà Yingluck?

Trước khi NLA thông qua việc luận tội bà Yingluck, như Bangkok Post cho biết, nhiều thành viên trong gia tộc Shinawatra đã hi vọng vụ việc chỉ mang tính chính trị chứ không mang tính hình sự để rồi sau đó một đạo luật ân xá có thể được thông qua để xóa tội cho bà.

Tuy nhiên, qua việc Văn phòng tổng công tố quyết định sẽ truy tố hình sự bà thì rõ ràng đây là một vụ hình sự và không nằm trong phạm vi luật ân xá. Bà Yingluck đối mặt với án tù lên tới 10 năm nếu tòa tuyên bà có tội trong chương trình trợ giá gạo được nói gây thiệt hại hàng tỉ USD cho ngân sách.

Bây giờ có lẽ ông Thaksin hi vọng em gái mình sẽ không lặp lại con đường lưu vong như của ông. Năm 2008, ông Thaksin đã lấy lý do đi dự Thế vận hội ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và lưu vong luôn từ đó, không lâu trước khi tòa tuyên án phạt ông 2 năm tù vì tội lạm quyền.

Trong khi đó, chính quyền quân nhân nói rằng bà Yingluck vẫn chưa bị cấm đi ra nước ngoài nhưng nếu muốn đi bà phải xin phép chính quyền trước như cách bà đã từng làm sau đảo chính. Người phát ngôn lục quân Thái Lan Winthai Suvaree cho biết như vậy sau câu hỏi của báo giới liệu chính quyền có sợ bà Yingluck sẽ trốn ra nước ngoài để tránh các cáo buộc hình sự hay không.

Con trai ông Thaksin kêu gọi hành động

Ngay sau khi bà Yingluck bị NLA cấm hoạt động chính trị năm năm, con trai ông Thaksin là Panthongtae đã đăng một bức ảnh trên mạng xã hội Instagram với khẩu hiệu “Các bạn đã sẵn sàng chưa, những người Thái?” kèm theo biểu tượng nắm đấm. Tuy nhiên, như The Nation cho biết, hành động này đã bị một học giả Thái Lan đang sống lưu vong là Somsak Jeamteerasakul chế nhạo. Ông Somsak, hiện sống lưu vong vì các cáo buộc chỉ trích hoàng gia, nói rằng: “Bây giờ anh ta kích động người dân biểu tình nhưng khi đảo chính trấn áp vô số người thuộc phe mình thì anh ta chẳng bận tâm. Giờ đây anh ta giận dữ chỉ vì người thân bị tấn công nên anh ta phải xúi giục biểu tình”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên