22/01/2015 11:33 GMT+7

Công cụ chống tham nhũng siêu quyền lực của Philippines

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TT - Cuộc chiến chống tham nhũng ở Philippines hiệu quả nhờ ý thức chính trị mạnh lẫn hệ thống công cụ kiên quyết.

Thượng nghị sĩ Ramon “Bong” Revilla (giữa), vốn là một diễn viên danh tiếng ở Philippines, ra tòa tại Manila hồi tháng 6-2014 do liên quan tham nhũng - Ảnh: Reuters
Tổng thanh tra Cộng hòa Philippines Conchita Carpio Morales - Ảnh: Quỳnh Trung

Philippines đã đạt được kết quả ấn tượng trong nỗ lực phòng chống tham nhũng những năm qua. Theo báo cáo gần đây của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Philippines tăng hạng vượt bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng từ vị trí 134 năm 2010 lên vị trí 85 trong số 175 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát vào năm 2014 (Việt Nam ở vị trí 119).

Ombudsman siêu quyền lực

Ðể chống tham nhũng hiệu quả, chính quyền Manila thành lập một cơ quan thanh tra độc lập gọi là Ombudsman. Cơ quan này tiếp nhận những khiếu kiện, tố cáo sai phạm liên quan đến các quan chức chính phủ cấp cao, hoặc những khoản tiền và tài sản đáng nghi ngờ với phương châm “không loại trừ một ai và không ai có thể đứng bên ngoài pháp luật, kể cả nhân viên của cơ quan thanh tra”.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị cấp cao do Ngân hàng Thế giới tổ chức ở Hà Nội ngày 20-1, Tổng thanh tra nhà nước Philippines, bà Conchita Carpio Morales khẳng định Ombudsman được trao rất nhiều quyền lực nhằm diệt tận gốc rễ tham nhũng. Ombudsman vừa có chức năng điều tra vừa có chức năng truy tố các cá nhân sai phạm.

Không những thế, Ombudsman còn kiêm thêm chức năng tiếp nhận khiếu kiện từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp về tình trạng quan liêu trong các cơ quan công quyền, đồng thời đẩy nhanh việc giải quyết khiếu nại để tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

“Chúng tôi luôn chào đón đơn khiếu nại của mọi người. Thực tế là chúng tôi nhận được rất nhiều phàn nàn từ các doanh nghiệp. Họ bảo gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng quan liêu ở một số cơ quan hành chính. Chúng tôi biết rõ nhân viên ở đó đang đợi nhận tiền bôi trơn. Nhưng luật pháp Philippines rất nghiêm khắc, dù nhận 100 peso hay 1 triệu peso cũng có thể bị khép tội nhận hối lộ” - bà Morales giải thích.

Theo quy định, Ombudsman đưa tất cả tin tức thông tin liên quan về các vụ khiếu nại lên website của mình, cung cấp ứng dụng trực tuyến các dịch vụ Ombudsman. Ngoài ra Ombudsman cũng được đưa lên các mạng xã hội phổ biến hiện nay như Facebook và Twitter.

Ombudsman còn được chính phủ hỗ trợ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho các quan chức chính phủ khai báo trực tuyến nhằm tăng cường giám sát và cải thiện tính minh bạch.

Nhưng biện pháp chống tham nhũng được đánh giá cao nhất của Philippines chính là hệ thống kê khai tài sản SALNs. Ðây là bản báo cáo mà tất cả quan chức chính phủ ở Philippines cùng vợ/chồng, con cái (chưa kết hôn) của họ phải thực hiện. Trong báo cáo, họ phải chứng minh rõ nguồn gốc tất cả tài sản, các khoản vay nợ, các doanh nghiệp sở hữu, lợi tức tài chính... và sau đó gửi cho các cơ quan liên quan.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Việt Nam Trần Ðức Lượng cho biết năm ngoái các đại diện của Việt Nam và Philippines đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về các biện pháp phòng chống tham nhũng. Ông đánh giá cao mô hình SALNs của Philippines.

“Việt Nam cần học hỏi Philippines trong biện pháp kê khai tài sản. Việt Nam phải có một tổ chức như Ombudsman của Philippines để kiểm soát việc kê khai tài sản độc lập. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn khả thi, nếu luật pháp cho phép là làm được. Phía Thanh tra Chính phủ đã đề xuất việc này và đề nghị đưa vào trong luật” - ông Lượng khẳng định.

Khi tổng thanh tra mới Conchita Carpio Morales nhận nhiệm sở, chúng ta sẽ có một cơ quan phòng chống tham nhũng thực thụ chứ không phải là cơ quan bỏ qua tham nhũng và lạm quyền trong chính phủ
Tổng thống Philippines BENIGNO AQUINO

Không sợ bị trả thù

Bà Conchita Carpio Morales, nguyên thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, được Tổng thống Philippines Benigno Aquino bổ nhiệm làm người đứng đầu Ombudsman thay người tiền nhiệm Merceditas Gutierrez hồi năm 2011.

Một số vụ án lớn liên quan đến những “nhân vật nhạy cảm” mà bà Morales đã xử lý gồm vụ truy tố cựu tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo về tội biển thủ công quỹ, ký quyết định sa thải phó tổng giám đốc Sở Cảnh sát quốc gia Benjamin Belarmino Jr. và cảnh sát trưởng Herold Ubalde vì dấu hiệu bất thường trong hợp đồng mua 75 chiếc tàu cao su tuần tra năm 2009.

Bà Morales nói bà không sợ bị trả thù và giúp đất nước trở nên trong sạch chính là động lực giúp bà quyết tâm theo đuổi công việc của mình. Bà kể có lần có một kẻ lạ mặt đem theo một quả lựu đạn M-26 đặt trong một hộp sữa để ngay trước nhà bà nhưng cũng không khiến bà chùn bước.

“Tôi không cảm thấy sợ bị trả thù, bị chửi mắng bởi tôi chỉ phân xử theo những bằng chứng và phát hiện tôi thu thập được. Thậm chí nếu họ tấn công tôi, tôi cũng không bận tâm. Ðây là một phần công việc của tôi” - bà Morales chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Lời khuyên của bà Morales cho Chính phủ Việt Nam là nên trao nhiều quyền hơn cho các cơ quan thanh tra để ngăn ngừa và phòng chống nạn tham nhũng, bởi vì “tham nhũng không có chỗ trong xã hội chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là chiến đấu chống lại nó với bất kỳ giá nào”.

Việt Nam chưa thu hồi được tài sản bất minh

Đại diện Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng cho biết tài sản tham nhũng ở Việt Nam thu hồi lại được rất ít do một số vướng mắc về luật pháp, cụ thể là Việt Nam chỉ truy cứu hình sự với cá nhân chứ chưa áp dụng với pháp nhân, dẫn đến việc nhiều cá nhân tẩu tán tài sản tham nhũng dưới tư cách pháp nhân. Ông cho biết Việt Nam và Philippines cũng đã trao đổi về vấn đề này.

Theo ông Lượng, hệ thống pháp luật Việt Nam cần hoàn thiện và sửa đổi điểm này để chống thất thoát tài sản. “Truy cứu hình sự cá nhân thì chúng ta chỉ thu hồi lại bằng đó thôi dù chúng ta nhìn thấy một đống của cải không phải minh bạch hay hợp pháp gì ở ngay trước mắt” - ông Lượng giải thích.

 

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên