06/12/2014 08:23 GMT+7

​Những thách thức của Tổng thống Putin

DANH ÐỨC
DANH ÐỨC

TT - Các khó khăn cho nước Nga nay đã hiển hiện rõ hơn sau những biện pháp cấm vận từ các nước phương Tây. Nhưng nếu nhìn kỹ, chúng chính là những vấn đề nội tại hơn là từ bên ngoài.

Cái gai khủng bố ở Cộng hòa Chechnya cũng là vấn đề khiến giới chức trách an ninh Nga đau đầu. Trong ảnh: chiếc xe bị cháy rụi sau vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Grozny ngày 4-12 làm nhiều người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Phải bỏ cho bằng được cái nguyên tắc cơ bản là kiểm soát đủ thứ và bất tận này
Tổng thống Putin hứa về việc cởi mở cơ chế cho giới doanh nghiệp

Bài diễn văn gần 8.000 chữ của Tổng thống Vladimir Putin trước Quốc hội Nga hôm 4-12 là nhằm an dân và động viên dân chúng.

Ông hô hào tự lực, tự cường: “Chúng ta sẽ chỉ thành công nếu chúng ta làm... thay vì mong chờ nơi thị trường nước ngoài mở cửa hay thuận lợi hơn... Giai đoạn tới sẽ phức tạp và khó khăn... Cái gọi là trừng phạt và hạn chế của nước ngoài chính là một sự khích lệ cho một chuyển động hiệu quả hơn và nhanh hơn”.

Hứa trừng phạt

Ông thừa nhận hậu quả sờ sờ của các trừng phạt là lạm phát và rồi trấn an: “Chúng ta phải học làm sao để hài hòa hai mục tiêu: ngăn chặn lạm phát và kích thích tăng trưởng”.

Theo ông, Ngân hàng Trung ương Nga phải thả nổi đồng rúp nhưng vẫn phải chống trả cho được nạn đầu cơ trên những chao đảo của đồng rúp.

Ông cảnh cáo: “Nhà chức trách biết những kẻ đầu cơ đó là ai, chúng tôi có các công cụ thích hợp tác động (đến chúng). Và nay là thời điểm chín muồi để sử dụng các công cụ!”. Cảnh cáo “bọn xấu” xong, ông trấn an quần chúng: “Nhất thiết chúng ta phải bảo vệ lợi ích người dân, những người có thu nhập thấp... Phải đảm bảo kiểm soát tình hình thực phẩm, thuốc men cùng các nhu yếu phẩm... Phải làm cho được”.

Biết đâu là những điểm nhạy cảm mà người dân trong lúc khó khăn này đang xét nét nhà nước, ông hứa hẹn: “Sẽ có các hình phạt mạnh mẽ hơn với những ai có trách nhiệm thực hiện đấu thầu liên bang, nhưng lại chi tiêu sai tiền từ ngân sách. Nhất thiết phải sắp xếp ngân sách các công ty nhà nước. Phải thành lập các trung tâm thanh toán hợp nhất như kho bạc, nhằm đảm bảo tính minh bạch và tối ưu hóa các luồng tài chính và hiệu quả quản lý”.

Ông cũng động viên giới kinh doanh: “Phải tháo gỡ các hạn chế kinh doanh càng nhiều càng tốt, giải thoát việc kinh doanh khỏi cái ách giám sát và kiểm soát bừa bãi”. Và ông cũng đề xuất từ ngay năm tới mọi vụ thanh tra kiểm soát đều phải công khai ghi chép vào sổ bộ và ghi luôn cả kết quả.

Theo ông, nhờ đó “sẽ có thể chấm dứt những chuyến thăm vô cớ và vòi vĩnh của các cơ quan giám sát... Phải bỏ cho bằng được cái nguyên tắc cơ bản là kiểm soát đủ thứ và bất tận này”.

Thế nhưng vấn nạn trên lại là một chứng kinh niên không thể chữa trị một sớm một chiều. Nước Nga tuột ba hạng xuống thứ 136/175 trên bảng Chỉ số cảm nhận tham nhũng của của Tổ chức Minh bạch quốc tế mới công bố (Việt Nam hạng 119).

Lại làm lại từ đầu

Ðến đây, ông đề cập một trong những hậu quả nhức nhối từ ba đợt trừng phạt mà nay mới nêu ra: “Chúng ta phải giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài cùng các sản phẩm công nghiệp, kể cả trong lĩnh vực sản xuất máy công cụ và dụng cụ, công nghệ điện và sản xuất các trang thiết bị cho việc phát triển thực địa, bao gồm cả trên thềm Bắc cực...”.

Giải pháp của ông là “Chúng ta cần sáng tạo ra các công nghệ mới... Chúng ta có một thị trường nội địa lớn cùng tài nguyên thiên nhiên, vốn liếng và các dự án nghiên cứu. Chúng ta cũng có những con người tài năng, thông minh và siêng năng có thể học hỏi rất nhanh... Vấn đề quan trọng nhất giờ đây là làm sao tạo cơ hội cho người ta có thể tự thể hiện trọn vẹn”.

Khó khăn nan giải công nghệ là trước mắt, song giải pháp lại ở thì tương lai, trong đó có cả vấn nạn giáo dục đại học mà chính ông Putin mô tả như sau: “Thật không may, các kỹ sư hiện vẫn chủ yếu đang theo học tại những trường đại học mà không còn gắn kết với các nhà sản xuất hiện thời và ít được tiếp cận với các nghiên cứu cùng các giải pháp mới nhất”!

Phải kết nối lại không chỉ trong các lĩnh vực công nghệ cao mà cả “trong lĩnh vực nhà ở và chuyên dùng, vận tải công cộng, nông nghiệp cùng các ngành công nghiệp khác”.

Thành ra, việc ông đặt ra mục tiêu sẽ nâng tỉ lệ tăng trưởng cao hơn tỉ lệ trung bình của thế giới trong 3-4 năm tới là nghe cho biết, nhất là khi theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng sáu tháng đầu năm nay của Nga là 0,8% (cùng kỳ năm ngoái là 0,9%), và dự báo cả năm là 0,5%, năm 2015 là 0,3%, năm 2016 là 0,4%, (Russia Economic Report 32, September 24, 2014).

Nan giải từ chính những “khuyết tật” có sẵn từ bên trong, còn các trừng phạt chẳng qua là “dung môi” để hiển hiện phản ứng.

DANH ÐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên