26/11/2014 08:22 GMT+7

​Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga

Chinhphu.vn - TTXVN
Chinhphu.vn - TTXVN

TT - Ngày 25-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao VN đến TP Sochi hội đàm với Tổng thống Nga Putin.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev - Ảnh: TTXVN

Tại Sochi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hội kiến Thủ tướng Nga Medvedev - chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất.

Việc Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev đều gặp gỡ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Sochi, địa điểm chỉ dành đón tiếp những nhà lãnh đạo các nước lớn và đối tác quan trọng trên thế giới, các nhà lãnh đạo nước ngoài thân thiết đối với nước Nga, cho thấy sự coi trọng và tình cảm sâu sắc mà các nhà lãnh đạo Liên bang Nga dành cho Việt Nam và cá nhân Tổng bí thư - nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước

Nội dung hội đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Putin tập trung đánh giá những hoạt động hợp tác song phương thời gian qua, trong đó có việc rà soát thực hiện các thỏa thuận cấp cao, tiến độ triển khai các dự án lớn giữa hai nước; trao đổi ý kiến về phương hướng lớn và biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi phương diện, từ chính trị đến kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, dầu khí, điện hạt nhân, an ninh, quốc phòng và nhiều lĩnh vực khác; thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương hai nước; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, phối hợp hành động giữa hai nước trên trường quốc tế; trao đổi về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và tăng cường các hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Hai nhà lãnh đạo mong muốn tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, tăng cường chất lượng và hiệu quả hợp tác song phương, đóng góp thiết thực vào hòa bình, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.

Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội kiến với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, đồng thời là chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất.

Thủ tướng Dmitry Medvedev bày tỏ vui mừng được đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm chính thức Liên bang Nga. 

Ông đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm cao mới, là dịp để hai nước tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ hợp tác song phương, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền.

Hợp tác về dầu khí và hạt nhân

Trao đổi về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai bên cho rằng hợp tác kinh tế - thương mại song phương đã có bước phát triển năng động, song còn khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí cùng nỗ lực để nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỉ USD vào năm 2015 và đến năm 2020 là 10 tỉ USD.

Để thực hiện được điều đó, trước mắt phía Nga cam kết sẽ thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga - Belarus - Kazakhstan) để nhanh chóng đi đến ký kết chính thức vào đầu năm 2015, từ đó tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước lưu thông dễ dàng vào thị trường của nhau, thúc đẩy tăng trưởng vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev bày tỏ hài lòng về sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng; cho rằng đây là lĩnh vực then chốt có ý nghĩa chiến lược đối với hai nước, đặc biệt là hợp tác về dầu khí và điện hạt nhân.

Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau, trong đó có miễn giảm thuế và mở rộng địa bàn hoạt động; đồng thời cùng tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Trong lĩnh vực điện hạt nhân, phía Nga khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với phương châm bảo đảm an toàn tuyệt đối, chất lượng cao, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở pháp lý để dự án được triển khai đúng quy trình, hỗ trợ đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện dự án cũng như quản lý, vận hành công trình và làm chủ công nghệ sau này.

Thủ tướng D. Medvedev cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào Nga, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay và sẽ cùng phối hợp với phía Việt Nam nghiên cứu, xem xét cơ chế chuyển đổi linh hoạt giữa đồng rúp và đồng Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán, giao dịch giữa hai nước, bảo đảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng bí thư cũng đề nghị Thủ tướng và Chính phủ Nga hỗ trợ để Trung tâm văn hóa - thương mại (đa chức năng) INCENTRA tại Nga đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, xây dựng tại đây trung tâm y học dân tộc để chữa bệnh cho người Việt và người Nga, hỗ trợ để sớm mở đường bay từ Việt Nam đi Vladivostok và ngược lại.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ Nga tăng cường vai trò trong các vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

Thủ tướng Nga D. Medvedev cam kết Nga sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Về vấn đề biển Đông, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng D. Medvedev nhất trí cho rằng các tranh chấp trên biển cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Chinhphu.vn - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên