06/11/2014 08:11 GMT+7

Con đường chông gai cho ông Obama

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Đối mặt với một quốc hội đối nghịch, hai năm cuối của Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng sẽ đầy khó khăn và thử thách.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người sẽ giữ vai trò thủ lĩnh phe đa số ở thượng viện, phát biểu mừng chiến thắng - Ảnh: Reuters

Đúng như các dự đoán, Đảng Cộng hòa đã giành thế đa số tại Thượng viện Mỹ. Đối mặt với một quốc hội đối nghịch, hai năm cuối của Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng sẽ đầy khó khăn và thử thách.

Theo báo Washington Post, kết quả kiểm phiếu cho thấy Đảng Cộng hòa (GOP) có thêm bảy ghế thượng viện, quá đủ để chiếm quyền kiểm soát từ tay Đảng Dân chủ lần đầu tiên kể từ năm 2006. Ở hạ viện, ước tính Đảng Cộng hòa cũng có thêm 14-18 ghế.

Đây là thế đa số lớn nhất mà phe Cộng hòa nắm giữ tại hạ viện kể từ năm 1946 dù chưa đủ để vượt qua quyền phủ quyết của ông Obama.

GOP cũng giành hàng loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử thống đốc bang. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell mô tả kết quả này “là phán quyết đối với một chính phủ mà người dân Mỹ không còn tin tưởng”.

Như vậy trong hai năm cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obama sẽ rơi vào thế “vịt què”, tương tự những người tiền nhiệm Dwight Eisenhower, Ronald Reagan, Bill Clinton hay George W.Bush.

Giơ đầu chịu báng

Theo báo New York Times, kết quả bầu cử phản ánh sự thất vọng của cử tri Mỹ đối với ông Obama chỉ hai năm sau khi ông tái đắc cử.

Khảo sát cho thấy cứ 10 cử tri thì có sáu đánh giá tiêu cực về chính quyền ông Obama. Cứ hai cử tri cho biết họ bỏ phiếu để ủng hộ tổng thống Mỹ thì ba người khẳng định điều ngược lại.

Hiện tỉ lệ ủng hộ ông Obama đã giảm xuống mức 38%. Thậm chí các ứng cử viên Dân chủ xa lánh ông để tránh bị “vạ lây”.

Không ảnh hưởng đến đối ngoại

Giới quan sát đánh giá kết quả bầu cử lần này sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Mỹ bởi Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chủ yếu bất đồng sâu sắc ở các vấn đề nội địa. Hai cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Syria sẽ chiếm phần lớn thời gian của ông Obama trong hai năm tới. Tổng thống Mỹ cũng có thể hi vọng thông tin tích cực từ cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) hay thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, khảo sát của Washington Post cho thấy phần lớn cử tri Mỹ có cùng quan điểm với ông Obama và Đảng Dân chủ về phần lớn các vấn đề trọng yếu của nước Mỹ, từ nâng mức lương cơ bản, cải tổ nhập cư, chống biến đổi khí hậu, luật hóa hôn nhân đồng tính, cải tổ luật bảo hiểm y tế thay vì xóa bỏ nó... Nhưng cử tri Mỹ giận dữ với việc chính phủ bế tắc, không giải quyết được các vấn đề cấp thiết của đất nước.

Tổng thống Obama đã trở thành biểu tượng của sự bế tắc, không vượt qua được những lợi ích đảng phái, dù phần lớn cử tri Mỹ cũng đánh giá các lãnh đạo Cộng hòa rất thấp.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, nhà báo Bret Hayworth của tờ Sioux City Journal, người từng có rất nhiều năm kinh nghiệm đưa tin về bầu cử Mỹ, đánh giá Đảng Cộng hòa đã mở chiến dịch quảng bá cực kỳ hiệu quả với mục tiêu đổ mọi thất bại của Washington lên đầu ông Obama.

Việc Chính phủ Mỹ phải đối mặt hàng loạt cuộc khủng hoảng trong năm 2014, từ sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), bạo động ly khai ở miền đông Ukraine dẫn tới căng thẳng Nga - Mỹ cho đến nguy cơ dịch Ebola rình rập càng khiến cử tri Mỹ hoang mang.

“Các cử tri muốn tìm kiếm một sự thay đổi ở Washington” - nhà báo Hayworth đánh giá.

Sẽ tiếp tục bế tắc?

Điều gì sẽ xảy ra tại Washington trong hai năm còn lại của ông Obama ở Nhà Trắng? AFP dẫn lời sử gia Douglas Brinkley thuộc ĐH Rice cho rằng Nhà Trắng và quốc hội sẽ đối đầu quyết liệt và tình trạng bế tắc tiếp tục kéo dài.

“Việc Nhà Trắng và quốc hội hợp tác để thông qua được bất cứ thứ gì cũng là điều bất khả thi” - chuyên gia Brinkley bi quan.

Một số chuyên gia khác dự báo ông Obama sẽ sử dụng các sắc lệnh hành pháp để thông qua các chính sách mà không cần tới sự phê chuẩn của quốc hội.

Đầu tiên là việc tạo điều kiện cho 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ cơ hội được định cư tại Mỹ. Trước đó phe Cộng hòa cho rằng việc ông Obama tùy ý sử dụng sắc lệnh hành pháp là hành động vi hiến.

Tuy nhiên, nhà báo Hayworth đánh giá tình hình mới vẫn có thể mở ra cơ hội hợp tác. Bởi Đảng Cộng hòa cần phải cho cử tri thấy rằng họ có thể giải quyết bế tắc ở Washington.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã sắp cận kề. Báo The Daily Beast cho rằng có một số vấn đề mà ông Obama và phe Cộng hòa có thể hợp tác giải quyết là giảm thuế doanh nghiệp, tăng đầu tư vào hạ tầng.

Vấn đề là các lãnh đạo Cộng hòa cần phải kiềm chế những phần tử cực đoan thuộc phong trào Tiệc Trà, trong đó có thượng nghị sĩ Ted Cruz, người quyết xóa bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare. Dù thế nào, hai năm cuối của ông Obama tại Nhà Trắng cũng sẽ đầy sóng gió.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên