08/08/2014 10:30 GMT+7

Argentina kiện Mỹ ra Tòa án công lý quốc tế

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO - Argentina đệ đơn kiện Mỹ ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) liên quan tới cuộc chiến pháp lý dai dẳng về vấn đề nợ công của quốc gia Nam Mỹ này.

AP6CWvZm.jpgPhóng to
Tổng thống Argentina Kirchner (trái) và Bộ trưởng kinh tế của bà, ông A.Kicillof - Ảnh: forbes.com

Hãng tin Reuters dẫn lời ICJ, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, cho biết ngày 7-8 rằng đơn kiện của Argentina nói các quyết định của những tòa án ở Mỹ là vi phạm chủ quyền Argentina.

Tuy nhiên, ICJ chỉ có thể thụ lý đơn kiện nếu như phía Mỹ cũng đồng ý tham gia quá trình tố tụng, điều mới chỉ xảy ra 22 lần trong lịch sử của tòa án quốc tế được thành lập từ năm 1946 này, theo The Wall Street Journal.

Paz Zarate, một chuyên gia về luật quốc tế ở Oxford Analytica, nói chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ khó lòng chấp nhận ra hầu tòa do Mỹ chưa có một hiệp ước song phương về ICJ với Argentina.

ICJ, một cơ chế pháp lý của Liên Hiệp Quốc để xử lý tranh chấp giữa các quốc gia, đã chuyển đề nghị của Argentina cho phía Mỹ, nhưng Bộ ngoại giao Mỹ chưa bình luận gì.

Theo phán quyết của thẩm phán tòa khu vực Mỹ Thomas Griesa, một quyết định sau đó được Tòa án tối cao Mỹ tuyên giữ nguyên, Argentina phải thanh toán khoản nợ 1,3 tỉ USD cho hai quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ, NML Capital và Aurelius Management, vốn không đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của Buenos Aires năm 2001.

Không thanh toán các khoản nợ, Buenos Aires bị tuyên bố là vỡ nợ từng phần.

1,3 tỉ USD không phải là khoản tiền lớn so với nền kinh tế 480 tỉ USD của Argentina, nhưng nếu đáp ứng yêu cầu của hai quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ thì Argentina đứng trước viễn cảnh cũng phải trả nợ cho các chủ nợ còn lại, rồi cũng sẽ khởi kiện họ.

Chính phủ Argentina cũng viện ra một điều khoản ràng buộc gọi là RUFO, trong đó quy định Argentina không được “tự ý” thanh toán ưu đãi hơn cho bất kỳ chủ nợ nào.

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư lập luận trước tòa rằng việc Argentina phải trả nợ theo phán quyết của tòa không thể giải thích là “tự ý”. Điều khoản RUFO được áp dụng cho tới 93% các chủ nợ đã xóa tới 70% các khoản nợ của Argentina khi lần gần nhất nước này tuyên bố phá sản vào năm 2001.

Chính quyền của Tổng thống Argentina Cristina Kirchner đã cáo buộc thẩm phán Griesa thiên vị và không chấp nhận người hòa giải do tòa án Mỹ chỉ định, Daniel Pollack. Thẩm phán Griesa dự kiến sẽ mở thêm một phiên điều trần nữa giữa các bên vào hôm nay, 8-8 (giờ Mỹ).

Các tòa án Mỹ được quyền tài phán đối với vụ việc này vì Argentina đã chấp nhận trong đợt phát hành trái phiếu để tái cơ cấu nợ năm 2001 là mọi tranh chấp sẽ được xử lý theo luật New York.

Tuy nhiên, chánh văn phòng của bà Kirchner, Jorge Capitanich, nói ngày 7-8 rằng “pháp quyền không tồn tại ở Mỹ” vì một tòa án có thể ngăn cấm việc chính phủ Argentina trả nợ cho các bên thứ ba khác không có mặt tại tòa.

Bộ trưởng kinh tế Argentina Axel Kicillof tuần trước đã bay sang New York để thương lượng trực tiếp với các quỹ đầu tư mà ông gọi là “bầy kền kền”.

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên