04/12/2013 07:57 GMT+7

Mỹ kêu gọi Trung - Nhật đối thoại

Đ.PHƯƠNG
Đ.PHƯƠNG

TT - Phó tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), đồng thời kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh đối thoại nhằm làm giảm căng thẳng.

Nhật, Mỹ hội đàm về vùng nhận dạng phòng không của Trung QuốcBiển Hoa Đông: Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản đối Mỹ, NhậtMỹ “quan ngại sâu sắc” trước ECSADIZ của Trung Quốc

So5NT2Ob.jpgPhóng to
Phó tổng thống Biden biểu hiện rất thân tình với Thủ tướng Abe tại Tokyo - Ảnh: Reuters

Theo Kyodo, hôm 3-12 trong cuộc họp báo với Thủ tướng Shinzo Abe tại Nhật Bản, trạm dừng chân đầu tiên trước khi đến Trung Quốc và Hàn Quốc, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ quan ngại sâu sắc trước việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực biển Hoa Đông. “Động thái của Trung Quốc khiến căng thẳng trong khu vực leo thang, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra đụng độ và hiểu lầm” - ông Biden khẳng định.

Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết có một cơ chế khống chế khủng hoảng và các kênh đối thoại hiệu quả giữa Trung Quốc và Nhật Bản nhằm làm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang. Ông Biden cũng tuyên bố sẽ trực tiếp bày tỏ mối quan ngại này trong cuộc gặp với các lãnh đạo Trung Quốc vào ngày 4-12. Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao trong phái đoàn của Phó tổng thống Biden cho biết Washington cũng đang yêu cầu Trung Quốc không thiết lập ADIZ tại biển Đông khi không tham vấn trước với các nước có liên quan.

Khẳng định cam kết Mỹ - Nhật

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật, bao gồm việc hợp tác giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ, sẽ không thay đổi. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố Washington và Tokyo sẽ “không tha thứ” cho việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực bằng vũ lực. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết tình trạng trên cơ sở liên minh Mỹ - Nhật. “Chúng tôi (Mỹ - Nhật) không chấp nhận bất kỳ hành động nào đe dọa an toàn hàng không dân sự” - thủ tướng Nhật phát biểu.

Chuyến đi của ông Biden nhằm tái khẳng định Mỹ giữ đúng cam kết “dồn toàn lực” cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Có vài câu hỏi về khả năng trụ lại lâu dài của chúng tôi - ông Biden cho biết - Nhưng Nhật Bản biết rằng chúng tôi đã hiện diện hơn 60 năm, đảm bảo an ninh nhằm giúp sự phát triển kinh tế thần kỳ tại Nhật Bản. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện tại Thái Bình Dương trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quân sự”.

Ông Biden cũng kêu gọi hai đồng minh châu Á là Tokyo và Seoul sát lại gần nhau hơn sau nhiều tháng lạnh nhạt. Theo ông Biden, Đông Bắc Á sẽ mạnh nhất khi hai nền dân chủ trọng yếu làm việc với nhau để cùng “đương đầu với những mối đe dọa chung” cũng như khi cả ba nước Mỹ, Nhật, Hàn cùng hợp tác nhằm thúc đẩy các lợi ích và giá trị chung.

Kêu gọi đối thoại với Trung Quốc

Mỹ thể hiện một lập trường rõ ràng rằng Washington sẽ tuân thủ hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và ủng hộ Nhật Bản, nhưng không muốn bị lôi kéo vào bất cứ cuộc đụng độ quân sự nào của Tokyo và Bắc Kinh. Mỹ thừa nhận quyền kiểm soát của Tokyo tại Senkaku/Điếu Ngư nhưng luôn khẳng định sẽ không theo bên nào trong tranh chấp chủ quyền. Chỉ đến khi căng thẳng về ADIZ đòi hỏi Mỹ phải đưa ra lập trường rõ ràng hơn, Washington mới khẳng định Senkaku/Điếu Ngư nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, một hiệp ước có thể kéo Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự mà Mỹ luôn muốn tránh.

AFP dẫn lời giáo sư Takehiko Yamamoto, ĐH Waseda (Tokyo), cho biết ông Abe mong muốn ông Biden ủng hộ Nhật Bản rằng hành động của Bắc Kinh là vô lý và khiêu khích. Tuy nhiên vào thời điểm hiện tại, Washington không muốn mạo hiểm mối quan hệ song phương với Trung Quốc. Theo ông Yamamoto, phó tổng thống Mỹ phát đi thông điệp rằng Washington sẽ bày tỏ quan ngại với Trung Quốc, tuy nhiên Mỹ chỉ muốn đóng vai trò trung gian hòa giải.

Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời giáo sư Giả Khánh Quốc - viện phó Học viện nghiên cứu quốc tế, ĐH Bắc Kinh - cho biết: “Trung Quốc có thể nói với ông Biden rằng 20 quốc gia khác cũng thiết lập ADIZ. Thế thì tại sao lại phải làm ầm lên?”. Theo ông Giả, vấn đề ADIZ sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Đ.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên