31/10/2012 05:02 GMT+7

Tố quan chức trốn thuế, nhà báo Hi Lạp ra tòa

HÀ AN - T.N.
HÀ AN - T.N.

TT - Phiên tòa xét xử vụ nhà báo Kostas Vaxevanis bị cáo buộc tội công bố danh sách trốn thuế của hơn 2.000 người Hi Lạp có tài khoản ở Thụy Sĩ đang gây dư luận phản đối mạnh mẽ tại Hi Lạp.

Nhiều vấn đề đang được tranh cãi gay gắt.

SuDHoSIN.jpgPhóng to
Nhà báo Kostas Vaxevanis được trả tự do hôm 28-10 và chờ xét xử vào ngày 1-11 - Ảnh: Europe1.fr

Ngày 28-10, cảnh sát Hi Lạp đã bắt giữ Kostas Vaxevanis, 46 tuổi, biên tập viên tạp chí Hot Doc, vì nhà báo này đã “vi phạm quyền đăng tải thông tin cá nhân” sau khi ông công khai “danh sách đen” này trên tạp chí Hot Doc. Tuy nhiên, ông Vaxevanis được thả ngay sau đó và phiên tòa xét xử ông được tạm hoãn đến ngày 1-11 để chờ câu trả lời từ... Pháp.

Việc tạm hoãn này là do áp lực của dư luận tại Hi Lạp khi cho rằng đây là hành động bắt giữ một người đã dám nói lên sự thật. Thủ tướng Hi Lạp, như báo Le Monde (Pháp) cho biết, từng đăng đàn tuyên bố trốn thuế là “kẻ thù số 1 của quốc gia” và khuyến khích người dân tố cáo những người làm hại đất nước.

"Thay vì bắt giữ những kẻ ăn cắp và những bộ trưởng vi phạm pháp luật, họ lại đang muốn bắt giam sự thật"

Nhà báo Kostas Vaxevanis (biên tập viên tạp chí Hot Doc)

“Danh sách đen” này sau đó được một tờ nhật báo lớn ở Hi Lạp là Ta Néa đăng lại vào ngày 29-10, nhưng không hề có vụ bắt giữ nào đối với báo này. Dễ hiểu vì tờ báo này do một nhóm có thế lực là Lambrakis nắm giữ.

Lúc này, chính phủ đang phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng nhưng lại miễn trừ cho tầng lớp nhà giàu và giới có quyền lực.

Lộ danh sách trốn thuế

Cuối tháng 9-2012, người dân Hi Lạp chuẩn bị tinh thần để “chịu đựng” chính sách khắc khổ của chính phủ khi bị cắt giảm lương và tiền hưu, tăng thuế nhằm giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên vào đúng thời điểm này, tạp chí Hot Doc lại tung ra danh sách 2.059 người Hi Lạp trốn thuế. Danh sách này được báo chí Hi Lạp gọi là “Danh sách Lagarde”.

Nhà báo Kostas Vaxevanis cho biết việc có được danh sách là do một lá thư nặc danh gửi đến và người này khẳng định từng làm việc giao dịch với một chính trị gia. Theo báo Express (Pháp), trong danh sách 2.059 người Hi Lạp trốn thuế bao gồm nhiều nhà kinh doanh, chủ thầu, chủ tàu buôn, luật sư, bác sĩ và một số quan chức, chính trị gia như cựu thủ tướng Kostas Karamanlis (2004-2009). Theo tạp chí Hot Doc, tất cả người Hi Lạp này đều có tài khoản tại chi nhánh Geneva của Ngân hàng HSBC.

Danh sách này đã được một cựu nhân viên của Ngân hàng HSBC (Thụy Sĩ), hiện bị bắt giữ vì tội đánh cắp thông tin, bán cho Chính phủ Pháp. Vào tháng 10-2010, bà Christine Lagarde lúc đó là bộ trưởng tài chính Pháp, hiện là người lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã chuyển danh sách này cho đồng nghiệp Hi Lạp là ông Georges Papaconstantinou dưới dạng một CD. Các thông tin này đã được chính cựu bộ trưởng ngân sách Pháp Eric Woerth “nhá” ra trước truyền hình năm 2009.

Thế nhưng thay vì công khai tài liệu này, chính phủ dường như cố tìm cách ém nhẹm nhằm che giấu sự thật. Cựu bộ trưởng tài chính Georges Papaconstantinou cho biết ông đã yêu cầu Cơ quan thuế vụ (SDOF) điều tra danh tánh 20 người có số tiền gửi lớn nhất trong danh sách.

Người kế nhiệm, ông Evanggelos Venizelos, lại nói rằng ông đã chuyển mã của CD cho tòa án vào đầu tháng 10-2012 và cam kết ông chẳng xem trong đó có gì. Còn Bộ trưởng tài chính hiện nay Iannis Stournanis cho biết ông không thể tìm thấy CD nguyên gốc này nữa. Chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay của Hi Lạp sau cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua, lúc đầu đã bác bỏ việc sử dụng thông tin trong CD này để truy tố những người trốn thuế. Nhưng sau đó dưới áp lực của người dân, chính phủ đã phải thay đổi thái độ.

Ngày 24-10, Bộ trưởng tài chính Iannis Stournanis đã phải tìm cách hoãn binh khi kêu gọi dư luận “hãy chờ đợi” đến khi có được câu trả lời từ... Pháp.

“Bắt giam sự thật”

Thế nhưng dư luận tại Hi Lạp không kiên nhẫn với lời kêu gọi “Hãy chờ đợi” này. Giới trí thức và các tổ chức nghiệp đoàn nhà báo Hi Lạp đã lên án việc bắt giữ Kostas Vaxevanis và lên tiếng kêu gọi ủng hộ nhà báo này trên các trang mạng xã hội.

Nhà báo Kostas Vaxevanis cũng tự biện hộ khi nhấn mạnh “Hi Lạp không thể sống đạo đức giả với một hệ thống chính trị bất ổn như thế” khi các bộ trưởng thay phiên nhau đùn đẩy trách nhiệm. Trên truyền hình, Kostas Vaxevanis nêu rõ: “Thay vì chống lại tội phạm của những kẻ trốn thuế, luật pháp lại chĩa mũi dùi vào tôi trong khi tôi đang làm nghĩa vụ công dân, đó là công khai sự thật”.

Trên báo Le Figaro (Pháp), nhà phân tích chính trị Pashos Mandravelis nhận xét: việc công bố “danh sách Lagarde” làm nổi rõ mối quan hệ tế nhị giữa tự do ngôn luận, đạo đức nhà báo và những thông tin cá nhân. “Ở đất nước này, người ta không thể tố cáo một thông tin thật trên báo chí và kết án “ai đó” là có tội, bởi người này vẫn được xem là vô tội cho đến khi bị tòa án phán quyết (nguyên tắc suy đoán vô tội). Trong một nước pháp quyền, nơi luật pháp không bị vận dụng một cách cứng nhắc và tùy tiện, một nhà báo có thể công bố danh sách này mà không gặp rắc rối nào. Thế nhưng việc làm của Kostas Vaxevanis lại không được xử lý đúng như vậy” - ông kết luận.

Và báo này đặt câu hỏi liệu một nước như Hi Lạp, nơi từng là cái nôi của nền dân chủ, có còn tự do báo chí nữa hay không?

HÀ AN - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên