14/10/2011 06:01 GMT+7

Canada sẽ bắt giữ cựu tổng thống Bush?

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Tổ chức Nhân quyền quốc tế (HRW) và Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) đã yêu cầu Canada bắt giữ cựu tổng thống Mỹ George W.Bush (Bush con) về “các tội phạm”, đặc biệt là “tội tra tấn”, khi ông dự kiến tới nước này ngày 20-10.

Aw6ZXvHn.jpgPhóng to
Ông George W. Bush khi còn là chủ nhân Nhà Trắng, tại một cuộc họp báo ở Washington, DC năm 2007 - Ảnh: AFP

Ân xá Quốc tế yêu cầu bắt George W. Bush

Yêu cầu này được đưa ra trong một cáo trạng dày 1.000 trang mà AI đã gửi Chính phủ Canada ngày 21-9, nhưng mới chỉ được công bố vào ngày 12-10 trước chuyến thăm của ông Bush. Dự kiến ông Bush đến Canada để tham dự một hội nghị kinh tế tại Surrey, vùng British Columbia, phía tây Canada.

“Cơ hội hoàn hảo”

Các cáo buộc của AI, được sự hậu thuẫn của Nhóm theo dõi các quyền dân sự quốc tế của Canada, liên quan đến chương trình bí mật mà Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã tiến hành từ năm 2002-2009, trong đó CIA được phép áp dụng “tra tấn cùng những hình thức đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo, hạ cấp cũng như thủ tiêu bí mật” đối với hàng trăm người mà Mỹ giam cầm.

Các cáo buộc này dựa trên những tài liệu công khai, những tài liệu của chính Mỹ vốn có được nhờ luật tự do thông tin, hồi ký của ông Bush và một báo cáo của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, trong đó chỉ trích “cuộc chiến chống khủng bố” do cựu tổng thống Mỹ Bush phát động. Vẫn theo AI, trong thời gian cầm quyền, ông Bush đã cho phép áp dụng “các kỹ thuật thẩm vấn tăng cường” trong đó có kỹ thuật “trấn nước”(người bị tra tấn bị dốc ngược và bị giội nước lên mặt, vào mũi), giam giữ người bị bắt trong hộp tối tới 18 giờ liên tục, thiếu ngủ kéo dài, bị quá nóng hoặc quá lạnh...

AI là một tổ chức từng được trao giải Nobel hòa bình, đặt trụ sở tại London (Anh). Còn HRW là một trong những tổ chức phi chính phủ, tập trung vào vấn đề bảo vệ quyền con người có trụ sở tại Mỹ đã hoạt động hơn 30 năm qua ở hơn 90 quốc gia. 75% nguồn tài chính của HRW là do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở Bắc Mỹ hiến tặng, trong đó đáng chú ý nhất là tỉ phú George Soros tặng 100 triệu USD cho tổ chức này năm 2010.

Trong tuyên bố đăng tải trên trang web của mình với tiêu đề “Đừng để ông Bush thoát tội tra tấn”, HRW, dựa trên rất nhiều bằng chứng, đưa ra những cáo buộc tương tự. HRW cho rằng theo Công ước chống tra tấn, Canada buộc phải khởi tố những cá nhân bị nghi ngờ phạm tội tra tấn nếu cá nhân đó được tìm thấy trên lãnh thổ Canada, trong trường hợp các nước khác không thực hiện.

Các chính quyền Mỹ, cho đến nay, không tiến hành điều tra các cáo buộc tra tấn liên quan tới ông Bush và các quan chức cũng không có ý định thế trong tương lai thì “việc Canada phải nhận trách nhiệm này càng trở nên quan trọng hơn” - Kenneth Roth, giám đốc HRW, nói. Ông cho rằng đây là cơ hội hoàn hảo để bắt giữ ông Bush vì ông không phải tổng thống, không được miễn trừ ngoại giao và có hàng ngàn trang tài liệu chứng minh ông có tội.

“Nếu Canada từ chối hành động khi ông Bush đến Canada, điều đó là vi phạm Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc và thể hiện sự coi thường đối với những quyền cơ bản của con người” - bà Susan Lee, giám đốc Tổ chức Ân xá cho người Mỹ, nhấn mạnh.

Báo Le Monde mô tả: bị truy đuổi bởi các tổ chức quốc tế về những kỹ thuật đã cho phép áp dụng trong “cuộc chiến chống khủng bố” của mình, ông Bush con giờ sẽ phải xem xét đến việc từ nay ông sẽ không thể rời khỏi đất Mỹ.

Tháng 2-2011, ông Bush đã hủy chuyến thăm Thụy Sĩ sau khi có những lời kêu gọi bắt giữ ông được đưa ra. Tổng thư ký chi nhánh AI tại Canada Alex Neve tuyên bố vào ngày 12-10 là AI của Canada sẽ đưa ra yêu cầu của mình đối với chính phủ của các nước khác mà cựu tổng thống Bush dự định ghé thăm.

“Những kẻ tra tấn phải được đưa ra trước công lý. Tội phạm của họ đã rành rành đến mức mà tất cả quốc gia đều phải có trách nhiệm truy tố - Alex Neve nêu rõ trong một thông cáo được đưa ra - Chúng ta cần phải ngăn chặn việc tra tấn. Để đạt được điều này, cần phải đưa những kẻ tra tấn ra trước công lý. Đó là luật pháp... Và không ai, ngay cả người trong tám năm là tổng thống của một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, cũng không thể đứng trên pháp luật này”.

Không dễ thực hiện

Trước yêu cầu của AI và HRW, Canada xem ra không ủng hộ và như Reuters cho biết, AI đang thực hiện một cú gây uy tín một cách rẻ tiền. “Đó là lý do vì sao nhiều nhà hoạt động nhân quyền được ngưỡng mộ đã rời khỏi tổ chức này” - Bộ trưởng Nhập cư Canada Jason Kenney nói.

Các chuyên gia về luật nhận định Canada không thật sự có quyền bắt giữ ông Bush, chưa kể những hậu quả ngoại giao nghiêm trọng đối với quan hệ thân thiết giữa hai nước. Vì Tòa án tội phạm quốc tế (ICC) không có quyền tài phán đối với ông Bush vì Mỹ chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về chống tra tấn. Canada là thành viên tham gia công ước, nhưng nhà chức trách không thể bắt giữ ông Bush một cách hợp pháp thay mặt cho ICC.

Giáo sư Peter Ferguson, chuyên ngành chính trị Mỹ tại ĐH Western Ontario, nhận định trên báo chí Canada: “Nếu Canada bắt giữ, đây sẽ là một cuộc tự sát về chính trị. Một tổng thống Mỹ sẽ không ngồi tù trong nhà tù quốc tế. Bắt giữ sẽ là hành động quân sự và Mỹ sẽ đáp trả ngoại giao trong vòng chưa tới 24 giờ”.

Dù yêu cầu bắt giữ ông Bush đang gây chú ý của dư luận quốc tế, nhưng hành động của các tổ chức nhân quyền này cũng vấp phải sự chỉ trích, khi các nhà quan sát cho rằng việc AI không yêu cầu bắt giữ các lãnh đạo của nhiều quốc gia khác bị cáo buộc vi phạm nhân quyền cho thấy sự thiếu nhất quán trong hoạt động của các tổ chức này.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên