24/11/2010 07:54 GMT+7

Thảm họa ở Campuchia: 378 người chết

NGUYỄN VIỄN SỰ - PHẠM LAN PHƯƠNG (Từ Phnom Penh, Campuchia)
NGUYỄN VIỄN SỰ - PHẠM LAN PHƯƠNG (Từ Phnom Penh, Campuchia)

TT - “Thảm họa lớn nhất sau thời Khmer Đỏ”. Đây là lời của Thủ tướng Campuchia Hun Sen được phát nhiều lần trên truyền hình Campuchia hôm qua (23-11). Ông nói: “Đất nước chúng ta chưa bao giờ buồn đau như hôm nay, kể từ khi thoát nạn diệt chủng của Khmer Đỏ”.

TK5CYOWn.jpgPhóng to
Người nhà các nạn nhân đến nhận người thân tại Bệnh viện Preah Kossamak, Phnom Penh (Campuchia) sau thảm kịch trên cầu bắc qua đảo Kim Cương - Ảnh: Reuters
97mIgcwx.jpgPhóng to
Sơ đồ vị trí xảy ra thảm họa - Đồ họa: Vĩ Cường

13g20 ngày 23-11, tại phi trường Pochentong, Phnom Penh (Campuchia), tất cả các màn hình tivi tại đây thay vì được phát các kênh ca nhạc truyền thống như thường lệ đều thay bằng những hình ảnh tang thương, những thông tin mới nhất về thảm họa sập cầu vào đảo Koh Pich (đảo Kim Cương) được tường thuật trực tiếp. Luồng xe cộ trên các ngả đường thủ đô Phnom Penh gần như đang đổ về một hướng là bốn bệnh viện: Calmette, Preah Ket Mealea, Russian Hospital, Louk Sang. Ở đó đã có 378 người thiệt mạng và gần 800 người bị thương được đưa đến sau thảm họa kinh hoàng này.

“Cứ thế, họ giẫm lên nhau“

Cầu Kim Cương không nằm trong tour du lịch

Theo các công ty du lịch lớn của Việt Nam như Saigontourist, Vietravel, Fiditour, TST..., cầu Kim Cương - nơi xảy ra thảm kịch đêm 22-11 tại Phnom Penh - không có trong chương trình đưa khách Việt Nam đến khu vực này để tham quan.

Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho biết chương trình tour tham quan du lịch ở Phnom Penh chủ yếu ghé hoàng cung, chùa Vàng, chùa Bạc... nên nhiều khả năng không có du khách Việt Nam là nạn nhân trong sự kiện này.

L.N.

Cây cầu Koh Pich nơi vừa xảy ra thảm họa, chiều qua đã bị cảnh sát phong tỏa hoàn toàn. Tuy nhiên vết tích khủng khiếp của vụ giẫm đạp vẫn còn. Trên cầu, quần áo, giày dép, tư trang của nạn nhân chất đống. Mùi máu, mùi mồ hôi quyện vào nhau giữa trưa nắng khiến không khí càng thêm ngột ngạt, tang thương. Nhiều gia đình người Khmer khóc ngất khi vị sư bắt đầu làm lễ gọi hồn dưới chân cầu.

Anh Chan Sila, một nhân chứng có mặt tại đây, kể lại với Tuổi Trẻ: cây cầu dẫn qua đảo Koh Pich thường ngày chỉ sử dụng theo đường một chiều đã được tận dụng trong đêm lễ hội thành cầu hai chiều và đó là nguyên nhân của sự giẫm đạp. Anh Chan Sila cho biết: “Lúc đó hơn 9 giờ tối, khi đang có hàng ngàn người trên cầu thì ai đó đùa hét lên cầu sập. Đám đông bắt đầu xô đẩy khủng khiếp. Điện cúp chừng 10 phút càng làm tăng sự hỗn loạn. Tôi nhìn thấy ca sĩ Chhorn Sovanareach đứng ở sân khấu bên đảo, anh ta cố hát nhưng nước mắt rơi xuống, không thể hát thêm được. Anh ta cố gắng để đám đông ở gần anh tự chủ nhưng không thể. Người từ ngoài vào và từ trong ra, cứ thế giẫm lên nhau...”.

Truyền hình Campuchia suốt ngày hôm qua đã chiếu đi chiếu lại những hình ảnh không thể tang thương hơn: người chết và người bị thương quấn lấy nhau thành ba, bốn lớp. Nhiều người dù chưa chết nhưng lực lượng cứu hộ phải rất khó khăn mới đưa được ra ngoài vì bị người chết đè lên. Chị Luon Kum Soc, một người bị thương đang điều trị tại Bệnh viên Calmette, kể: “Người mạnh đạp lên đầu người yếu hơn, vì thế rất đông phụ nữ và trẻ em đã bị bẹp gí dưới nền cầu. Chỉ những ai đứng sát thành cầu như tôi mới may mắn không bị đè chết”.

Ngoài cửa Bệnh viện Calmette, hàng trăm người chen nhau nhìn tấm bảng dán hình những gương mặt sưng tím thẫm đã chết được cảnh sát chụp lại để nhận dạng. Phay So Thy, một thanh niên 18 tuổi, đã òa khóc, không cất nổi lời khi gọi về gia đình báo tin đã tìm được em gái là Phay Srey Leak (16 tuổi), xung quanh nhiều người cũng ngất đi khi nhìn thấy người thân. Em gái của Phay So Thy chỉ là một trong gần 120 thi thể được đưa về bệnh viện này. Trong khu B của bệnh viện, ba nhà xác dã chiến được dựng lên. Các gương mặt được mở hờ hoặc che vải vì vết thương quá khủng khiếp. Một sĩ quan quân đội nói: “Nếu cô đến đây sáng nay, các lều đầy nghẹt xác người”.

Hai cổng chính của Bệnh viện Calmette được mở toang để mở đường cho xe cứu nạn. Chúng tôi đếm có tất cả 12 xe tải quân đội, chỉ làm nhiệm vụ duy nhất: chở quan tài và chở người đã được khâm liệm về gia đình. Tuy nhiên số xe này quá ít ỏi so với số người chết và các quan tài được chở đến đều được chất đống trên xe, trong khi năm hoặc sáu nạn nhân phải chung một xe để đưa về nhà. Thân nhân người chết ôm nhau trước nén hương cắm vội trên thành xe. Tiếng khóc tràn ngập các khu lều của Bệnh viện Calmette.

Tại Bệnh viện Preah Ket Mealea gần đó, trong số 48 người bị thương được đưa vào đã có thêm 14 người chết. Còn Bệnh viện Russian Hospital có đến 170 thi thể. Tại Bệnh viện Preah Ket Mealea, cô Hong Srey Pov khóc ngất khi chị gái và em gái đã mất. Còn tại Bệnh viện Calmette, bà Bun Pha Net từ Kandal lên đang rũ rượi trên chiếc xe tải quân đội khi bốn người trên xe có đến ba đứa con của bà...

Đêm lễ hội đầy máu và nước mắt

Nằm trong Bệnh viện Prah Kossamak, anh Seang Puti (26 tuổi) không còn cử động được cả phần thân dưới. Anh nhớ lại: “Khi chuyện khủng khiếp đó xảy ra, có một nhóm cảnh sát đã đến cứu nhưng họ không kịp làm gì. Quá nhiều đám đông. Tôi ở một bên cầu và đang đi lên, những người ở đỉnh cầu xô người ở dưới xuống. Họ ngã rạp và những người khác giẫm lên. Cứ thế cả đám đông chồng lên nhau”. Trong những người bạn đi cùng anh, một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Nằm cạnh đó với cả thân thể tím ngắt thành vệt khắp chân, ngực và tay gãy nát, anh Phy Changhy kể: “Tôi ở giữa cầu và nắm tay một bạn gái để đi ra đảo Koh Pich. Có ai đó hét lên là có rắn hay cầu sập gì đó. Thình lình tôi thấy một đám người xuất hiện, xô thẳng vào trước mặt tôi. Tôi bị đẩy ngã xuống và bị giẫm. Tôi chẳng biết mình còn sống hay không nữa”. Anh Phy Changhy, theo lực lượng cứu hộ, chính là “xác” thứ 500 được lôi ra từ đống xác người. Và anh may mắn sống sót. Phy Changhy là người ở Battambang, anh đi làm ở Phnom Penh và đi theo năm người bạn đến Koh Pich chơi đêm hội. Anh không nhận được thông tin gì từ bốn người còn lại. Cả thân thể Phy Changhy đầy vết giẫm đạp và thâm tím, nát nhừ đau đớn. Nhưng anh hoang mang cầm chiếc điện thoại trong tay, không biết chuyện đau đớn gì đã xảy ra với bạn bè mình...

Còn Chan Sila nhớ lại đêm kinh hoàng ở Phnom Penh: “3g sáng, cả Phnom Penh kẹt xe vì ai cũng muốn đi tìm người thân mình. Các ngả vào cây cầu bị người ta chặn hết. Xe cấp cứu chạy khắp bệnh viện. Mọi thứ như phát điên lên quanh tôi”.

“Một lễ hội lớn đã biến thành thảm họa khủng khiếp nhất của Campuchia từ 31 năm qua, kể từ thời Khmer Đỏ” - lời của Thủ tướng Hun Sen được nhắc đi nhắc lại trên kênh truyền hình Bayon đã nói lên tất cả sự khủng khiếp. Khắp nơi ở Phnom Penh hôm qua đều có các thùng từ thiện, quyên góp cho các nạn nhân của thảm họa. Tất cả các chùa đều tụng kinh, cầu khấn... Sau 31 năm, Campuchia một lần nữa lại chìm trong nỗi đau không biết khi nào nguôi ngoai.

Một số vụ giẫm đạp chết người trên thế giới

* Tháng 7-2010: Lễ hội âm nhạc Love Parade tại Duisburg, (Đức) biến thành thảm họa khi đám đông giẫm đạp lên nhau trong một đường hầm làm 19 người thiệt mạng và hơn 340 người bị thương.

* Tháng 2-2010: 26 người bị giẫm đạp đến chết và 40 người bị thương trong lễ hội Hồi giáo Maouloud tại thành phố Timbuktu, Mali (Tây Phi).

* Tháng 9-2008: 147 người thiệt mạng và 55 người bị thương trong một vụ giẫm đạp ở đền thờ Chamunda, gần thị trấn cổ Jodhpur (Ấn Độ).

* Tháng 8-2008: Một tin đồn lở đất ở đền Naina Devi, bang Himachal Pradesh (Ấn Độ) khiến đám đông người hành hương hoảng loạn. 145 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương trong vụ giẫm đạp này.

* Tháng 1-2006: 362 người hành hương chết trong vụ giẫm đạp ở cầu Jamarat (Saudi Arabia).

* Tháng 8-2005: Ít nhất 1.005 người bỏ mạng khi những người Hồi giáo dòng Shi’ite hoảng loạn tháo chạy khỏi cây cầu bắc qua sông Tigris ở Baghdad (Iraq) do có tin đồn đánh bom liều chết.

* Tháng 7-1990: 1.426 người hành hương, chủ yếu là người châu Á, thiệt mạng trong vụ giẫm đạp bên trong một đường hầm dẫn vào khu thánh địa Mecca (Saudi Arabia).

TRẦN PHƯƠNG (Theo Reuters)

_____________________

BWsISpRA.jpgPhóng to
Thi thể các nạn nhân trong thảm kịch đêm 22-11 tại hiện trường cây cầu bắc qua đảo Kim Cương, Campuchia - Ảnh: AFP
KO99vZxI.jpgPhóng to

Bên trong ba lều chứa thi thể nạn nhân tại Bệnh viện Calmette - Ảnh: Viễn Sự

“Họ không biết chạy đường nào”

Theo báo Phnom Penh Post, tính đến 0g ngày 24-11 đã có 378 người thiệt mạng và gần 800 người bị thương khi chen lấn trên cây cầu dẫn vào đảo Koh Pich (Kim Cương), thủ đô Phnom Penh, Campuchia, trong lễ hội nước Bon Om Thook tối 22-11.

Báo Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen cho biết nhà chức trách đã mở cuộc điều tra nguyên nhân tấn thảm kịch và kêu gọi người dân cả nước bình tĩnh. Chính quyền sẽ hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân thiệt mạng 5 triệu riel (1.250 USD) để tổ chức lễ tang và 1 triệu riel (250 USD) cho mỗi nạn nhân bị thương. Ông Hun Sen cũng công bố ngày quốc tang vào thứ năm 25-11. Theo người phát ngôn chính phủ Khieu Kanharith, khoảng 2/3 nạn nhân là phụ nữ. Truyền hình Campuchia đưa tin 240 nạn nhân thiệt mạng là phụ nữ.

Ông Kanharith cho biết vụ giẫm đạp trên cây cầu nối với đảo Kim Cương chật cứng người xảy ra khi một số người hô lên rằng cầu sắp sập. “Hoảng loạn bùng phát - AFP dẫn lời ông Kanharith - Có quá đông người và họ không biết chạy đường nào”. Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin cảnh sát Phnom Penh cho biết việc một số người bị điện giật trên cầu đã gây ra cơn hoảng loạn. Cây cầu bắc qua sông Bassac gắn rất nhiều đèn màu. “Có người hô lên rằng một người đã bị điện giật, chạy đi - Reuters dẫn lời nhân chứng Touch Loch, 18 tuổi - Tôi ngã xuống, bị nhiều người giẫm lên và ngất đi. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình trong bệnh viện”. Cố vấn đặc biệt của thủ tướng là ông Om Yentieng bác bỏ thông tin điện giật gây thảm họa. Một số nguồn tin khác từ chính quyền cho biết có thể do có quá nhiều người, cầu treo bắc qua sông bị đung đưa khiến người trên cầu hoảng loạn dẫn đến thảm họa.

Dù vậy, báo Phnom Penh Post dẫn lời một bác sĩ ở Bệnh viện Calmette, nơi đang chữa trị cho nhiều nạn nhân bị thương, khẳng định khám nghiệm tử thi một số nạn nhân cho thấy hiện tượng điện giật. Nhà chức trách Campuchia cũng bác bỏ thông tin cảnh sát đã phun vòi rồng vào đám đông trên cầu khi vụ giẫm đạp xảy ra. Nhưng cũng báo Phnom Penh Post dẫn nguồn một số người thoát chết khẳng định cảnh sát đã phun vòi rồng vào đám đông trên cầu khi xảy ra vụ giẫm đạp đã làm nhiều người thiệt mạng. Nước phun từ vòi rồng làm nhiều người bị điện giật từ dây cáp đèn trên cầu. Nhưng theo nguồn tin của Reuters, cảnh sát đã phun nước lên cầu để các nạn nhân uống nước.

Tấn thảm kịch diễn ra ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của lễ hội nước Bon Om Thook - lễ hội truyền thống đánh dấu chu kỳ cạn của sông Mekong và thời điểm sông Tonle Sap đổi dòng chảy ngược lên biển Hồ. Đây là lễ hội có lịch sử lâu đời của người dân Campuchia với các hoạt động như đua thuyền, đốt pháo hoa, trình diễn thuyền đăng... Trang web của Cơ quan Du lịch Campuchia cho biết lễ hội này bắt nguồn từ thế kỷ 12, dưới thời vua Jayavarman VII. Trong ba ngày lễ hội, người dân Campuchia cầu nguyện cho vụ mùa bội thu, đủ mưa và mừng ngày trăng tròn.Báo Phnom Penh Post dẫn nguồn tin chính quyền Campuchia cho biết lễ hội năm nay có khoảng 4 triệu người từ khắp cả nước đổ về Phnom Penh.

Đảo Kim Cương, nơi xảy ra tấn thảm kịch, từng là một khu ổ chuột. Trong vài năm gần đây nó được xây dựng trở thành một trung tâm giải trí với nhiều cửa hàng, nhà hàng, trung tâm triển lãm. Đảo Kim Cương đặc biệt thu hút nữ giới đến mua sắm trong các dịp lễ hội.

IahhWfVb.jpgPhóng to
Đám tang bà Nguyễn Thị Bế, một Việt kiều thiệt mạng trong vụ giẫm đạp trên cầu, tổ chức tại chùa Probut, quận Bảy Tháng Giêng vào tối 23-11 - Ảnh: Viễn Sự

13 người Việt thiệt mạng và mất tích

Ông Châu Văn Chi, chủ tịch Hội người Việt tại Vương quốc Campuchia, cho biết đến 22g đêm qua đã xác định được 8 người chết và 5 người mất tích trong thảm họa tại cầu Koh Pich là người Việt Nam, ngoài ra còn 8 người Việt bị thương đang điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, hiện chỉ mới xác định được danh tính 6 người Việt thiệt mạng gồm:

- Nguyễn Thị Bế (54 tuổi), quê Đồng Tháp (ngụ Phnom Penh).

- Dương Thị Lan (34 tuổi), ngụ Phnom Penh.

- Huot Văn Thy (10 tuổi, con bà Lan), ngụ Phnom Penh.

- Nguyễn Thị Nhớ (19 tuổi), ngụ Kandal.

- Nguyễn Thị Chại (18 tuổi), ngụ Kandal.

- Nguyễn Văn Cu (12 tuổi), ngụ Kandal.

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn

Được tin tối 22-11 tại lễ hội nước diễn ra ở Phnom Penh, Campuchia đã xảy ra thảm họa lớn làm gần 400 người chết và hàng trăm người bị thương, ngày 23-11, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Hun Sen; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Thượng viện Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin. Cùng ngày, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng đã gửi điện chia buồn đến Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Hor Namhong.

Trong các bức điện, lãnh đạo Việt Nam đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến lãnh đạo, nhân dân Campuchia và gia quyến những người bị nạn và tin tưởng nhân dân Campuchia anh em sẽ vượt qua đau thương to lớn này.

TTXVN

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Campuchia: 380 người chết trong đêm hội nước Bon Om ToukThảm họa đêm hội qua lời kể của người sống sót10 thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử vì xô đẩy8 người Việt chết trong vụ giẫm đạp tại Campuchia

NGUYỄN VIỄN SỰ - PHẠM LAN PHƯƠNG (Từ Phnom Penh, Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên