18/09/2010 06:50 GMT+7

Khi giới trẻ Nhật phải ôm nhiều việc

PHƯƠNG THÙY
PHƯƠNG THÙY

TT - Với lợi thế là cử nhân ĐH danh tiếng Keio, Tanaka dễ dàng tìm được chân quản lý trong một công ty kinh doanh ôtô. Làm được vài tháng, anh quyết định bỏ việc do chịu nhiều áp lực với cấp trên và đồng nghiệp.

Đã một năm rồi mà anh không thể tìm được một công việc chính thức. Thế là Tanaka quyết định nhận một lúc ba công việc làm thêm ở siêu thị, tiệm cho thuê băng đĩa và pha chế rượu ở quán bar. Đây là những công việc cấp thấp và không được trân trọng ở Nhật nhưng nó cũng đủ nuôi sống Tanaka trong giai đoạn này.

Anh Tomo, một bạn trẻ Nhật hiện đang điều hành một công ty phần mềm tại TP.HCM, nhận xét rất thú vị: “Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều bạn trẻ làm 2-3 việc đấy chứ. Buổi sáng họ làm văn phòng rồi buổi tối lại dạy tiếng Anh, làm gia sư, tiếp thị sản phẩm...

Anh bạn người Việt của tôi là kiến trúc sư trong một công ty nhưng cũng thường nhận các công việc bên ngoài về làm. Chẳng phải công ty Việt Nam có phần thông thoáng hơn về việc nhân viên làm thêm sao?”.

Tanaka là một trong vô vàn trường hợp bạn trẻ ở Nhật đang phải làm nhiều việc để sống. “Nhiều bạn trẻ ngày nay thích làm thêm vì dễ dàng chuyển việc và thời gian linh hoạt. Thậm chí họ còn cho đó là lựa chọn thông minh vì không phải làm quá giờ, làm vào ngày nghỉ, ít áp lực nhưng vẫn kiếm được số tiền kha khá” - Akane, nhân viên chính thức một công ty ở Tokyo, nhận xét.

Akane kể trường hợp bạn của cô: ngoài công việc tiếp tân bán thời gian hai ngày một tuần làm ở công ty bất động sản, cô ấy còn làm phục vụ ở quán bar với mức lương 3.000 yen (khoảng 690.000 đồng) mỗi giờ. Cô ấy còn làm thời vụ là bán sôcôla mùa Valentine. Gia đình cô thuộc loại khá gương mẫu và khá giả thì cứ đinh ninh con gái mình có công việc toàn thời gian ổn định ở công ty bất động sản nọ.

Tuy vậy, tình hình kinh tế khó khăn cũng là một nguyên nhân lớn khiến nhiều bạn trẻ phải làm nhiều việc nho nhỏ để sinh sống. Thậm chí có hiện tượng các bạn trẻ chấp nhận tốt nghiệp đại học không đúng hạn để có thể vừa làm thêm vừa săn việc.

“Trường tôi chấp nhận việc có nhiều sinh viên năm 5, năm 6. Không phải họ không đủ khả năng tốt nghiệp, nhưng họ cố tình không hoàn thành một số tín chỉ yêu cầu để được làm sinh viên “già”. Lý do là vì nhiều công ty Nhật có tâm lý thích tuyển sinh viên mới tốt nghiệp hơn là tuyển những người đã tốt nghiệp lâu mà chưa tìm được việc làm” - Yukie, đã làm cho một công ty Nhật hơn hai năm và hiện đang học tiếng Việt ở Đại học KHXH&NV TP.HCM, nhận xét.

Còn Hironori, đang học tiếng Việt cao cấp tại TP.HCM, có cách giải thích cũng rất hợp lý

về tình cảnh ôm nhiều việc hiện nay của giới trẻ Nhật: “Thị trường việc làm hiện cạnh tranh rất cao. Nhiều người nước ngoài như châu Á, châu Phi chấp nhận làm việc cho công ty Nhật với mức lương thấp. Người Nhật bị giành đất nhưng không thể xin việc ở công ty nước ngoài vì phần lớn còn thiếu tự tin về ngoại ngữ”.

Hironori cho biết ở Nhật vài năm trước, nhân viên chính thức nếu bị phát hiện làm thêm việc bên ngoài sẽ bị đuổi ngay. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế trì trệ, hiện có 15-20% trong tổng số công ty của Nhật cho phép nhân viên làm thêm bên ngoài.

“Nếu bạn chỉ làm vài tháng rồi nghỉ thì khi xin việc ở công ty mới sẽ không được đánh giá cao. Họ sẽ nghi ngờ lòng trung thành của bạn đối với công ty. Vì vậy, nhiều người tuy không hài lòng với mức lương của mình nhưng vẫn cố bám trụ, đồng thời tìm công việc bán thời gian khác để nâng cao thu nhập” - Kota, 26 tuổi, đang làm trong một đại lý du lịch khá nổi tiếng ở Nhật, nhận xét.

Trong ba năm qua, 45% nhân viên trong công ty của anh đã nghỉ việc. “Tôi cũng muốn bỏ việc nhưng chắc phải đợi vài năm nữa vì tôi mới làm được một năm. Nếu tôi cứ tiếp tục làm việc từ 9g-23g30 như bây giờ thì không biết khi nào tôi mới lấy vợ!” - Kota tâm sự. Rất có thể rồi anh sẽ chọn con đường đi làm 2-3 việc để có thời gian chủ động cho mình, tuy rằng đó không phải là giải pháp hay nhất.

RueqE1Rs.jpgPhóng to
Ngoài công việc chính tại công ty kiến trúc, cô Yokogawa còn làm thêm hai việc khác - Ảnh: NYT

Theo số liệu của Cục Thuế quốc gia, tiền lương trung bình hằng năm của người Nhật trong độ tuổi 20-30 vào năm 2008 đã giảm còn 2,48 triệu yen, so với 2,83 triệu yen của năm 1997.

Mới đây, Bộ Y tế - lao động và phúc lợi công bố một dữ liệu cho thấy 56% lực lượng lao động độ tuổi 15-34 phải có nguồn thu nhập khác ngoài lương chính mới đủ sống. Còn theo thống kê do công ty nghiên cứu thị trường Internet Ishare thực hiện đầu năm nay thì 17% người dân Nhật trong độ tuổi 20-50 làm thêm ngoài giờ.

PHƯƠNG THÙY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên