10/11/2008 06:12 GMT+7

Từ vụ tai nạn Tàu ngầm hạt nhân Nga: Sức mạnh và những hạn chế

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Tàu ngầm hạt nhân được coi là một trong những vũ khí đặc sắc nhất của lực lượng quốc phòng Nga. Tuy vậy những tai nạn liên tiếp đang phủ bóng đen lên niềm tự hào của đất nước bạch dương.

L2srD8Ja.jpgPhóng to
Tàu ngầm dòng Oscar - loại giống tàu ngầm Kursk - Ảnh: wikipedia

Một số tai nạn tàu ngầm Nga

Tháng 4-1970: Một tàu tấn công hạt nhân chìm với 88 thủy thủ ở khu vực Đại Tây Dương ngoài khơi Tây Ban Nha.

Tháng 8-1985: Một vụ nổ trên tàu ngầm ở vịnh Chazma gần cảng Vladivostock khiến nắp lò phản ứng bay hàng trăm mét, còn 10 người làm ở khu vực lò mất dạng.

Tháng 4-1989: Một tàu dòng Mike chìm ngoài khơi phía bắc Na Uy vì hỏa hoạn làm 42 người thiệt mạng.

Tháng 8-2000: Tàu Kursk chìm ở vùng biển Barents làm 118 người thiệt mạng.

Tháng 9-2006: Lửa cháy trên tàu ngầm St Daniel đang neo ở gần biên giới Phần Lan làm hai người thiệt mạng.

Sáng 9-11, phát ngôn viên của lực lượng hải quân Nga thông báo lại có thêm một vụ tai nạn tàu ngầm hạt nhân mới làm 21 người thiệt mạng cách đó một ngày. “Hơn 20 người đã thiệt mạng trong cuộc thử nghiệm ngoài biển khi hệ thống dập lửa vô tình được phóng” - đại tá Igor Dygalo nói với RIA Novosti. Tai nạn xảy ra trên một tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang tiến hành các thử nghiệm ngoài biển. Ông Dygalo nói có 208 người, trong đó có 81 lính, có mặt trên tàu khi xảy ra tai nạn.

Theo các hãng tin, con tàu gặp nạn là loại K-152 - còn có tên là Nerpa. Chiếc tàu mới này vừa được thử nghiệm trên biển từ cuối tháng trước và dự định sẽ cho Ấn Độ thuê sau khi thử nghiệm xong. Việc đóng tàu Nerpa bắt đầu từ năm 1991 nhưng ngân sách dùng để đóng tàu đã cạn kiệt trong thời kỳ khó khăn ở Nga. Sau khi kinh tế phục hồi trong mấy năm trở lại đây, tàu ngầm Nerpa mới được hiện đại hóa lại.

Niềm tự hào quốc phòng

Dù còn khiêm tốn so với hải quân Mỹ, đặc biệt là về các hàng không mẫu hạm, các hạm đội tàu ngầm hạt nhân vẫn là thế mạnh riêng của Nga và được coi là có ít nhiều vượt trội so với Mỹ. Với khả năng tiêu thụ ít năng lượng, riêng thế hệ tàu ngầm hạt nhân hiện nay không cần nạp năng lượng trong suốt chu trình hoạt động 25 năm của tàu - đồng nghĩa với việc tàu có thể đi vòng quanh Trái đất khoảng 41 lần mà không cần phải nổi lên. Khả năng này cộng với những công nghệ vũ khí hiện đại trên tàu giúp tàu ngầm hạt nhân là một trong những tàu chiến hữu dụng nhất và lợi hại nhất.

Xuất phát sau Mỹ trong cuộc chạy đua xây dựng đội tàu ngầm hạt nhân (Mỹ có tàu ngầm hạt nhân vào năm 1955, trong khi năm 1958 Liên Xô mới có), Liên Xô nhanh chóng có hạm đội tàu ngầm hạt nhân lớn và quy mô nhất thế giới. Từ cuối những năm 1950 - 1997, Liên Xô - sau này là Nga - đã đóng tổng cộng 245 tàu ngầm hạt nhân, nhiều hơn tổng cộng số tàu ngầm mà các nước còn lại trên thế giới có được.

Ngay từ khi mới triển khai hồi cuối những năm 1950, tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đã có khả năng phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn từ 1.500-3.000km. Đến giữa những năm 1980, với sự triển khai của tàu Delta I SSBN ở Đại Tây Dương, tàu ngầm hạt nhân Nga có khả năng phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn lên tới 9.100km, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ. Năm 2007, Nga đã bắt đầu đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ tư theo dòng tàu ngầm hạt nhân Borey.

Đây là thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Hệ thống tàu ngầm hạt nhân mới sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava - thế hệ tên lửa cải tiến mới từ tên lửa Topol-M. Nhẹ và tinh tế hơn Topol-M, tên lửa với tầm bắn trên 8.000km này vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa nào trong tương lai với khả năng tránh né, phản đòn trên không gian và chịu được một vụ nổ hạt nhân trong khoảng cách 500m.

An toàn: vấn đề nhức nhối

fwBJpccW.jpgPhóng to
Tàu ngầm Nga neo tại cảng Vladivostock - Ảnh: Corbis

Dù có nhiều ưu thế vượt trội, an toàn cho tàu ngầm hạt nhân Nga từ lâu vẫn là vấn đề đau đầu cho giới quân sự Matxcơva. Một trong những thảm họa được nhắc đến nhiều nhất là vụ tai nạn tàu ngầm nguyên tử Kursk ở biển Barents tháng 8-2000 làm toàn bộ 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng. Con tàu, được coi là một trong những tàu ngầm hạt nhân tinh vi nhất của Nga, đã gặp nạn khi một quả ngư lôi trong tàu phát nổ gây ra lửa cháy trong tàu với nhiệt độ lên tới 8.0000C.

Theo Viện MacKenzie, một trong những điểm yếu thấy rõ nhất của tàu ngầm hạt nhân Nga là việc sử dụng nhiên liệu hydro peroxide (H2O2) cho ngư lôi. Nhiên liệu này giúp ngư lôi có tốc độ kinh hoàng (70 hải lý/giờ với loại thông thường và 250 hải lý với loại tiên tiến) nhưng lại rất dễ gây nổ và có tính ăn mòn cao. Ngoài ra, trong giai đoạn kinh tế khó khăn những năm 1990, chi phí cung cấp cho việc duy trì hệ thống tàu ngầm hạt nhân của Nga cũng bị teo lại nhiều lần.

Vào tháng 8-2003, một tàu ngầm hạt nhân K-159 bị chìm trong khi được kéo từ Gremikha về Polyarnoye để tháo dỡ thì dây kéo bị đứt khi gặp thời tiết xấu, khiến chín trong tổng số 10 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Vụ tai nạn cũng khiến 800kg nhiên liệu hạt nhân dùng rồi rơi xuống đáy đại dương. Trong một tai nạn khác vào tháng 8-2005, bảy thành viên thủy thủ đoàn người Nga đã được một tàu của Anh cứu sau ba ngày mắc kẹt trong chiếc tàu mini AS-28 ở độ sâu khoảng 200m tại Thái Bình Dương. Hệ thống cung cấp không khí của tàu ngầm khi đó gặp trục trặc.

Bellona - một tổ chức nghiên cứu của Na Uy - có đề cập sự liên quan của các tàu chiến Mỹ như một nghi vấn trong những tai nạn của tàu ngầm Nga. Từ lâu các quan chức Nga vẫn nghi ngờ chiếc tàu ngầm K-129 từng chìm ở độ sâu 8.000m tại phía tây bắc quần đảo Hawaii năm 1968 là do đụng độ với tàu ngầm USS Swordfish của Mỹ.

Trong tai nạn đó có 98 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Nghi ngờ xuất phát từ việc tàu Swordfish đã buộc phải tiến hành tu sửa kính tiềm vọng ở Yokosuka (Nhật Bản) sáu ngày sau vụ chìm tàu K-129. Phía hải quân Mỹ thì cho rằng tàu K-129 bị tai nạn sau một vụ nổ bên trong tàu. Gần đây nhất, vụ chìm tàu Kursk cũng bị nghi ngờ có sự liên quan của tàu chiến Mỹ khi có hai tàu chiến Mỹ ở gần tàu Kursk khi tai nạn xảy ra.

Chấm dứt thử nghiệm

Tư lệnh hải quân Nga, đô đốc Vladimir Vysotsky đã ra lệnh chấm dứt các cuộc thử nghiệm và yêu cầu đưa chiếc tàu ngầm hạt nhân về căn cứ Primorye ở vùng Viễn Đông để điều tra. Tàu chiến chống tàu ngầm Admiral Tributs và tàu cứu hộ Sayany hiện đang lai dắt chiếc tàu ngầm này về cảng. 21 người bị thương trên tàu cũng đã được đưa lên tàu Tributs. Cùng lúc thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Alexander Kolmakov và đô đốc Vysotsky đã cùng lên đường tới kiểm tra con tàu.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên