16/04/2007 05:17 GMT+7

Khi thủ tướng Đan Mạch bị lên phim!

QUẾ VIÊN (Đan Mạch, 15-4)
QUẾ VIÊN (Đan Mạch, 15-4)

TT - Sau Tổng thống Mỹ George Bush, Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, cựu tổng thống Uganda Idi Amin Dada, đến lượt Thủ tướng (TT) Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen trở thành nhân vật chính cho bộ phim truyện sẽ ra mắt ngày 20-4.

vTgInT1O.jpgPhóng to

Bộ phim AFR và đạo diễn Morten Hartz Kaplers - Ảnh: Báo Berlingske Tidende

Trong tình hình điện ảnh Âu Mỹ đang lâm vào tình trạng bí đề tài nghiêm trọng, chuyện này lẽ ra cũng chẳng có gì đáng nói nếu bộ phim không cho TT Rasmussen bị người tình đồng giới hạ sát trong khi ông này đang sống sờ sờ với vợ con!

Nhân vật TT Anders Fogh Rasmussen trong phim truyện AFR là người đồng tính luyến ái, có tình nhân trẻ tuổi là Emil K nhưng lại cắt đứt quan hệ với anh ta để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ghen tuông và tức giận, Emil K đã hạ sát Rasmussen.

Morten Hartz Kaplers, đạo diễn kiêm tác giả kịch bản, đã thực hiện bộ phim này trong ba năm bằng cách ráp nối những đoạn phim do một số diễn viên vô danh đóng với những hình ảnh thật và trích đoạn phim tư liệu về TT Rasmussen. Trong phim có sự xuất hiện của nhiều chính khách Đan Mạch và quốc tế, như Tổng thống George Bush và nguyên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, dĩ nhiên là không có sự đồng ý của họ.

Một người bị đưa vào phim, bà Pia Kjaersgaard - chủ tịch Đảng Nhân dân Đan Mạch - than phiền hình ảnh của bà bị sử dụng sai lạc và sự pha trộn giữa thực tế với hư cấu sẽ gây nên ngộ nhận vì trong phim có cảnh bà nói câu “Chuyện ông ta (đã) là người đồng tính thì ai chả biết!”. Theo bà Kjaersgaard, cảnh này trích ra từ đoạn phim bà trả lời phỏng vấn truyền hình năm 2002 sau khi chính khách Pim Fortuyn của Hà Lan - một người đồng tính công khai - bị ám sát chết không có liên can gì đến TT Rasmussen.

Anders Fogh Rasmussen đảm nhiệm chức vụ TT Vương quốc Đan Mạch từ tháng 11-2001. Ông được dư luận trong và ngoài nước đánh giá là có phẩm chất và năng lực của một nhà lãnh đạo tầm cỡ châu lục, giỏi cả về đối ngoại lẫn kinh tế. Ông làm việc hiệu quả, cần mẫn, không khoa trương. Về đời tư, giới báo chí Tây Âu thích xoi mói những người nổi tiếng cũng không khai thác được gì ngoại trừ năm ngoái, phu nhân của ông - bà Anne Mette Rasmussen - bị chỉ trích vì đã dùng một túi xách hàng nhái LV khi đón tiếp phu nhân Laura Bush.

AFR là phim truyện đầu tay của Kaplers, 35 tuổi, được xem là một đạo diễn nhiều triển vọng của Đan Mạch hiện nay. Kaplers cho rằng bộ phim gây tranh cãi của anh sẽ khiến người ta phải suy ngẫm về vấn đề tự do ngôn luận và sáng tạo. Anh nhấn mạnh: “Dù là tên khủng bố hay nhà lãnh đạo thì họ cũng chỉ là những con người bình thường và nếu một vị TT nào đó là người đồng tính, người ta có thể công khai bàn bạc về chuyện này hay không?”.

Khi được hỏi liệu ông có định xem AFR, TT Rasmussen trả lời là ông quá bận không có thì giờ xem phim nhưng cũng nói thêm là ông “ủng hộ quyền tự do sáng tạo trên bình diện rộng”. Trước đây khi nổ ra cuộc khủng hoảng tranh biếm họa bắt nguồn từ việc nhật báo Jylland Posten đăng 12 chân dung biếm của Đấng tiên tri Mohammed, TT Rasmussen đã cực lực bảo vệ cái gọi là quyền tự do ngôn luận, tự do sáng tạo của nghệ sĩ, xem đó là một minh chứng cho nền tự do dân chủ phát triển ở mức độ cao của nước này.

Hiện chưa thấy các nhà phê bình phim của Đan Mạch có ý kiến gì về bộ phim, nhưng dư luận tại đây nói chung không tỏ ra háo hức cho lắm dù AFR đã giành được giải thưởng cao Tiger Award tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, Hà Lan vào tháng 2-2007. Bà Pia Kjaersgaard - một trong những “diễn viên bất đắc dĩ” nêu trên - gọi bộ phim này là “câu chuyện khôi hài vô vị”. Còn người bạn tôi, một công dân Đan Mạch bình thường Claus Juul, thì nói rằng những người làm phim không chỉ thiếu đề tài mà còn thiếu cả trí tuệ. Dù có muốn sáng tạo đến đâu đi nữa, người nghệ sĩ cũng không thể bỏ qua những chuẩn mực của đạo đức.

QUẾ VIÊN (Đan Mạch, 15-4)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên