29/10/2005 01:25 GMT+7

Rosa Parks - niềm tự hào của nước Mỹ

HUY ĐỨC (Washington D.C.)
HUY ĐỨC (Washington D.C.)

TT - Những cuộc cách mạng thật sự có ý nghĩa đôi khi lại bắt đầu từ những điều giản dị và được thực hiện bởi những con người rất bình thường. Rosa Parks là một ví dụ, bà vừa ra đi hồi đầu tuần, thọ 92 tuổi.

KJ0nPliV.jpgPhóng to

Bà Rosa Parks (giữa) nhận lời chúc mừng của Tổng thống B.Clinton. Ảnh: Getty Image

Phát biểu về bà, Tổng thống Mỹ George W. Bush khẳng định: “Lịch sử sẽ phải dành một vị trí đặc biệt cho Rosa Parks”.

Và Quốc hội Mỹ cũng đã quyết định cho đặt linh cữu bà tại sảnh lớn tòa nhà quốc hội (một nghi thức chỉ dành cho các lãnh đạo cấp cao của Mỹ) trong hai ngày để người dân đến viếng.

Ngày 1-12-1955, sau một ngày làm việc, Rosa Parks, năm ấy 42 tuổi, leo lên một chiếc xe buýt và ngồi vào hàng ghế phía trước, phần được ghi là dành riêng cho người da trắng. Dù được yêu cầu Rosa vẫn không chịu đứng lên. Bà bị bắt. Luật của tiểu bang Alabama khi đó buộc những người da đen như bà phải ngồi ở những hàng ghế sau và lúc nào có yêu cầu đều phải nhường chỗ cho những người da trắng.

Việc bắt giữ Rosa khiến những nhà lãnh đạo cộng đồng da đen của thành phố Montgomery, quê hương bà, trong đó có Martin Luther King Jr, nhóm họp ngay trong đêm và quyết định: người da đen sẽ tẩy chay xe buýt cho tới khi chính quyền chịu chấm dứt sự phân biệt này. Cuộc đấu tranh của họ kéo dài 381 ngày và Tòa án liên bang cuối cùng phải yêu cầu chính quyền địa phương ngưng áp dụng đạo luật phân biệt đó.

Rosa Parks không phải là một người có trình độ học vấn cao. Bà trở thành nhà hoạt động cho dân quyền chỉ vì cảm thấy rằng bà có quyền được đối xử như những người khác. Noi gương bà, mấy năm sau, bốn học sinh da đen ở North Carolina đã “ngồi lì” trong một quầy ăn trưa dành cho người da trắng cho đến khi bị bắt. Thời điểm đó hầu như ở những nơi công cộng trên khắp nước Mỹ, người da đen không thể ngồi ở nơi dành riêng cho người da trắng.

48PYSai7.jpgPhóng to
Rosa Parks bị bắt năm 1955 - Ảnh: CNN

Tờ New York Times nhảy vào cuộc với chủ trương ủng hộ, học sinh trên toàn nước Mỹ đã tham gia cuộc đấu tranh của bốn học sinh North Carolina. Và cho tới năm 1964, người da đen mới giành được “quyền công bằng” mà gần 200 năm trước đã được đưa vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Tác giả tuyên ngôn - vị tổng thống thứ ba của nước Mỹ Thomas Jefferson tuyên bố: “Con người sinh ra ai cũng đều có quyền bình đẳng”. Thế nhưng Thomas Jefferson vẫn sở hữu nô lệ trong trang trại của mình và những người Mỹ có quyền bỏ phiếu lúc ấy chỉ là những người đàn ông da trắng có đóng thuế ở một mức nhất định.

Rosa Parks đã “ngồi xuống cho những người khác đứng dậy”. Bà đã phát hiện một điều đáng xấu hổ để kiến tạo cho nước Mỹ thêm một giá trị mới của tự do, một giá trị mà nhiều nhà “khai quốc” Mỹ tưởng rằng đã có từ hơn 200 năm trước. Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã tặng bà huân chương cao quí về tự do. Năm 1999 Quốc hội Mỹ tặng bà Huân chương Người công dân danh dự. Chiếc xe buýt mà 50 năm trước bà từ chối nhường ghế cho người da trắng rồi bị bắt và bị phạt 14 USD giờ được đưa vào viện bảo tàng.

Những ngày này, trên xe buýt, bên cạnh những anh chàng da đen to lực lưỡng là những cô gái da trắng mảnh dẻ. Họ cùng đọc báo về bà Rosa Parks. Ở trường, các thầy giáo da trắng thường bắt đầu bài giảng của mình về cuộc đấu tranh của bà, của những người da đen bằng giọng thán phục và có cả tự hào nữa. Người Mỹ thiết lập nền dân chủ của mình từ hơn 200 năm qua. Nhưng ngay lúc ấy, có rất nhiều giá trị chưa được “Thượng đế ban tặng”. Cho đến khi có người phụ nữ bình thường như Rosa Parks, chứ không phải chỉ các tổng thống hay những nhà tư tưởng, mới tìm ra và kiến tạo nên những giá trị đáng tự hào cho lịch sử.

HUY ĐỨC (Washington D.C.)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên