27/06/2004 12:00 GMT+7

Nhập khẩu và xuất khẩu rác thải

MẠNH KIM
MẠNH KIM

TTCN - Trong sinh hoạt xã hội, việc ném túi rác sang nhà hàng xóm được xem là hành vi kém văn hóa. Trên phương diện quốc tế, hành vi này được gọi là gì đây? Đáng tiếc, việc xuất khẩu rác từ nước giàu sang nước nghèo ngày càng phổ biến.

LnFMPOLr.jpgPhóng to

Tại một khu xử lý rác điện tử nhập khẩu ở Trung Quốc

Hôm 10-6-2004, Tổ chức môi trường Greenpeace cảnh báo rằng Đông Nam Á đang trở thành bãi rác khổng lồ từ các nước phát triển (dẫn lại từ Borneo Bulletin 17-6-2004).

Vụ gần đây nhất là gần 12.000 tấn chất thải công nghiệp Đài Loan bị tống sang Malaysia. Cùng lúc, hàng tấn chất thải cũng trên đường đến Philippines, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Việt Nam…

Việc đổ rác từ nước giàu sang các nước nghèo không là sự kiện mới. Ít nhất một thập niên qua, hiện tượng này đã không ít lần được đánh động. Trong bài nghiên cứu tỉ mỉ trên trang web Basel Action Network (www.ban.org - tổ chức thuộc công ước Basel chuyên nghiêm cấm nước giàu tống rác sang nước nghèo), tác giả Jim Puckett đã cho thấy nguyên cớ của việc “xuất khẩu” rác.

Rác là nỗi lo thường trực của các nước giàu khi bãi rác không còn chỗ chứa và việc xử lý cũng như tái sinh rác gặp nhiều khó khăn. Cùng nỗi lo ô nhiễm môi trường trong nước, vấn đề rác tại phương Tây còn nằm trong cái gọi là “hội chứng NIMBY” (not-in-my-back-yard - không có ở sân sau nhà tôi).

Tại châu Âu, hơn 55.000 bãi rác bao phủ 47.000 - 95.000km2 hiện đã gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vài nước như Hà Lan đã chi hơn 1 tỉ USD để thu hồi dioxin từ các lò thiêu rác. Hơn nữa, chi phí cho xử lý chất thải ngày càng tăng. Việc đổ một tấn rác vào bãi tốn 15 USD/tấn vào năm 1980 hiện đã tăng gần 500 USD/tấn tại Mỹ. Và Liên đoàn công nghiệp Vương quốc Anh cho biết chi phí đổ rác vào bãi đã tăng 150% từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990. Chi phí cho thiêu rác tất nhiên cao hơn. Thiêu một tấn rác tại Anh có thể tốn đến 10.000 USD.

Trong khi đó, chất độc hại trong rác ngày càng tăng. Riêng tại Mỹ, lượng chất độc trong rác thải đã tăng từ 9 triệu tấn/năm trong thập niên 1970 lên 250 triệu tấn/năm vào cuối thập niên 1990. Còn ở châu Âu, lượng chất độc trong rác đã tăng ít nhất 50 triệu tấn/năm vào đầu thế kỷ 21.

Liều thuốc để làm giảm cơn nhức đầu rác thải là “bán ve chai”, một giải pháp vừa tống được rác vừa được tiền. Khuynh hướng này, thật đáng tiếc, lại được không ít quốc gia nghèo hưởng ứng. Năm 1988 Chính phủ Guinea-Bissau (một trong những nước nghèo nhất châu Phi) đã đồng ý “hốt” hơn 15 triệu tấn chất thải độc hại từ Mỹ (mua với giá 600 triệu USD - gấp bốn lần GNP của Guinea-Bissau!) để tái chế sử dụng.

Trước đó nhiều năm, năm 1972, Tuyên bố Stockholm của Hội nghị môi trường con người Liên Hiệp Quốc đã ghi (trong Nguyên tắc 21) rằng: “Các nước nên chịu trách nhiệm và đảm bảo rằng những hoạt động của mình phải nằm trong sự kiểm soát và phạm vi pháp lý để không gây tổn hại môi trường các nước hoặc khu vực khác…”.

Tháng 6-1987, trước tình trạng bán rác ào ạt cho nước nghèo, Ủy ban điều hành Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu giám đốc điều hành Cơ quan chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) Mustapha Tolba tổ chức hội nghị toàn cầu về hiện tượng rác lưu chuyển xuyên biên giới. Kết quả là tháng 3-1989, 118 quốc gia đã ký vào công ước Basel về kiểm soát sự lưu chuyển chất thải độc hại.

Tuy nhiên khả năng thực thi của công ước Basel - như Jim Puckett mổ xẻ - đã gặp trở ngại ngay trong bản thân công ước. Việc dùng từ “kiểm soát” chứ không phải “nghiêm cấm” hoặc “ngăn chặn” đã khiến công ước bị qua mặt dễ dàng. Và Mỹ (cùng Úc, Canada và vài nước giàu khác) chính là quốc gia thực hiện chiến dịch hậu trường không dùng từ “cấm” trong công ước Basel. Dù vậy, hiệu lực của công ước Basel bắt đầu mạnh dần vào thập niên 1990. Từ năm 1994, công ước Basel đã tung ra luật điều chỉnh, yêu cầu các nước công nghiệp hóa không được tống chất thải độc hại sang nước nghèo, trừ trường hợp cho mục đích tái chế.

Tiếp đó năm 1998, công ước Basel yêu cầu không được xuất khẩu rác độc hại cho nước nghèo trong bất kỳ trường hợp nào, thậm chí cho tái sinh. Tuy nhiên, dù được UNEP ủng hộ, công ước Basel vẫn bị tảng lờ và Mỹ là nước công nghiệp duy nhất thế giới không ký vào công ước Basel cho đến gần đây (nhưng hiện vẫn chưa được Quốc hội Mỹ chuẩn y!).

Theo Environmental News Service (24-5-2004), châu Âu hiện làm tốt hơn Mỹ trong công tác kiểm soát hoặc hạn chế tình trạng bán rác thải cho Thế giới thứ ba. Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu giới sản xuất phải tự thu hồi sản phẩm điện tử thải để đảm bảo tái sinh an toàn. Thượng tuần tháng 5-2004, dưới sức ép của nhiều tổ chức, trong đó có Basel Action Network và Greenpeace, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã phải cấm vụ bán con tàu cũ USS Crescent City (thời Thế chiến thứ hai) cho Trung Quốc do chứa quá mức polychlorinated biphenyl (PCB) cho phép.

Đạo luật kiểm soát chất độc Hoa Kỳ cấm việc xuất khẩu các vật liệu chứa hơn 50 phần/triệu PCB, trong khi đó độ tập trung PCB trong USS Crescent City (thuộc Công ty Sanship Inc) nhiều hơn 125.000 phần/triệu. Nếu không bị ngăn chặn, USS Crescent City hẳn đã cập cảng Trung Quốc và được rã làm phế liệu sắt thép dùng cho nhiều mục đích khác nhau (tiếng lóng giới kinh doanh phế liệu gọi mặt hàng tàu nát như USS Crescent City là “tàu ma”).

Cũng theo nguồn Environmental News Service, năm 2003 EPA chứ không ai khác đã giúp Cơ quan quản lý hàng hải Hoa Kỳ bán bốn con tàu ma cho Anh, dù tàu nhiễm amiăng cũng như PCB (vụ việc bị Cơ quan môi trường Anh can thiệp và bốn con tàu hiện chờ ngày trả về Mỹ).

Không chỉ đồng nát sắt vụn, một trong những loại rác thải dễ bán nhất (đối với các nước công nghiệp) là “ve chai” điện tử, từ điện thoại di động, truyền hình, máy nghe nhạc đến máy tính. Đó là thứ chất thải rất độc hại (thiết bị điện tử chứa chì, kẽm, chromium, đồng, manganese, selenium, thạch tín… và phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên). Riêng tại Mỹ, vào năm tới sẽ có thêm 100 triệu điện thoại di động bị vất vào sọt rác; và khoảng 300-600 triệu máy tính cá nhân bị thải trong vài năm nữa.

Theo Wired News (20-6-2004), Ted Smith (giám đốc điều hành Liên minh chất thải độc hại thung lũng Silicon) cho biết 80% máy tính cũ sản xuất tại Mỹ thường được bán tống bán tháo sang thị trường Việt Nam, Trung Quốc và vài nước Đông Nam Á khác. Theo qui định Ủy ban truyền thông liên bang Hoa Kỳ, 2006 sẽ là năm mà hộ dân Mỹ chuyển toàn bộ sang hệ thống truyền hình kỹ thuật số. Điều này có nghĩa khoảng 230-280 triệu truyền hình kỹ thuật đèn hình (cathode-ray tube, CRT) sẽ bị vất khỏi hộ dân Mỹ.

Cùng lúc, vài bang, chẳng hạn Massachusetts, California, Maine và Minnesota, hiện đã cấm vất truyền hình CRT vào bãi rác công cộng. Thế thì chúng đi đâu? Hẳn nhiên, tương tự hàng máy tính ve chai, truyền hình đời cũ của Mỹ cũng được đóng thùng “xuất khẩu” sang các nước nghèo. Cũng cần nói thêm kỹ thuật tái sinh chất thải điện tử (e-waste) hiện vẫn còn chập chững. Chỉ 1/10 chất thải điện tử, khoảng 200.000 tấn/năm, là được tái chế tại Mỹ (khoảng 500 triệu máy tính hiện sử dụng khắp thế giới chứa đến 2,87 tỉ kg plastic, 716,7 triệu kg chì và 286.700kg thủy ngân…).

Tại sao vài nước nghèo vẫn hoan hỉ móc hầu bao mua rác từ nước giàu, làm như may mắn lắm mới mua được hàng “quá rẻ”? Tái chế tất nhiên có thể được xem là một trong cách giảm thiểu chi phí sản xuất, nhưng người ta đã không tính đến hậu họa đem lại từ sự tổn hại môi trường mà môi trường ô nhiễm thì luôn ảnh hưởng diện rộng cùng lúc kéo dài.

Không phải tự nhiên mà Greenpeace (AP 10-6-2004) đã kêu gọi 10 nước ASEAN “khẩn cấp” thực hiện luật quốc tế về chất thải độc hại; và rằng tất cả thành viên ASEAN nên chuẩn y tu chính luật Basel (*). Chỉ khi đó, người ta mới có thể “đưa ra một lệnh cấm toàn cầu có hiệu quả về xuất khẩu chất thải độc hại áp dụng cho thành viên EU hoặc Tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế - OECD” - như phát biểu của Francis de la Cruz, thuộc Greenpeace Đông Nam Á.

__________________________

(*) Basel Ban Amendment (BBA) cần 62 chữ ký quốc gia, trước khi nó trở thành một phần của công ước Basel về kiểm soát sự lưu chuyển chất thải độc hại xuyên biên giới. Đến nay mới có 44 nước ký vào BBA, trong đó có hai nước ASEAN là Malaysia và Brunei.

MẠNH KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên