26/02/2015 11:17 GMT+7

​Mùi đồng quê của kẻ nghèo và cô độc

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TT - Ðọc Mùi đồng quê nghĩ rằng Nguyễn Hiệp chơi được. Nghèo luôn xả láng sáng về sớm. Chỉ có nghèo kiết mới nhận ra ai chơi được ai không.

Những tay gọi là chơi được không bao giờ quên được cái quá khứ nắng gió. Nắng đến độ con người ta đen thùi như lõi cây trắc. 

Sách do NXB Văn Hóa Văn Nghệ ấn hành

Và gió xoáy loạn như giặc. Thiên hạ không phải bạc tình hay vô tâm với nắng và gió ấy mà ra đi. Ði luôn vì sợ đói sợ nghèo. Nguyễn Hiệp lại không đi. Hiệp dị thường ở chỗ hễ đi là nhớ cái gió và cái nắng ấy.

Tuổi nhỏ của Hiệp chắc chắn bi. Ðọc Tô canh dưa hồng, người đọc bỗng trĩu một hơi thở dài khi chạm đến nỗi niềm “thế rồi má đi bước nữa”. Và cậu trai nhận ra sở dĩ tô canh mất vị ngon ngọt mát lành ngày xưa là bởi cậu đã nêm vào “tô canh của mình những giọt nước mắt xót xa buồn tủi... bơ vơ, lạc loài và cay đắng”.

Có kẻ non từng trải đã bảo mình rơi nước mắt khi đọc Mùi đồng quê. Hỏi sao mà rơi nước mắt? Trả lời rằng cái miền biển mà tác giả diễn tả trong Biển thở dữ dội quá. Con người ở đó thật là cô đơn. Kẻ ra khơi đối diện với nghìn trùng vẫn không bì được với người trong cạn “đợi ghe nhà lấp ló giữa trăm ngàn con sóng”.

Và Hiệp là kẻ cô đơn nhất vì anh cảm nhận được nỗi niềm của kẻ ngoài bao la lẫn đôi mắt chờ đợi ở ven bờ. Cái bi thương của đói nghèo hiện lên trong từng trang của Mùi đồng quê.

Trong Dưới những cơn mưa vụn, người đọc tin lắm cái hình người chữ X tê dại vì lạnh trên mái lá ngăn không cho con lốc làm hại hai mẹ con sản phụ dưới cơn mưa vụn.

Hiệp đi ra từ những cơn mưa vụn ấy và tin đời mình sẽ chẳng đến nỗi nào. Tin rằng mình sẽ không sao khi cạo phần cháy của chiếc bánh nguyệt và vui với chiếc đèn lon sữa trong những mùa trung thu. Chắc rằng sẽ không sao khi đến cả chiếc võng kết bằng lá gai cũng là mơ ước.

Nguyễn Hiệp mãi chất trong lòng anh những hoài niệm về những xưa cũ của một miền quê đã dần chìm trong ký ức. Có lẽ chỉ còn Hiệp nhớ những “giần sàng thúng mủng gác trên giàn bếp cho lên nước”, nhớ những “gióng sáu gióng tám” và dáng thướt tha của cô gái chân quê gánh gạo dưới lũy tre làng.

Chỉ còn Hiệp nhớ đến con ong bầu trong cây tre làm giàn mướp của bà má nghèo. Anh cũng nhớ bà ngoại già ngồi ngoáy trầu bên con mèo tam thể và nhớ cả tiếng ngao của nó. Cái thời mà cả cánh võng cũng cắm điện để đòng đưa mà nhớ đến vậy thì quả là cô độc.

Và thật là cô độc khi Hiệp mơ ước. Anh lại luôn luôn mơ ước. Trong Ðồng hồ quay ngược, Hiệp ước rằng hãy để thời gian quay ngược qua các thời điểm ác mộng để viên đạn không thoát ra khỏi nòng.

Ðể 504 con người ở Mỹ Lai, Sơn Mỹ năm 1968 ấy không chết dưới những họng súng buộc phải bạo tàn bởi một cái lệnh của kẻ vô nhân. Ðọc đoạn này người đọc bỗng rưng rưng và hòa với nỗi niềm cô đơn của Hiệp.

Viết ngắn thật khó. Viết để động được trái tim người đọc càng khó khăn hơn. Người đọc hôm nay bận rộn lắm, họ đang có rất nhiều việc phải làm. Một đôi khi rảnh rang họ lấy ngắn ra đọc. Ai đánh động được khô cháy trong lòng thì họ đọc tiếp, bằng không họ cho đi chỗ khác chơi. Nguyễn Hiệp ít nhiều động được những trái tim khô như ngói vỡ ban trưa.

Tôi đọc Nguyễn Hiệp và rất thích Mùi đồng quê. Ðọc xong và phán rằng tay này chơi được. Chắc chắn sẽ làm chuyến giang hồ vặt ghé qua nhà hắn xin chữ ký cho cuốn tản văn này.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Thế giới sách

    Tin cùng chuyên mục