25/03/2010 08:30 GMT+7

10 câu tư vấn đầu tiên về bệnh hen suyễn trẻ em

BaoChau
BaoChau

TTO - Gần 100 câu hỏi của bạn đọc đã gửi về Phòng mạch online của TTO để được Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN - trưởng khoa hô hấp BV Nhi đồng I TP.HCM - tư vấn chủ đề "Bệnh hen suyễn ở trẻ em". Những câu hỏi thiết thực nhất sẽ được BS Anh Tuấn trả lời trên TTO. Sau đây là 10 câu trả lời đầu tiên.

RGCM5KvW.jpgPhóng to
BS Trần Anh Tuấn điều trị bệnh nhi tại khoa hô hấp BV Nhi đồng I - Ảnh: Minh Đức

1. Khò khè kéo dài có phải hen suyễn?

* Con trai tôi gần năm tháng tuổi, từ lúc đó đến nay cháu rất hay khò khè. Đến bệnh viện khám và được cho uống thuốc nhưng không khỏi. Gần đây cháu ngủ không sâu vì bị chất dịch trong cổ làm khó thở. Triệu chứng của con tôi có phải bị hen suyễn? (Trần Kim Hoàng)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Khò khè chính là biểu hiện thường gặp nhất của hen suyễn. Tuy nhiên, “khò khè kéo dài" ở trẻ 5 tháng tuổi như con chị thì nên loại trừ các bệnh lý khác trước khi nghĩ đến hen suyễn.

Chẳng hạn: trẻ nhỏ bị nghẹt mũi cũng thường thở “khụt khịt” (chứ không phải “khò khè”). Trong trường hợp này chị có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé, sau đó làm sạch mũi cho bé nhiều lần. Nếu do nghẹt mũi trẻ sẽ bớt ngay. Đây là tình huống chúng tôi rất thường gặp trên thực tế, nhất là ở trẻ 2-3 tháng tuổi. Ở tuổi này các cháu thở chủ yếu bằng mũi, thế nhưng mũi các cháu lại còn hẹp và dễ bị nghẹt do các chất xuất tiết trong mũi.

- Loại trừ chứng “trào ngược dạ dày - thực quản” - vốn rất thường gặp ở trẻ nhỏ như con chị và cũng có thể cho biểu hiện tương tự hen suyễn.

Vì vậy, chị cần cho cháu đi khám chuyên khoa để:

- Xác định đúng là cháu khò khè hay chỉ là nghẹt mũi? Nếu là khò khè thì có phải đúng do suyễn không hay do các nguyên nhân khác?

- Xem trẻ có bị trào ngược dạ dày - thực quản hay không? Trong trường hợp này có thể cháu cũng cần được siêu âm bụng để chẩn đoán thêm.

Chúc cháu sẽ chóng khoẻ, mau ăn, chóng lớn!

2. Viêm tiểu phế quản (TPQ) có liên hệ đến hen suyễn không?

Con gái tôi 10 tháng tuổi và cháu bị ho bắt đầu từ lúc gần 5 tháng. Sáu tháng rưỡi cháu phát ban và từ đó ho không dứt - hiện cháu ho và không sốt. Có lúc dứt được một ngày rồi ho lại. Cơn ho như ho khan và ho nhiều về đêm. Khám tại BV các bác sĩ nhận định viêm TPQ cho thuốc, hết thuốc nhưng bé cứ ho.

Khi ngủ, cả ngày hay đêm, bé thường ra nhiều mồ hôi đầu, lưng và ngực. Bé luôn bị ho khi uống sữa. Cứ ngậm vào 10 giây là ho. Ho xong uống tiếp và ho tiếp. Về gia đình, ông ngoại bé bị suyễn. Liệu kiểu ho này bé có phải là hen suyễn? (Thuỵ Lam)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Qua nhiều bằng chứng khoa học người ta nhận thấy viêm TPQ và hen suyễn có liên hệ mật thiết với nhau. Ít nhất 30% trẻ bị viêm TPQ sẽ diễn tiến thành suyễn. Khả năng này càng cao nếu có tiền căn dị ứng hay hen suyễn trong gia đình, trẻ là con trai; có tình trạng hít khói thuốc lá thụ động rong nhà; trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu sau sinh...

Riêng đối với cháu chúng tôi xin có một số lời khuyên:

- Tránh triệt để khói thuốc lá.

- Tránh nuôi các loại thú có lông (chó, mèo,..) nơi trẻ sống và không cho trẻ chơi với các loại thú này.

- Chú ý làm sạch sẽ nơi trẻ ở, tránh bụi bặm, diệt sạch gián.

- Chú ý làm sạch mũi cho trẻ trước khi bú

- Nên cho cháu đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm hen suyễn (nếu có) và kiểm tra xem cháu có bị trào ngược dạ dày - thực quản hay không.

Chúc cháu sẽ chóng khoẻ!

3. Cách hạn chế những dị nguyên gây suyễn?

Tôi có con trai 11 tuổi. Cháu có đơn thuốc kháng sinh đầu tiên lúc 9 tháng tuổi với chẩn đoán viêm phế quản co thắt, cơ địa dị ứng.

Trong ba năm đầu dùng nhiều kháng sinh vì viêm phế quản. Sau đó được chẩn đoán hen, dùng thuốc chống tái phát, tiêm huyết tương kháng thể; làm xét nghiệm dị nguyên tại khoa dị ứng - BV Bạch Mai nhưng không tìm ra dị nguyên.

Phải qua 5 tuổi thì các đợt viêm phế quản mới dãn ra. Đến 7 tuổi cháu bắt đầu điều trị dự phòng hen (Flixotide) và cắt cơn hen tại Phòng tư vấn hen phế quản của BV nhi T.Ư, liều hiện tại là xịt 2 nhát (sáng, tối), cơn hen ít thấy (có đợt quá 6 tháng không có cơn).

Kết quả xét nghiệm dị nguyên mới ở khoa dị ứng - BV Bạch Mai là con bọ nhà. Hiện cháu vẫn thường xuyên có biểu hiện dị ứng như dụi mắt, ngứa mũi, mồ hôi nhiều khi vận động. Xin bác sĩ tư vấn hướng điều trị tiếp tục. (Trần Thị Mai)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Việc phòng ngừa hen cho con bạn gồm 2 phần quan trọng:

1/ Tránh xa những yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen. Đây là việc phải làm suốt đời và là điều thường … nói thì dễ, làm mới khó!

Bạn lưu ý có rất nhiều yếu tố khởi phát khác nhau mà bọ nhà (được ghi nhận nơi con bạn) chỉ là một yếu tố. Vì vậy bạn cũng cần lưu ý và giúp trẻ tránh những yếu tố khác, chẳng hạn: nhiễm trùng đường hô hấp (là yếu tố rất quan trọng ở trẻ em), thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, các chất gây dị ứng khác: phấn hoa, lông thú chó, mèo), gián, một số loại thức ăn, bụi nhà, các chất có mùi nồng, một số loại thuốc (nhất là Aspirin)

Riêng đối với bọ nhà có thể áp dụng một số biện pháp loại trừ sau:

- Trong nhà: không khói thuốc, không dùng thảm, giữ nhà cửa thoáng khí, kể cả nhà bếp và nhà tắm. Tránh nấu bếp bằng than củi, nếu được nên dùng bếp điện. Chú ý việc vệ sinh nhà cửa: tránh các ổ bụi bặm, nên dọn lau nhà với vải ướt, nên lau sàn nhà hơn là quét bằng chổi.

- Trong phòng ngủ không dùng thảm, dùng giường tổng hợp với gỗ, giặt giũ thường xuyên drap giường - gối, không dùng vải nhung len. Nên sắp xếp dọn dẹp phòng gọn gàng, tránh các ổ bụi. Chú ý thông gió phòng, hút bụi phòng và nệm mỗi tuần 1-2 lần. Nên giặt giũ chăn gối ở nhiệt độ 60oC, vệ sinh giường nệm thường xuyên (phơi nệm dưới ánh mặt trời). Nên dùng bao bọc chống thấm nước gối, nệm. Tuy vậy, bọ nhà thật sự khó diệt tận gốc và khả năng tái nhiễm sau đó cũng khá cao.

2/ Tiếp tục phòng ngừa và theo dõi tại BV Nhi, nhất là khi việc điều trị này đang rất hiệu quả.

Chúc cháu sẽ luôn khoẻ mạnh với sự quan tâm chăm sóc đúng mức của bạn.

4. Có văcxin phòng chống suyễn không?

Tôi lập gia đình và có 2 con: 1 cháu gái 8 tuổi đang học lớp 3; một cháu trai 6 tuổi đang học lớp 1, cháu gái bình thường nhưng cháu trai có bệnh hen suyễn. Ba vợ tôi có chứng hen suyễn này.

Tôi có một số câu hỏi sau: bệnh hen suyễn có di truyền hay lây nhiễm? Có văcxin phòng chống bệnh này? Trường hợp gia đình đi du lịch quên không mang theo máy xông khí dung mà nếu cháu lên cơn suyễn phải điều trị thế nào để cắt cơn suyễn? Bệnh hen suyễn có gây tử vong?Tại sao những lần cháu chạy nhảy, nô giỡn (mệt) nhiều thì sau đó dễ bị lên cơn suyễn? Có phải bệnh này dễ bị khi tiếp xúc với chó, mèo, bụi bặm? (Trần Nguyên Hưng)

-Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: 1/ Suyễn là bệnh có tính chất gia đình và di truyền nhưng hoàn toàn không phải bệnh lây nhiễm (truyền nhiễm)

- Hiện tại, không có văcxin phòng chống suyễn. Tuy vậy, bệnh nhân suyễn nên được tiêm phòng cúm và phế cầu vì bệnh nhân suyễn rất dễ nhiễm hai loại này và dễ trở nặng hơn.

- Bạn nên dùng dụng cụ hít định liều và có thể kèm theo buồng đệm cho trẻ nhỏ. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng tỏ nếu dùng đúng cách phương pháp này có hiệu quả tương đương xông khí dung.

- Mỗi lần bệnh nhân lên cơn suyễn là mỗi lần bệnh nhân đều đối diện với nguy cơ tử vong vì vậy cần phải được cắt cơn sớm, đúng cách ngay tại nhà.

- Đây là trường hợp hen do gắng sức - vốn rất phổ biến ở bệnh nhân hen: 70-90% bệnh nhân hen có tình trạng này. Hiện nay có những biện pháp phòng chống hen do gắng sức rất hiệu quả. Bạn có thể đưa cháu đến các phòng quản lý hen để được tư vấn cụ thể.

- Đúng là lông chó, mèo và bụi bặm là yếu tố quan trọng làm khởi phát cơn hen mà mỗi bệnh nhân hen đều phải tránh xa.

Video clip hướng dẫn sử dụng khí dung

5. Chỉ viêm họng có cần xông Ventolin?

Tôi có đứa con trai, năm 7 tuổi (lớp 1) bị bệnh ho kèm theo triệu chứng hen suyễn, năm nay 10 tuổi (lớp 4), bình thường không lên cơn hen nhưng cháu bị viêm họng hay thời tiết lạnh thì khi ngủ ban đêm cháu thở nghe rít.

Xin hỏi bình thường không có viêm họng hay không bị ho gì thì có cần cho cháu xịt thuốc Ventolin hay uống gì để phòng ngừa bị hen khó thở, nếu xịt như vậy hằng ngày có ảnh hưởng sức khỏe?

Nếu khi bị viêm họng hay ho thì ngoài thuốc trị viêm họng có cần xịt hay uống thuốc để giảm cơn khó thở? (Nguyễn Thị Thanh Thúy)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: 1/ Nếu thật sự cháu không lên cơn hen mà khi ngủ vẫn nghe tiếng thở rít bất thường thì bạn cần lưu ý một số nguyên nhân khác: viêm mũi dị ứng (vốn rất hay đi kèm với hen suyễn - sẽ làm trẻ nghẹt mũi khi ngủ), hoặc do amiđan quá to (quá phát).

2/ Ventolin là thuốc chỉ dùng cắt cơn hen mà thôi nên không dùng khi bệnh nhân chỉ bị viêm họng. Đây là thuốc an toàn, ít tác dụng phụ. Tuy vậy nếu bệnh nhân phải dùng nhiều thì không tốt, thậm chí là nguy hiểm không phải là do thuốc có tác dụng phụ mà chính là điều này thể hiện bệnh hen đang rất không ổn (không được kiểm soát tốt). Suyễn không được kiểm soát tốt chính là yếu tố dự đoán nguy cơ bệnh nhân phải đi cấp cứu, nhập viện thậm chí tử vong do cơn hen nặng.

3/ Hiện nay y học chưa thể trị dứt điểm hẳn bệnh hen, dù có một số bệnh nhi không có biểu hiện ở tuổi dậy thì. Vì vậy bạn vẫn nên tiếp tục chăm sóc cẩn thận cho trẻ như trước đây, cụ thể là vẫn nên giúp trẻ tránh những yếu tố khởi phát cơn hen và một năm 1-2 lần cũng nên cho cháu đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

6. Kiêng cữ thức ăn, máy lạnh và máy quạt?

Bé của tôi 2,5 tuổi, từ năm 1,5 tuổi bé bắt đầu bị hen suyễn, cứ tái lại liên tục, khoảng hơn 10 lần/ năm, trời lạnh cũng bị, trời nóng như bây giờ cũng bị suyễn. Tôi phải mua máy để xông thuốc ở nhà cho bé.

Tôi rất lo lắng trước tình trạng này, đã kiêng không cho bé ăn thịt bò, tôm cua. Xin bác sĩ tư vấn cách giữ bé khoẻ mạnh. Xin hỏi nên cho bé nằm quạt hay máy lạnh thì tốt hơn (thường tôi để nhiệt độ 25-26 độ), nhà tôi ở mặt tiền đường, hơi bị bụi, vậy có cần phải lắp đặt máy lọc không khí hay? Khói đốt nhang có ảnh hưởng đến tình trạng suyễn của bé? Bé ăn trứng vịt lộn được hay không? (Nguyen Thi Kieu Trang)

Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Bệnh nhân suyễn cần được chăm sóc và điều trị lâu dài, bao gồm:

Bạn cần lưu ý: Nhiễm trùng hô hấp là yếu tố quan trọng hàng đầu làm trẻ bị lên cơn. Vì vậy cũng tránh để cho trẻ bị nhiễm lạnh do việc sử dụng (có phần lạm dụng) quạt máy hay máy lạnh. Nếu dùng quạt không nên để trẻ nằm ngay luồng gió, chỉ nên dùng quạt như phương tiện làm không khí trong phòng được đối lưu để trẻ bớt nóng.

Nhiệt độ máy lạnh chỉnh trên remote thường chỉ có tính chất tương đối (do còn phụ thuộc nhiều tố khác) mà nên điều chỉnh theo nhiệt độ phòng (thường 26-27oC là vừa phải), nghĩa là bạn nên dùng thêm một nhiệt kế khác để điều chỉnh sao cho phù hợp)

Thật ra dị ứng thức ăn chỉ gặp trong 5-10% trường hợp trẻ mắc bệnh suyễn. Vì vậy chỉ nên tránh cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thật sự dị ứng.

Khói nhang là một trong yếu tố có thể làm khởi phát cơn suyễn cần tránh.

Nếu có điều kiện lắp đặt máy lọc không khí thì đây cũng là một biện pháp tốt nhưng có điều sẽ tốn kém.

- Phòng ngừa bằng thuốc (khi được chỉ định): Nếu từ 1 năm nay bé cứ bị tái lại liên tục, (khoảng hơn 10 lần/ năm) thì nhất thiết cháu phải được dùng thuốc phòng ngừa hàng ngày. Vì vậy, bạn nên đưa cháu đến các phòng khám hen suyễn để được chỉ định và hướng dẫn chi tiết.

7. Chỉ cần dùng máy xông tại nhà?

* Con em nay 8 tháng tuổi hay bị viêm phổi và đã nằm viện NĐ hai lần, bé hay bị ho, khò khè, BS bảo viêm phổi, và thường xuyên tái phát. Vậy em muốn mua máy xông khí dung về nhà cho bé được không BS, và mỗi lần xông thì em nên lấy toa thuốc như thế nào? Em tính mua mấy lần rồi nhưng có BS lại bảo không nên tự xông cho bé, em băn khoăn quá, xin BS cho em một lời khuyên.

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Nếu trẻ hay bị ho và khò khè thì có khả năng trẻ đã mắc bệnh hen suyễn. Và nếu trẻ mắc bệnh suyễn - thường xuyên tái phát - trẻ cần được chủ động phòng ngừa suyễn cẩn thận hơn là chỉ thụ động xông thuốc cắt cơn khi lên cơn.

Việc điều trị phòng ngừa này bao gồm: (1) Tránh những yếu tố có thể làm khởi phát cơn suyễn, (2) Phòng ngừa bằng thuốc (khi được chỉ định)

Chính vì thế bạn nên cho trẻ đến khám phòng khám hen để xác định chính xác chẩn đoán để có biện pháp điều trị thích hợp, hiệu quả.

Riêng thuốc xông bạn đề cập hoàn toàn không có hiệu quả gì trong trường hợp viêm phổi thật sự.

8. Có nên tin vào đo hô hấp ký?

- Năm 2009 sau khi con gái tôi (6 tuổi) ho nhiều, đêm thở khò khè, tôi cho đi đo hô hấp ký ở BV ĐH Y Dược và BS kết luận hen cấp độ 4 và cho thuốc xịt serities 25/125 xịt ngày 4 lần.

Cháu có bớt nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn ho lại. Sau hai lần hết thuốc tôi có đưa cháu đến phòng mạch tư. Ở đây BS cũng kết luận bị hen nhưng nói không đến cấp độ 4, vì cấp độ 4 chỉ có ngồi thở thôi và đưa ra một phác đồ điều trị khác như cho thở máy và uống 21 viên thuốc của Mỹ trong 21 ngày... Nhưng không BS nào khẳng định chữa khỏi hẳn.

Tôi xin hỏi con tôi bị hen ở mức độ nào? Và điều trị theo phương pháp nào thì tốt nhất? Một số bài thuốc dân gian như ăn nhện nướng, hoặc đốt xương hổ để ngửi có đúng không? (Phạm Đức Toàn)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Chúng tôi rất hiểu và thông cảm với lo lắng của bạn.

Phân bậc suyễn dựa trên nhiều cách: chủ quan (dựa vào các triệu chứng ban ngày, ban đêm chẳng hạn) hay khách quan (đo hô hấp ký). Nếu hô hấp ký được đo và phân tích kết quả đúng mức thì sẽ là cơ sở khách quan, chính xác cho biết mức độ thật sự của bệnh.

Đúng là y học hiện đại, cả tây y lẫn đông y, đều chưa thể chữa dứt hen suyễn. Tuy vậy, hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt hen suyễn, vì vậy bạn cũng không nên quá lo âu, nhất là khi trên thực tế cháu cũng đã bớt nhiều khi được phòng ngừa bằng thuốc.

Riêng tây y hiện nay đã có phác đồ điều trị chuẩn cho toàn thế giới, trong đó đã có những hướng dẫn lựa chọn các phương pháp, các loại thuốc đã được minh chứng có hiệu quả nhất hiện nay. Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ hiệu quả của các bài thuốc dân gian mà bạn đã nêu. Riêng với nhện nướng, gần đây đã có bài báo phân tích rất rõ trên báo Tuổi Trẻ mà bạn có thể tìm đọc lại được.

9. Những dấu hiệu nào phải cấp cứu trẻ ngay?

Tôi ở Tân Châu, An Giang. Con tôi lúc nhỏ đã quen ngủ có quạt, nếu không sẽ ra mồ hôi và nóng nực không ngủ được, nửa đêm cháu thường hay ho và thở khò khè , đi bác sĩ lấy thuốc uống thì hết được một thời gian, sau đó lại bị.

Cách nay khoảng một tháng nửa đêm cháu khó thở. Như vậy có phải hen suyễn chưa? Làm gì khi trẻ lên cơn? Bệnh này có thể trị hết hẳn? Xin hướng dẫn phòng bệnh và nơi trị bệnh tốt nhất. (Nguyễn Hữu Nhân)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Qua trình bày của bạn khả năng cháu mắc bệnh hen suyễn là khá cao. Vì vậy, tốt nhất bạn có thể đưa cháu đến BV Đa khoa Long Xuyên chẳng hạn để được chẩn đoán và xác định cách điều trị thích hợp.

Khi trẻ lên cơn, cần nhanh chóng cho trẻ sử dụng thuốc cắt cơn (tốt nhất ngay tại nhà) bằng các thuốc dạng hít hay xông khí dung. Bên cạnh đó cũng cần chú ý phát hiện các dấu hiệu cần đưa trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay. Đó là khi trẻ có một trong những biểu hiện sau: tím tái môi hay đầu ngón tay, thuốc cắt cơn không có tác dụng hay chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, trẻ nói năng khó ngọc, phải ngồi thở, co kéo vùng xung quanh sườn và cổ khi thở, cánh mũi phập phồng.

Hiện nay y học hiện đại, cả tây y lẫn đông y, đều chưa thể chữa dứt hen suyễn. Tuy vậy, hiện nay với nhiều biện pháp điều trị khác nhau, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt hen suyễn, nghĩa là có thể giúp bệnh nhân ít hay không lên cơn, không nhập viện và có thể có cuộc sống, sinh hoạt, làm việc bình thường, thậm chí có thể gắng sức, chơi thể dục thể thao như mọi người khác.

Hen suyễn là bệnh cần được theo dõi lâu dài vì vậy bạn nên chọn nơi có phòng khám chuyên khoa hen suyễn gần nơi cư ngụ của mình nhất. Trong trường hợp khó chẩn đoán hay đã điều trị nhưng chưa có kết quả tốt mới nhất thiết phải đến bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối (như BV Nhi Đồng 1 &2, BV Đại học Y dược TP.HCM).

10. Thai phụ bị cảm lạnh, ho... thì thai nhi có khả năng bị bệnh hen suyễn sau này? (Lê Thị Thúy Vân)

- Th.S, BS TRẦN ANH TUẤN: Nếu chỉ là ho cảm lạnh thông thường và không có yếu tố đặc biệt nào khác thì bạn không nên quá lo lắng về chuyện này

TTO thực hiện

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên