29/09/2015 12:02 GMT+7

Bé trai 8 tuổi bỏng nặng hai chân vì rớt xuống hố tro

L.TH.H
L.TH.H

TTO - Bệnh nhi là bé Diệp Tấn Tài (8 tuổi, ngụ Đồng Tháp), gặp tai nạn trong lần về quê ngoại chơi. Khi đi trên đê, do tránh xe máy chạy qua em đã bị té xuống hố tro còn cháy âm ỉ.

Bé Diệp Tấn Tài đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Ngày 29-9. Ảnh: L.TH.H
Bé Diệp Tấn Tài đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 Ngày 29-9. Ảnh: L.TH.H

Theo thông tin từ gia đình bé Tài, khi té xuống em đã tự mình vượt qua hố tro này. Khi các bạn nhìn thấy chạy về báo thì người nhà mới đến.

Khi phát hiện Tài bị bỏng, người nhà cũng không biết sơ cứu gì mà đưa bé về nhà, sau đó chở em đến Bệnh viện Sa Đéc bằng xe gắn máy. Nằm viện ở đây một ngày, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Ngày 29-9, bác sĩ CKI Phan Vũ Bảo - quyền trưởng khoa phỏng tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết bé Tài nhập viện ngày 3-8 trong tình trạng sốc phỏng nặng.

Toàn bộ đùi, cẳng, bàn chân của hai chân bị phỏng lửa tro độ 3, độ 4, diện tích phỏng khoảng 28% diện tích da cơ thể, các ngón chân bị cháy sâu, có ngón cháy đen.

Tình trạng phỏng của bé được đánh giá có nguy cơ phải cắt cụt chi, nhiễm trùng máu để cứu tính mạng bệnh nhi.

Tuy nhiên, nhiều lần bác sĩ lên kế hoạch mổ sớm để cắt lọc mô hoại tử nhằm cứu đôi chân không bị cắt bỏ, bảo toàn tình mạng cho bé đều bị hoãn lại do cháu bị nhiễm trùng vết phỏng nên sốt rất cao (hơn 39oC), gây mê sẽ không an toàn.

Phải sau một tuần nhập viện bé mới được mổ cắt lọc mảng mô hoại tử lần đầu.

Đến nay bé đã được mổ cắt lọc các mô hoại tử bốn lần, được điều trị bằng kháng sinh phối hợp, liều cao, thay băng, chăm sóc vết phỏng mỗi ngày…nên các vết phỏng đã ổn hơn.

Tổng trạng bệnh nhân hiện khá hơn, tình trạng nhiễm trùng đã được khống chế, nguy cơ phải cắt bỏ hai chân không còn. Tuần sau bé sẽ được ghép da để che phủ các vùng mô hoại tử đã được cắt lọc.

Sau gần hai tháng nhập viện, chi phí điều trị cho bé hết hơn 130 triệu đồng và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán hầu hết.

Cần sơ cứu ngay người bị bỏng

Theo bác sĩ Vũ Bảo, khi có người bị phỏng cần được kịp thời sơ cứu ngay trong vòng một giờ kể từ lúc bị phỏng bằng cách dội nước sạch (nước máy, nước giếng…) lên vùng da bị phỏng.

Nếu có điều kiện thì dùng miếng drap, khăn sạch che lên vết phỏng rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đi bệnh viện cấp cứu ngay.

L.TH.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên