23/12/2010 08:19 GMT+7

Làm gì để sinh con khỏe mạnh?

TTO thực hiện
TTO thực hiện

TTO - 577 thắc mắc của bạn đọc đã gửi đến chương trình trao đổi trực tuyến “Cần chuẩn bị những gì để sinh con khỏe mạnh?” trên Tuổi Trẻ Online sáng nay 23-12.

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài - trưởng chủ nhiệm bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM; bác sĩ Vũ Thị Nhung - nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương; TS. BS Lê Thị Thu Hà - phó phòng khám bệnh viện Từ Dũ TP.HCM; Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh - trưởng khoa khám bệnh A Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM - sẽ tham gia buổi giao lưu để trả lời những thắc mắc của bạn đọc.

vpSym6p4.jpgPhóng to
Toàn cảnh buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Minh Đức

NỘI DUNG TƯ VẤN:

* Em mới có em bé được hơn hai tháng vậy mà tối nào em cũng đi tiểu đêm, mỗi đêm đi một lần và cột sống lưng thì bị đau, mỏi hơn cả tháng nay, không biết có bị sao không?(Hoàng Ân, 27 tuổi, quyen_@)

* Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh - trưởng khoa khám bệnh A Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM

Mỗi đêm đi tiểu một lần là giới hạn cho phép với mọi người

Sau thời gian mang thai, cột sống và cơ vùng cột sống phải làm việc nhiều để đỡ trọng lượng của khối bụng phía trước, do đó đau lưng trong và sau lúc mang thai là điều rất hay xảy ra. Cần nằm nghỉ ngơi nhiều, xoa bóp, dùng các thuốc giảm đau nếu cần, tập một số động tác thể dục giúp tăng cường khả năng vận động vùng lưng.

* Tôi mới mang thai lần đầu, nghe những người từng sinh con kể lại tôi thấy cơn đau đẻ rất khủng khiếp. Tôi sợ mình sẽ không chịu nổi được cơn đau đó. Tôi đọc trên mạng thấy các bệnh viện lớn như các bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ đã triển khai phương pháp "đẻ không đau".

Có phải thai phụ nào cũng có thể áp dụng được phương pháp này? Sinh con theo phương pháp này có gây ra những nguy hiểm gì cho thai phụ hoặc em bé? Muốn sinh con theo phương pháp này khi đến bệnh viện cần phải làm những thủ tục gì?(thu hoai, 30 tuổi, thuhoai@)

- Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Khi vào cuộc chuyển dạ sẽ có những cơn gò của tử cung gây đau, chính cơn gò này làm cổ tử cung mở dần, em bé được đưa vào đúng trục của ống sinh dục, xuống dần và dễ dàng để được sinh ra. Như vậy, muốn sinh được, phải có gò tử cung và nhất thiết phải có đau.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Cuộc chuyển dạ có hai thì, thì một gọi là thì chậm, lúc này cơn gò đều đặn, từ nhẹ đến vừa phải, khoảng 3 cơn trong 10 phút, thời gian có thể từ nửa ngày đến một ngày.

Sang thì hai là thì nhanh (còn gọi là thì hoạt động), từ lúc cổ tử cung mở được 4cm, đến khi mở hoàn toàn và sẵn sàng cho bé chào đời. Ở thì này cơn gò mạnh hơn, nhiều hơn và gây đau nhiều hơn. thì này kéo dài khoảng vài tiếng. Con so sẽ có thời gian chuyển dạ kéo dài hơn con rạ

Phương pháp "Đẻ không đau" hay còn gọi là gây tê sản khoa, là cách dùng thuốc tê bơm vào vùng quanh tủy sống, nhằm làm giảm cảm giác đau, tuy cơn gò tử cung vẫn xảy ra như cơ chế nói trên. Thường sẽ thực hiện vào thì chuyển dạ nhanh. Đây là phương pháp an toàn và hiệu quả, hầu như không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào đáng kể.

Khi áp dụng phương pháp, bà mẹ sẽ hoàn toàn không còn cảm giác đau, cơn gò tử cung sẽ được theo dõi bằng máy theo dõi sản khoa, và được điều chỉnh sao cho phù hợp với chuyển dạ. Khi các điều kiện sinh đã đủ, bà mẹ sẽ được hướng dẫn rặn sanh, nếu có khó khăn sẽ được giúp sinh bằng dụng cụ, nếu không sinh được phải mổ, bà mẹ sẽ được chuyển sang mổ, đường thuốc gây tê cũ sẽ được dùng tiếp tục trong lúc mổ. Với em bé hoàn toàn không có bất lợi gì do phương pháp gây ra.

Khi vào phòng sinh bạn chỉ cần báo cho nhân viên y tế về ý định gây tê giảm đau, hầu như không có chống chỉ định đối với phương pháp

* Tôi mang thai được 8 tuần. Do vỡ kế hoạch nên có thai, do đó tôi chưa chuẩn bị tâm lý cho việc mang thai nên chưa chích ngừa và khám sức khoẻ trước khi mang thai. Xin hỏi nếu khi sinh con có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của thai nhi và mẹ không?(Nguyễn Thị Hoàng Yến, 34 tuổi, nguyenthihoangyen35@)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung - nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: Để có thể yên tâm là mình không mắc bệnh gì có thể lây truyền cho con trong khi mang thai hoặc không mắc những bệnh không cho phép có thai (đau tim nặng, lao phổi đang điều trị, suy gan, suy thận...), người phụ nữ thường đi kiểm tra sức khỏe để được bác sĩ chuyên khoa khám và tư vấn. Nếu cần điều trị trước khi có thể có thai thì sẽ được điều trị ngay.

Như vậy, khi tình trạng sức khỏe ổn định, họ sẽ có thể để có thai. Họ có thể chủng ngừa các bệnh Rubella, thủy đậu, quai bị trước khi có thai nhưng cũng không nhất thiết phải chủng trước nếu không có điều kiện.

Riêng chủng ngứa uốn ván thì trong thai kỳ sẽ được chủng hai lần. Vì thế, nếu bạn đã có thai rồi thì cứ yên tâm khám thai định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa sản để được theo dõi. Nếu có chuyển biến gì bất thường bạn sẽ được khám và điều trị sớm. Đa số trường hợp như bạn đều diễn tiến tốt đẹp. Chúc bạn nhiều sức khỏe và mẹ tròn con vuông.

* Xin cho biết chế độ dinh dưỡng cho giai đoạn thai nhi được 27 tuần tuổi trở đi. Có cần uống bổ sung canxi và viên sắt? Nếu có thì uống bao nhiêu? Vì vợ tôi thỉnh thoảng bị chóng mặt và chuột rút nhẹ (Vợ tôi đang mang thai lần đầu, 26 tuổi, thai đã được 27 tuần tuổi) Trân trọng cảm ơn!(Nguyễn Quốc Huy, 32 tuổi, huythacda@)

- Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Viên sắt và canxi là hai loại mà các bà bầu đều rất cần.

Vào tuổi này của thai nhu cầu của trẻ khá cao nên việc bổ sung là rất cần thiết. Viên sắt bổ sung nên dùng một viên mỗi ngày là vừa đủ, uống nhiều quá sẽ gây khó chịu đường tiêu hóa (xót ruột, đi tiêu phân sệt, lỏng ...). Nhu cầu sắt bổ sung là 60mg/ngày và 400mcg acid folic, hầu hết các viên sắt bổ sung cho bà bầu trên thị trường đều đạt được nồng độ này

Với canxi, nhu cầu bổ sung và 1.000-1.200mg/ ngày. Có thể dùng viên canxi bổ sung, hoặc dùng sữa thêm. Khi dùng sữa, ngoài canxi còn thêm được các chất bổ dưỡng khác như chất đạm, chất béo. Tuy nhiên, có những bà bầu đã dư cân hay quá cân thì chỉ nên dùng riêng canxi.

Chóng mặt có thể do thiếu máu (thiếu sắt) hay chỉ là triệu chứng rối loạn tiền đình của bà bầu, nếu chóng mặt thường xuyên thì nên kiểm tra. Chuột rút là tình trạng hay gặp, cũng có thể do thiếu canxi hoặc thiếu rau xanh.

* Tôi có bầu được 5 tháng. Rất nhiều người khuyên nên mua trứng ngỗng để ăn vì em bé sẽ thông minh. Không biết điều này có đúng?(phuc thao, 29 tuổi, phucthao@)

- TS. BS Lê Thị Thu Hà - phó phòng khám bệnh viện Từ Dũ TP.HCM: Chế độ dinh dưỡng ở người mang thai tốt nhất là có sự cân đối giữa các thành phần đạm, đường, chất béo, các loại vitamin, chất xơ và muối khoáng. Trứng ngỗng có một số thành phần như đạm, chất béo và một vài vitamin. Tuy nhiên do trứng ngỗng quá lớn, nếu ăn một quả trứng ngỗng là thai phụ đã no và không thể ăn thêm các chất khác như đường và các chất xơ.

Trứng gà cũng có thành phần như đạm, chất béo và các vitamin, nếu thai phụ ăn một quả trứng gà còn có thể ăn thêm những thức ăn khác để đủ các thành phần trong tháp dinh dưỡng. Em bé có thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng của người mẹ, di truyền, sinh đủ tháng hay không, môi trường sống cũng như giáo dục sau này.

* Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến ngày dự sinh của tôi. Khi đi khám bác sĩ nói thai nhi của tôi đã nặng 3,3 kg. So với thời gian trước khi mang thai, cân nặng của tôi đã tăng lên 15kg. Thời gian này mỗi lần đi lại tôi thấy vùng háng của mình rất đau. Tôi có bệnh gì không hay do thai nhi lớn làm vùng háng bị đau? (nguyen hang, 30 tuổi, nguyenhang)

- TS. BS Lê Thị Thu Hà: Khi thai đến gần ngày sinh các khớp vùng chậu của thai phụ giãn nở, do vậy các chị em có cảm giác đau vùng xương vệ, khớp háng. Triệu chứng đau này mất đi sau khi sinh. Trong trường hợp đau quá nhiều ảnh hưởng đến việc đi lại hoặc vận động, bác sĩ sẽ dùng một số thuốc giảm đau không ảnh hưởng đến thai kỳ. Hạn chế vận động hoặc đi lại cũng là một trong những cách điều trị trong trường hợp này.

* Trong thời gian mang thai tôi có đi xông hơi hay mátxa được không?(hoa hong, 26 tuổi, hoahong@)

* BS Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Xông hơi hay mát xa đều có thể thực hiện được lúc mang thai, tuy nhiên không nên thực hiện trong thời gian quá lâu, dễ làm cảm lạnh

* Từ lúc mang thai lúc nào tôi cũng cảm thấy buồn ngủ, giống như nghén ngủ vậy. Mỗi ngày tôi phải ngủ đến 10 giờ đồng hồ. Ngủ nhiều trong thời gian mang bầu có ảnh hưởng gì hay không?(bachhop, 31 tuổi, bachhop@)

- Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Đây là hiện tượng tự nhiên, nếu có điều kiện bạn nên ngủ theo nhu cầu, tuy nhiên cũng nên phân bố thời gian ngủ cho phù hợp, nhằm tránh việc ngủ quá nhiều vào ban ngày, và đến đêm thì không thể nào ngủ được do đã ngủ đủ. Lúc đó bạn lại lo lắng là mất ngủ ban đêm

* Tôi mang thai con đầu lòng, rất chú ý sức khỏe và khám thai định kỳ đều đặn. Gần đây tôi hay bị trằn bụng, thỉnh thoảng đau lâm râm bên trái hoặc bên phải bụng. Trong ngày đôi khi có cảm giác cứng bụng, nhất là ban đêm. Đi khám BS nói bình thường nhưng tôi thấy không yên tâm. Xin hỏi các dấu hiệu như vậy có đáng ngại? Tôi phải làm sao để giảm các dấu hiệu đó? (Bình An, 29 tuổi, binhan_kg@)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài - trưởng chủ nhiệm bộ môn sản Đại học Y dược TP.HCM: Xin lỗi tôi không thể giải thích một cách rất rõ ràng khi chị không nói rõ tuổi thai. Nếu thai ở 3 tháng đầu chị nên đến gặp bác sĩ vì sẽ có nguy cơ sẩy thai. Nếu thai ở 3 tháng cuối (lớn hơn 30 tuần) thì cảm giác trằn bụng hay cứng bụng nhưng không có triệu chứng đau thì dấu hiệu đó không lo lắng nhiều. Cảm giác cứng bụng sẽ giúp đầu thai nhi lọt xuống tiểu khung tốt hơn. Mong chị yên tâm!

* Xin bác sĩ cho biết vài chỉ số cơ bản khi thai nhi 27 và 28 tuần cần đạt (cân nặng, chiều dài xương đùi, chiều dài xương cánh tay, BPD, HC, KT hố sau, KT não thất bên, KT tiểu não...) Nguyễn Quốc Huy, 32 tuổi, huythacda@...)

- Th.S - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Khi đo đạc các chỉ số của thai nhi, chúng tôi sẽ so sánh với bản tiêu chuẩn của thai vào độ tuổi này. Các giá trị này có một độ biến thiên và nếu chỉ số đo được không nằm dưới 5% của bảng là đạt. Bảng bày chúng tôi gọi là bảng bách phân vị của các chỉ số đo lường.

Khi bạn nhìn vào kết quả siêu âm, cũng sẽ thường gặp các trả lời như kết quả đo đạt nằm vào khoảng của bản bách phân vị (ví dụ nếu là 50, 60,70 ...) của tuần tuổi thai. Khi chỉ số nằm dưới 10% là đã có tình trạng suy dinh dưỡng thai, dưới 5% là suy dinh dưỡng nghiêm trọng, tiên lượng sống còn của thai kém.

Các chỉ số đo về não như bạn đề cập nhằm mục đích xem xét có bất thường ở não không, ví dụ có dãn não thất, có các cấu trúc bất thường, có hiện diện đủ các cấu trúc bình thường phải có của não không...

* Vợ tôi đang có bầu 3 tháng. Tôi rất lo lắng vì công việc của cô ấy rất căng thẳng và luôn phải làm việc trên máy vi tính. Thai phụ phải ngồi nhiều trên máy vi tính và làm việc căng thẳng có ảnh hưởng gì đến em bé sau này?(nguyenhoang, 33 tuổi, nguyenhoang)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Có một nguyên tắc áp dụng cho những người làm việc trên máy tính là không được ngồi liên tục để tránh ảnh hưởng đến mắt. Mỗi 45 phút thì nên ra ngoài nghỉ khoảng 10 phút để khỏi mỏi mắt.

Riêng đối với người có thai thì càng nên vận động, tránh ngồi lâu một chỗ vì máu lưu thông kém sẽ dễ bị phù chân. máu không lưu thông tốt thì sự cung cấp máu cho thai nhi cũng bị ảnh hưởng. Khi có thai thì tránh thức khuya, tránh căng thẳng vì sẽ có thể sinh non. Vì thế, bạn nên khuyên cô ấy làm việc điều độ, tránh làm việc quá sức, tránh ngồi liên tục trên máy tính thì mọi việc sẽ tốt đẹp.

* Em thường cảm thấy hơi đau đau ở bụng dưới, thời gian đau rất ngắn, ngoài ra không có bất thường nào khác. Xin cho em hỏi đau như vậy có phải là có vấn đề gì? Em đang mang thai 15 tuần.(Nguyen Thuy Trang, 26 tuổi, chauchau317@gmail.com)

* Th.s - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Trong những tháng đầu mang thai thường thai phụ hay có cảm giác đau chằng nhẹ vùng bụng dưới.

Nếu tình trạng này xuất hiện thường xuyên, cơn đau kéo dài vài phút, nhất là nếu có kèm ra máu thì nên đi khám ngay.

* Tôi đang mang thai 4 tháng. Trong thời gian này tôi có nên dùng kem chống nứt da để thoa lên vùng bụng hay không? Thoa kem chống nứt da mỗi ngày có đảm bảo vùng bụng sau này sẽ không bị dãn, nứt? (honghanh, 32 tuổi, honghanh@)

- TS. BS Lê Thị Thu Hà: Rạn nứt da ở thai phụ là do tình trạng đứt các sợi collagen nằm dưới da. Rạn nứt da có mang tính di truyền. Khi rạn nứt nhiều làm cho thai phụ có cảm giác nóng rát, ngứa gây khó chịu. Tình trạng rạn nứt da thường xảy ra khi bụng căng, xuất hiện vào tháng thứ 7 thai kỳ trở đi.

Việc dùng "kem chống nứt da" để thoa lên da vùng bụng không đảm bảo được việc chống tình trạng đứt các sợi collagen nằm dưới da, do đó không thể đảm bảo sau này da vùng bụng không bị rạn nứt. Kem chống nứt da có tác dụng giảm cảm giác nóng rát & ngứa cho thai phụ và làm cho thai phụ có cảm giác dễ chịu hơn.

* Kính chào bác sĩ, ngày 22-11-2010, lúc này thai của em được 11 tuần, em trai của em phát hiện bị Rubella, trước khi phát bệnh em đã nói chuyên với em trai mình. Em đã làm xét nghiêm rubella ngày 24-11-2010. Kết quả như sau: IgM: NEG S/CO=0.273 ( trị số bình thương <0.8 index,S/CO<1) IgG POS 110 ( trị số bình thương <10ul/ml).

Sau 2 tuần (ngày 8-12-2010), em đã làm xét nghiệm lại theo yêu của bác sĩ và em nhận được kết quả như sau: igM : NEG S/CO=0.268 (trị số bình thường <0.8 index,S/CO<1) IgG: 124.9 ( trị số bình thường <10ul/ml), bác sĩ kết luận rằng em đã bị tái nhiễm do IgG tăng lên (lần 1 , IgG 110) và bảo em theo dõi thai kỳ sát sao. Thưa bác sĩ, kết luận của bác sĩ đó là có đúng? Em có bị tái nhiễm Rubella? (Nguyen Thuy Trang, 26 tuổi, chauchau317@...)

- Th.s, BS Đặng Lê Dung Hạnh: Em không có sốt phát ban, IgG lần 1- 110, lần 2 sau 2 tuần là 124, tăng không đáng kể. Điều này cho thấy em đã từng bị nhiễm Rubella trong quá khứ nên đã có miễn nhiễm. Rubella thường rất ít tái nhiễm, nếu có tái nhiễm thì khả năng ảnh hưởng thai lúc đó hầu như không có. Do đó, em hoàn toàn có thể yên tâm về tình trạng thai hiện tại

* Tôi nghe nói thai phụ rất dễ mắc các bệnh về răng miệng trong thời gian mang thai? Tại sao lại như vậy. Khi mắc các bệnh răng miệng trong thời gian mang thai thì có điều trị được không? Có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?(thuy tien, 26 tuoi tuổi, thuytien)

YN1Y5W0r.jpgPhóng to
Bác sĩ Vũ Thị Nhung - Ảnh: Minh Đức

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Thai phụ dễ mắc bệnh răng miệng vì những lý do sau đây:

- Khi bị nghén, họ thường bị nôn ói. Dịch vị có tính acid sẽ dễ làm mòn răng.

- Thai phụ thường ăn vặt, ăn nhiều nên thức ăn bám vào rẳng sẽ tạo điều kiện cho sâu răng.

- Thiếu calci do nhu cầu calci trong lúc mang thai tăng hơn bình thường.

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu người mẹ mang thai bị sâu răng thì có thể dễ bị sinh non. Con của họ sau này cũng dễ bị viêm nướu răng, sâu răng. Do đó, trước khi có thai nên đi khám răng miệng để chữa trị trước thì tốt hơn là để phải điều trị trong khi đang mang thai.

Thai phụ cần thường xuyên làm vệ sinh răng miệng nhất là sau khi ăn thức ăn ngọt. Nếu bệnh răng miệng nặng thì vẫn phải điều trị nhưng phải lưu ý về những loại thuốc dùng cho người mang thai. Có những loại kháng sinh chống chỉ định khi mang thai như thuốc Tetracycline, Quinolone, chloramphenicol...

* Cho em hỏi có thai đến tháng thứ mấy thì không thể quan hệ được nữa?(duong thi diem, 24 tuổi, duongdiemmong1987@...)

- TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Việc quan hệ tình dục trong thai kỳ vẫn có thể. Ngoại trừ một số trường hợp sau: dọa sẩy thai, dọa sinh non, tiền căn hở tử cung, nhau tiền đạo, thụ tinh trong ống nghiệm.

Khi mang thai trong 3 tháng đầu đa số thai phụ bị nghén nhiều, cơ thể mệt mỏi làm cho thai phụ không thấy hứng thú trong việc quan hệ. Bước qua ba tháng giữa thai kỳ, các chị em thấy người khỏe hơn, các nột tiết của thai kỳ giúp cho thai phụ tăng cảm hứng trong việc quan hệ tình dục. Đến 3 tháng cuối, do bụng lớn, việc quan hệ có phần khó khăn. Tùy theo tình trạng sức khỏe và nhu cầu mà các chị em có thể hoạt động tình dục.

Một điều lưu ý khi quan hệ tình dục ở người mang thai là cần phải hết sức nhẹ nhàng, tránh những tư thế mạnh bạo. Vệ sinh khi giao hợp cũng cần lưu tâm. Sự âu yếm, vuốt ve của người chồng là điều cần thiết. Hai tuần lễ trước ngày dự sinh nên hạn chế quan hệ. Nếu có hiện tượng viêm nhiễm đường sinh dục thì nên đi khám để được điều trị phù hợp.

* Chào bác sĩ. Tôi đang có thai tháng thứ 4. Trước khi có thai tôi có uống thuốc bổ sung vitamin & acid folic 2 tháng (Omnibionta) và vẫn uống đều đặn đến thời điểm hiện tại. Tôi dự định sẽ uống cho đến khi hết cho con bú. Như vậy có tốt không?

Trước khi có thai 2 tháng tôi bị viêm đường tiết niệu nhẹ, đã điều trị bằng kháng sinh trong 1 tuần dứt hoàn toàn và đã bị cảm 2 lần. Khám thai định kì hằng tháng, kiểm tra máu, bác sĩ nói em bé rất khỏe mạnh.

Tuy nhiên tôi vẫn rất lo lắng không biết liệu việc viêm đường tiết niệu và bệnh cảm của tôi có gây ảnh hưởng gì đến con tôi? Liệu có phương pháp nào kiểm tra chắc chắc sức khỏe thai nhi? Tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ.(Uyen Pham, 28 tuổi, uyenpham1016@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Vấn đề sử dụng Acid Folic rất cần trong 3 tháng đầu thai kỳ để hạn chế bất thường về dị tật ống thần kinh. Sau tháng thứ ba thì bổ sung Acid Folic trong viên Obimin là đủ vì lúc này chỉ cần 1/10 lượng Acid Folic so với 3 tháng đầu là đủ, cộng thêm với Acid Folic từ thực phẩm như rau xanh và ngũ cốc.

Tần suất viêm đường tiết niệu trong thai kỳ cao hơn người bình thường, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên bệnh lý này được phát hiện qua những lần khám thai bằng tổng phân tích nước tiểu hoặc cấy trùng tiểu nếu cần. Thường nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ ít ảnh hưởng trong thai nhi.

Riêng về bệnh cảm (nhiễm siêu vi) chỉ lo lắng trong ba tháng đầu, nhưng nếu thai phụ có sốt nên đến gặp bác sĩ để loại trừ những siêu vi có thể ảnh hưởng trong thai. Tóm lại 2 bệnh lý mà chị lo lắng trên thai hơn 4 tháng thường ít ảnh hưởng trong giai đoạn sau của thai kỳ.

* Những dấu hiệu bất thường nào trong thời gian mang thai cần phải đến bệnh viện ngay? Làm sao có đủ sức khỏe vượt qua cơn đau “vượt cạn?… (NGUYỄN HOÀNG MINH QUÂN, 25 tuổi, nhminhquan85@...)

- Ths. BS Đặng Lê Dung Hạnh: Khi thấy có các dấu hiệu sau thì nên đi khám cấp cứu ngay

  • Đau bụng, thấy bụng cứng
  • Ra máu cần phải dùng băng vệ sinh
  • Mệt xỉu, lả người
  • Huyết áp tăng cao (hơn 14/9cmHg)
  • Hoa mắt, nhìn mờ
  • Thay đổi tri giác
  • Ra nước vùng kín
  • Sốt cao, nhất là nếu có lạnh run

Khi thấy có các dấu hiệu sau thì nên đi khám

  • Đau bụng khi chưa đến ngày sinh
  • Ra máu vùng kín
  • Chóng mặt, nhức đầu
  • Phù tay, mặt
  • Tiểu ít
  • Thai máy ít

Ngoài ra, cũng cần biết dấu báo chuyển dạ để đến bệnh viện kịp thời:

  • Đau bụng (gần hay đã đến ngày dự sinh), cơn đau đều đặn, 1-2 cơn / 10 phút, thường xuyên trong vòng 30 phút.
  • Ra nhớt hồng vùng kín.

Khi đã quá ngày dự sinh thì nên đi khám ngay, đừng chờ thêm nữa.

* Xin bác sĩ cho biết trong thời gian mang thai bình thường thì đi khám bao nhiêu lần là đủ và gồm có những lần chích ngừa nào, vào thời điểm nào?(Thuy Phuong, 30 tuổi, ngphthuy2010@...)

- Th.s BS Đặng Lê Dung Hạnh: Tối thiểu phải có 3 lần khám, một lần cho mỗi 3 tháng. Thông thường, 3 tháng đầu nên có 1 lần vào khoảng thai 11-13 tuần, kèm thêm 1 lần siêu âm. 3 tháng giữa: 1-2 lần, có 1 lần siêu âm xem bất thường thai vào khoảng 20-22 tuần. 3 tháng cuối:1 lần/tháng, tháng sau cùng có thể 1-2 tuần/ lần, tùy tình trạng thai. Số lần khám thai còn tùy sức khỏe của mẹ và bé, sẽ gia tăng nếu có các vấn đề với mẹ và bé.

Chỉ có tiêm ngừa uốn ván trong lúc mang thai, có thể vào bất cứ lúc nào, tuy nhiên thường tránh 3 tháng đầu vì sợ làm nặng thêm tình trạng khó chịu của mẹ vì thai hành. Nếu là con so tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng, nếu là con rạ tiêm một mũi. Có những người đã tiêm ngừa đủ uốn ván trước mang thai thì không cần tiêm nữa.

* Sáng nào tôi cũng có thói quen uống một ly cà phê mới tỉnh táo làm việc. Nhưng giờ tôi đang mang thai, có thể giữ thói quen này được không? Uống cà phê nhiều có ảnh hưởng gì đến thai nhi?(nhuquynh, 27 tuoi tuổi, nhuquynh@)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Theo những nghiên cứu nước ngoài , chất caffein có trong cà phê có ảnh hưởng đến sự mang thai: 25% trường hợp sẩy thai ở thai phụ do dùng liều trên 200mg/ngày, trong khi những người không dùng caffein thì tỷ lệ sẩy thai trong nhóm này là 13%. Như vậy, người có thai nên tránh dùng nhiều những thực phẩm có tính kích thích trong đó có cà phê. Nếu chỉ uống một ly nhỏ thì không có vấn đề gì .

* Tôi nghe nói thai phụ ăn trứng gà ngâm mật ong sẽ rất tốt cho em bé. Ngoài ra, nếu thai phụ uống nước dừa nhiều thì da em bé sẽ trắng. Điều này có đúng?(camnhung, 28tuoi tuổi, camnhung@)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Trứng gà là loại thực phẩm nhiều chất đạm và chất béo. Mật ong là loại thực phẩm nhiều chất đường, như vậy mật ong và trứng gà sẽ đem lại nhiều năng lượng cho thai phụ. Về dinh dưỡng thai phụ nên ăn hài hòa giữa các chất đường, đạm, béo, sinh tố và khoáng chất.

Sự mất cân đối giữa các chất trên đều không tốt cho sức khỏe mẹ và sẽ ảnh hưởng cho sức khỏe thai nhi. Ví dụ mẹ tăng cân nhiều (ăn nhiều bột và chất béo) dễ có nguy cơ bệnh đái tháo đường thai kỳ. Mẹ tăng cân ít, trẻ dễ bị nhẹ cân hay biến chứng trong lúc sinh.

Da bé trắng hay không là do di truyền, chủng tộc chứ không phải do thực phẩm. Nước dừa không thể làm trắng da hay sạch da, cũng như cafe cũng không làm đen da. Mong chị có chế độ dinh dưỡng tốt cho thai nhi

* Hiện tại tôi và chồng tôi rất muốn có em bé. Tôi nên làm gì để sớm có thai, ăn và uống gì để có sức khỏe tốt chuẩn bị cho có thai. (nguyen dieu hien, 25 tuổi, trangnguyendieuhien@)

- Th.s BS Đặng Lê Dung Hạnh: Để chuẩn bị mang thai, bạn và chồng nên đi kiểm tra sức khỏe, để xem có vấn đề sức khỏe nào cần giải quyết không. Với bạn có thể tiêm ngừa bệnh Rubella, viêm gan siêu vi B, thủy đậu, lưu ý nên để có thai sau 1 tháng tiêm ngừa. Nên uống bổ sung acid folic trong thời gian chuẩn bị mang thai, tối thiểu 3 tháng, nhằm tránh các bệnh về ống thần kinh cho trẻ. Chế độ ăn bình thường như trước đây, hợp vệ sinh, nhiều bổ dưỡng, dễ tiêu.

* Tôi chuẩn bị kết hôn và dự đinh sẽ có em bé ngay. Xin hỏi phải chuẩn bị sức khỏe thế nào trước khi mang thai để sinh con khỏe mạnh. Có cần đi kiểm tra sức khỏe hay không và nếu cần thì nên đi khám ở đâu?(duong thi tú anh, 30 tuổi, tuanhdilinh@...)

- TS. BS. Lê Thị Thu Hà: Rất hoan nghênh bạn với ý tưởng chuẩn bị sức khỏe trước mang thai. Một thai kỳ khỏe mạnh trong cơ thể người mẹ khỏe mạnh. Trước khi mang thai, bạn cần khám sức khỏe tổng quát và phụ khoa. Nên điều trị các bệnh nếu có như thiếu máu, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp...

Riêng về bệnh phụ khoa như u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm sinh dục... (nếu có) cũng cần được điều trị và tư vấn trước mang thai. Bạn nên tiêm ngừa một số bệnh như viêm gan siêu vi B, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, ngừa nhiễm HPV.

Việc dùng acid folic 1 viên mỗi ngày tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai là điều cần thiết. Bạn có thể khám tổng quát tại các bệnh viện đa khoa, khám phụ khoa tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản. Tiêm ngừa các bệnh cần thiết trước khi mang thai tại trung tâm y tế dự phòng.

* Tôi nghe nói độ tuổi tốt nhất để sinh con là 22-28 tuổi. Hiện tại tôi đã 27 tuổi và chưa lập gia đình. Bác sĩ có thể cho tôi lời khuyên làm thế nào để sinh con khỏe mạnh khi đã khá lớn tuổi? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều. (Minh Hạnh, 27 tuổi, mevinh1011@...)

XKXQIpnP.jpgPhóng to
Thạc sĩ - bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh đang trả lời câu hỏi của độc giả - Ảnh: Minh Đức

- Th.s - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Độ tuổi sinh con tốt nhất là trước 35, dĩ nhiên trẻ hơn vẫn tốt, tuy đừng trẻ quá dưới 20 thì cơ thể chưa phát triển đầy đủ, tâm sinh lý cũng chưa ổn định, kinh tế xã hội cũng chưa ổn định để có cuộc sống tự lập.

Bạn nên có một chế độ làm việc sinh hoạt điều độ, ổn định; khám kiểm tra sức khỏe hàng năm để phát hiện sớm và trị kịp thời các vấn đề về sức khỏe. Khi lập gia đình và có ý định mang thai, nên kiểm tra sức khỏe trước mang thai. Khi mang thai thì nên khám thai định kỳ để được làm đầy đủ các xét nghiệm tầm soát bệnh cho mẹ và cho bé. Và có lẽ cố gắng đừng để phải sinh con khi tuổi đã quá muộn.

* Em chuẩn bị sinh con thứ 2, xin bác sĩ cho biết cần phải chích ngừa trước khi mang thai hay không, chích những loại bệnh gì và chích trước khi có thai mấy tháng? Trong thai kỳ cần đi khám và siêu âm ở thời điểm nào là tốt nhất. Chồng cần kiêng cữ rượu bia bao lâu trước khi vợ có thai. (Nguyễn Thị Vy, 30 tuổi, duongvy28@...)

Awo3NssK.jpgPhóng to
GS Nguyễn Duy Tài đang tư vấn cho độc giả - Ảnh: Minh Đức

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Nên chích ngừa: Rubella (trước khi có thai 3 tháng) viêm gan siêu vi B (trước khi có thai 6, 8 tháng). Lịch khám thai thường là 12 lần trong thai kì (tối thiểu là 3 lần). Siêu âm trong thai kỳ lần thứ nhất là 3 tháng đầu, lần thứ hai là 22-24 tuần, lần thứ ba 34 tuần (tối thiểu 3 lần trong những trường hợp có những triệu chứng bất thường thì sẽ có chỉ định siêu âm nhiều hơn như nghi ngờ thiểu ối, đa ối, thai nhẹ cân...). Chồng nên kiêng rượu 1-4 tuần trước khi định có thai.

Vợ không nên uống rượu trước có thai là 1-3 tháng và suốt thời gian mang thai.

* Tôi đang mang thai tuần thứ 23, đi siêu âm bác sĩ bảo thai nhi phát triển bình thường. Nhưng tôi thấy các thai phụ khác khi mang thai ăn rất nhiều và thường hay đói bụng, nhưng tôi thì không như vậy (không thấy đói bụng, ăn uống bình thường) mỗi tháng tăng 1kg. Xin hỏi bác sĩ như vậy là bình thường hay không bình thường. Xin cảm ơn! (Lương Thị Trang, 26 tuổi, trang787178@...)

n4AeWxQz.jpgPhóng to
TS. BS Lê Thị Thu Hà đang tư vấn cho độc giả - Ảnh: Minh Đức

- TS.BS Lê Thị Thu Hà: Trong suốt thai kỳ, tăng cân trung bình từ 12-15kg. Đối với các chị em thuộc dạng dư cân hay béo phì thì chỉ cần tăng 8-10kg là đủ. Ngược lại, đối với các chị em thuộc dạng gầy ốm, thiếu cân thì cần tăng trên 15kg.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do nghén nên thông thường các chị em không tăng cân hoặc thậm chí sụt cân. Đến 3 tháng giữa thai kỳ các chị em cảm giác ăn ngon miệng nên cân nặng được phục hồi và tăng trung bình mỗi tháng khoảng 2kg.

Vào 3 tháng cuối thai kỳ, mỗi tháng tăng trung bình từ 2-2,5kg. Bạn mang thai tuần thứ 23 và tăng được 6kg là trong giới hạn bình thường. Để tăng cảm giác ngon miệng, bạn nên thường xuyên thay đổi món ăn sao cho hợp khẩu vị. Chúc bạn và bé khỏe.

* Tôi mang thai được 3 tháng. Lúc này chồng tôi mới được bác sĩ phát hiện đã mắc bệnh tiểu đường nặng. Hiện tôi rất lo lắng vì không biết khi chồng bị tiểu đường mà người vợ mang thai có ảnh hưởng tới em bé sau này hay không? (thanh thuy, 24 tuổi, thanhthuy...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Đái tháo đường không phải là một bệnh lây nhiễm. Trong thai kỳ nếu thai phụ mắc bệnh đái tháo đường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và một phần ảnh hưởng đến thai nhi. Như vậy nếu chồng chị bị thì chị không bị lây bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên nếu chế độ dinh dưỡng trong thai kì của chị được bồi dưỡng quá mức (tăng cân hơn 15kg) chị có nguy cơ bị đái tháo đường.

*Đồng nghiệp cùa em để chân lên CPU của máy tinh, em đã đi chân không nên khi chạm vào bạn ấy thấy mình bị giật tê tê ở ngón tay. Cho em hỏi bị giật điện như thế có ảnh hưởng đến thai nhi không. Em đang mang thai tuần thứ 15 (Nguyen Thuy Trang, 26 tuổi, chauchau317@...)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Nếu bạn chỉ cảm thấy tê ngón tay mà không có vấn đề nào khác xảy ra thì đến thời điểm này, nếu thai nhi vẫn máy tốt thì sẽ không có vấn đề gì ảnh hưởng đến thai nhi. Khi người mẹ không bị suy hô hấp, ngừng tim do điện giật thì sự cung cấp oxy cho thai nhi không bị ảnh hưởng nhất là khi thai ở tuần thứ 15 thì tình trạng thai đã tương đối ổn định so với thai trong 3 tháng đầu tiên.

* Chào bác sĩ, xin cho biết những dấu hiệu thai phụ sắp sinh như thế nào? Khoảng tháng thứ tám, khi bụng to & cứng thì có phải là dấu hiệu sắp sinh? Cảm ơn bác sĩ(Nguyễn Trang Kim, 28 tuổi, trang_kim79@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Những dấu hiệu báo chuyển dạ: Bụng co cứng, đau từng cơn khoảng 10 đến 20 giây và cách khoảng 5, 10 phút, có dịch hồng ra từ âm đạo. Vào tháng thứ 8 bụng to và cứng nhưng không đau thì đó không phải là dấu hiệu sắp sinh.

* Vợ em trước đây có do không sinh thường được và sợ chậm trễ của các bác sĩ bệnh viện, nên khi mổ đưa em bé ra đã làm bé ngợp và qua đời sau đó 2 ngày. Lần này vợ em có mang được gần 5 tháng, vậy xin tư vấn nên sinh ở đâu? Nên sinh thường hay sinh mổ? Chân thành cảm ơn. (Quốc Du, 32 tuổi, vuquocdu@)

- Ths, BS Đặng Lê Dung Hạnh: Sinh ở đâu là do quyết định của gia đình, tuy nhiên nên sinh ở bệnh viện lớn, vì đây là trường hợp có vết mổ sinh cũ, là sinh khó.

Phải xem lại lý do lần mổ sinh trước, nếu lý do đó vẫn còn tồn tại (ví dụ do khung xương của mẹ bị nhỏ hay bị lệch, do mẹ có bệnh lý mà nay vẫn còn ...) thì sẽ áp dụng mổ sinh tiếp. Nếu lý do đó không tồn tại thì vẫn nên theo dõi để xem có sinh thường được không. Hiện tại, bạn nên đi khám thai định kỳ thường xuyên và đúng hẹn.

* Ở độ tuổi 36 có con lần đầu cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào cho phù hợp? Những rủi ro gì có thể xảy ra khi mang thai ở tuổi 36? Làm thế nào để phòng ngừa? (Le Thanh, 36 tuổi, kittywhite1975@)

- TS. BS Lê Thị Thu Hà: Theo nhiều nghiên cứu thấy rằng phụ nữ trên 35 tuổi khi mang thai có nguy cơ cao về tình trạng rối loạn nhiễm sắc thể ở thai nhi, đặc biệt là hội chứng down. Việc phòng ngừa cũng như điều trị tình trạng này là không thể. Tuy nhiên với những phát triển về y học hiện nay có thể sàng lọc và chẩn đoán sớm bệnh lý này trước sinh.

Trong những tuần lễ từ 11-13 tuần 6 ngày bằng siêu âm đo độ mờ gáy thai nhi kết hợp với xét nghiệm sinh hóa double test (Free Beta hCG và PAPP A) có thể sàng lọc sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ nếu thai phụ chưa được sàng lọc trong giai đoạn đầu, có xét nghiệm sinh hóa triple test (uE 3, AFP và Free Beta hCG) có thể sàng lọc được hội chứng Down, Trisomy 18 và khuyết tật ống thần kinh.

Siêu âm hình thái học thai nhi được thực hiện ở tuổi thai 20-24 tuần có thể khảo sát và phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái thai nhi. Dinh dưỡng trong thai kỳ đối với các chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều quan trọng. Cần ăn đầy đủ và cân đối các chất trong tháp dinh dưỡng như đường, đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng. Hạn chế lượng muối trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Cũng không nên ăn ngọt quá nhiều vì có nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Các bà mẹ không nên dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá và những chất gây nghiện.

* Vui lòng cho biết có nên dùng acid folic thường xuyên trước và 3 tháng sau khi có bầu? Acid folic dùng như thế nào là tốt nhất? Có loại nào có thế thay thế acid folic?(Le Ni Nguyen, 30 tuổi, ninguyen@yahoo.com)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu acid folic có thể gây khiếm khuyết ống thần kinh mà biểu hiện là nứt đốt sống, thoát vị não... làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch...

Tất cả các khiếm khuyết này xảy ra sớm trong những ngày đầu của thai kỳ, do đó người phụ nữ nên bổ sung chất này từ trước khi có thai. Acid folic có nhiều trong rau lá xanh như súp lơ xanh, cải làn; trong các loại hạt như đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen và các loại hoa quả và nước hoa quả thuộc họ cam quýt. Đặc biệt có nhiều trong gan gia súc và gia cầm. Chỉ cần kết hợp hài hòa sản phẩm tự nhiên nêu trên, phụ nữ hoàn toàn có thể phòng tránh tình trạng thiếu hụt acid folic. Ngoài ra cũng có thể dùng bổ sung sinh tố theo tư vấn của bác sĩ. Hiện nay có những viên thuốc kết hợp axit folic và chất sắt dược khuyên nên dùng cho thai phụ.

Cần lưu ý là acid folic rất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cũng như quá trình chế biến. Ngâm, rửa cũng như luộc rau quá lâu cũng là nguyên nhân gây thất thoát thành phần acid folic trong nguồn thực phẩm xanh. Đó thường là lý do gây thiếu hụt nguồn dự trữ acid folic trong cơ thể, cho dù thành phần của chế độ dinh dưỡng hoàn toàn hợp lý.

* Em mang thai được 15 tuần, đi siêu âm thấy nước ối trung bình, hạt tăng âm có mật độ thưa. Vậy xin hỏi hiện tượng như vậy ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi và em cần phải làm gì để sinh con khỏe mạnh? (Nguyễn Phạm Kim Thoa, 25 tuổi, npkimthoa@)

- Ths - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Kết quả siêu âm cho thấy có vẻ như nước ối có thêm vật lạ, chưa rõ là gì. Tốt nhất là hai tuần sau nên kiểm tra lại bằng siêu âm. Trong thời gian đó nên uống đủ nước, vì nước từ mẹ uống là một trong các nguồn quan trọng cho việc hình thành nước ối ở bé.

Ăn uống đầy đủ và hợp lý, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, đi khám thai định kỳ thường xuyên và đúng hẹn, tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống thường ngày, giữ tinh thần lạc quan yêu đời là những điều mà thai phụ nên làm.

* Sau khi hút thai lưu bao lâu thì vợ chồng có thể quan hệ bình thường? Sau bao lâu thì có thể sinh con trở lại? Hút thai lưu có ảnh hưởng nhiều đến việc sinh con sau này không? Khi có thai nên kiêng ăn uống những thứ nào? Vấn đề sinh con trai hay con gái hiện nay khoa học có can thiệp được? (Phanxtrung, 30 tuổi, phanxtrung@)

- TS.BS Lê Thị Thu Hà: Trước hết xin chia buồn cùng bạn với lần thai lưu vừa qua. Sau khi hút thai lưu khoảng ba tháng trở đi là bạn có thể mang thai trở lại. Một người đã từng bị thai lưu thì có nguy cơ thai lưu lần sau. Do vậy, vợ chồng bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai lại.

Hút thai lưu là một thủ thuật được tiến hành trên tử cung, do vậy có những rủi ro có thể xảy ra trong hay sau thủ thuật như: thủng tử cung, sót nhau, sót thai, choáng, nhiễm trùng, vô kinh, vô sinh. Và vì thế có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.

Khi mang thai nên kiêng một số loại như: thức ăn quá mặn (nhiều muối) vì nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật; thức ăn quá ngọt vì nguy cơ tiểu đường thai kỳ; các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và những chất gây nghiện vì nguy cơ chậm phát triển thể chất và tinh thần cho thai nhi cũng như ảnh hưởng trên sức khỏe của mẹ.

Vấn đề sinh con trai hay con gái theo ý muốn hiện nay luật pháp Việt Nam không cho phép. Với nguy cơ mất cân bằng giới tính nam nữ trong dân số chung nên tốt nhất là để tự nhiên. Ngay cả việc thông báo giới tính trong thai kỳ bằng siêu âm cũng bị nghiêm cấm. Quan niệm trọng nam khinh nữ ngày nay hầu như không còn, thậm chí có rất nhiều ông bố bà mẹ thích con mình là gái.

* Tôi bị viêm tai giữa mãn tính, xin bác sĩ cho biết ở tuổi của tôi sinh thêm bé thứ hai có những nguy cơ nào đối với bé không? Tỉ lệ cao hay thấp?(Nguyễn THanh Trang, 37 tuổi, trangpnt@...)

- Ths - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Viêm tai giữa sẽ cần điều trị kháng sinh, kháng sinh này thường là loại mạnh và có tác động đến xương, mới có thể vào được vùng tai. Tốt nhất nên chữa khỏi viêm tai, nếu phải dùng thuốc lâu dài, cố gắng tránh hoặc dùng ít thuốc trong 3 tháng đầu mang thai. Bạn nên hỏi trực tiếp từ bác sĩ chữa tai cho bạn để có chọn lựa thuốc phù hợp trong lúc mang thai.

* Tôi có thai được 22 tuần (KKC 21-7). Hiện giờ đã tăng khoảng 6,5kg. Mức tăng này có quá nhiều không? Tôi vừa siêu âm 4D vào đầu tuần, cân nặng ước tính của bé khoảng 430g. Như vậy bé có bị còi quá không. Tôi phải ăn uống như thế nào để con tôi có thể tăng trưởng tốt hơn mà tôi không bị lên cân quá nhiều.(Thảo Nguyên, 28 tuổi, thaonguyen01@)

- Th.s - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Còn phải xem lại trọng lượng của bạn trước lúc mang thai, bạn có thể tự tính chỉ số cơ thể (BMI) bằng công thức sau : trọng lượng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), nếu BMI trong khoảng 19-23 là bình thường, chỉ tăng khoảng 12kg là đủ, nếu BMI 23-29 là dư cân, tăng khoảng 10kg, BMI 30 là béo phì, tăng 6-8 kg là đủ. BMI < 19, thiếu cân, cần tăng 15kg

Siêu âm ở thời điểm này nhằm khảo sát cấu trúc của thai, xem có bất thường về cơ quan nội tạng của bé, không chú trọng vào khối lượng.

* Tôi sinh cháu đầu được 17 tháng thì có mang cháu thứ hai. Do lần đầu sinh tôi bị nhau tiền đao nên phải mổ, bây giờ rất lo lắng không biết việc mang thai lần này có gặp nguy hiểm gì không?(Nguyễn Thùy Vân, 27 tuổi, thuyvan2301@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Thông thường thì nên có thai lại sau 2 năm để sức khỏe được hồi phục (nuôi con nhỏ, đặc biệt là cho con bú mẹ) và người phụ nữ cảm thấy đỡ vất vả. Nếu bạn có thai sau mổ 17 tháng thì thai kỳ này vẫn có thể giữ được. Tuy nhiên bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn vì hội chứng nghén trong lúc mang thai và phải chăm sóc bé còn bú. Như vậy thai kỳ lần này nguy cơ mổ lại sẽ rất cao. Cụ thể từng giai đoạn bạn sẽ được bác sĩ tư vấn từng thời điểm khám thai.

* Ngoài việc tiêm ngừa thì có cần xét nghiệm tình trạng dinh dưỡng của cơ thể người mẹ để bổ sung đầy đủ những chất dinh dưỡng còn thiếu cho người cơ thể người mẹ trước khi mang thai? Xét nghiệm dinh dưỡng ở đâu? (Lương Hương, 27 tuổi, luonghuong2610@)

- Th.s - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Chỉ cần xét nghiệm xem có thiếu máu không để bổ sung thêm sắt. Xét nghiệm về dinh dưỡng chỉ làm trong một số trường hợp đặc biệt. Vào khoảng thai 28 tuần còn làm xét nghiệm để tìm bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh về dinh dưỡng của bà mẹ trong lúc mang thai.

Trước mang thai chỉ cần dùng thêm acid folic và sắt bổ sung (một viên đa sinh tố hiện nay có đủ hàm lượng sắt và acid folic cần thiết). Trước mang thai nên kiểm tra lại chỉ số cơ thể của bà mẹ - BMI (tính bằng trọng lương - kg chia cho bình phương chiều cao - m.

BMI <19 thiếu cân (suy dinh dưỡng) cần bổ sung dinh dưỡng

BMI 19 - 23 đủ cân - không lo ngại

BMI 23-29 thừa cân, sẽ tăng cân ít lúc mang thai

BMI 30 béo phì, cần thay đổi dinh dưỡng cho BMI về bình thường hay thừa cân, béo phì cũng gây khó có thai, lúc mang thai dễ gặp các bệnh lý về huyết áp, tiểu đường

* Chưa sinh con đầu lòng mà dùng thuốc tránh thai có ảnh hưởng gì đến việc sinh con sau này không (em lập gia đình được 5 tháng, đang dùng thuốc tránh thai hiệu Diana 35, loại 21 viên/tháng)? Có cần đi xét nghiệm gì để dùng thuốc tránh thai phù hợp? (Lương Hương, 27 tuổi, luonghuong2610@)

- TS.BS Lê Thị Thu Hà: Việc kế hoạch hóa gia đình khi chưa muốn mang thai là điều cần thiết. Dùng biện pháp tránh thai nào còn tùy thuộc vào sức khỏe của bạn. Đối với người có bệnh cao huyết áp, viêm gan, bệnh tim, bệnh thận, bệnh lý về mạch máu, có tình trạng đau nửa đầu, tiền căn bản thân hoặc gia đình ung thư vú, có ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân thì không được dùng thuốc tránh thai uống mỗi ngày.

Chưa sinh con không nên dùng dụng cụ tránh thai. Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ phù hợp trong những trường hợp hai vợ chồng ở xa nhau, lâu lâu gặp 1 lần. Đối với những trường hợp không có chống chỉ định kể trên dùng thuốc ngừa thai uống mỗi ngày thì biện pháp này là phù hợp với các chị em chưa sinh con. Bạn cần đi khám sức khỏe tổng quát cũng như phụ khoa trước khi dùng biên pháp tránh thai.

* Tôi bị viêm mũi dị ứng nên vào ngày lạnh tôi thường xuyên bị sổ mũi hay nghẹt mũi và đau đầu. Như vậy có ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng? Những khi bị nặng tôi thường uống viên sủi pluzzss có được không, có ảnh hưởng? (Nguyễn Thị Trang, 34 tuổi, luntit2010@...)

- Th.s - BS Đặng Lê Dung Hạnh: Viêm mũi dị ứng thường do thời tiết thay đổi, bạn cần tránh thay đổi thời tiết quá đột ngột, giữ ấm kỹ vào các ngày trời lạnh. Viên sủi pluzzss là một dạng viên đa sinh tố, không gây hại cho bạn và bé. Ngay như viêm mũi của bạn thường sẽ dùng các thuốc chống dị ứng, chống tăng tiết dịch cũng không có hại cho bé.

* Xin bác sĩ hướng dẫn giúp tôi: vợ chồng tôi chuẩn bị lên kế hoạch có em bé, vậy trong thời gian này đối với tôi việc ăn uống cũng như sinh hoạt thì như thế nào? Có cần kiêng gì và nên ăn gì? Cảm ơn bác sĩ(La Thanh Hải, 33 tuổi, thanhhai_la2000@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Trước khi mang thai phụ nữ nên uống acid folic 4mg mỗi ngày trong 1 tháng trước khi có thai và 3 tháng đầu thai kỳ. Chích ngừa Rubella trước 3 tháng. Xét nghiệm công thức máu và nồng độ Ferritin trong huyết thanh để phát hiện có bị thiếu máu, thiếu sắt không. Xét nghiệm kháng thể viêm gan siêu vi B, HIV, giang mai... Nên đi khám nội khoa để loại trừ những bệnh lý mãn tính: cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, bệnh lý thận.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường.

* Em đang mang thai lần thứ 2, thai đang được 16 tuần tuổi, đang khám tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ bảo thai đang phát triển bình thường. Khi mang thai lần đầu gần đến ngày sinh (khoảng 9 tháng) thai bị lưu nguyên nhân do dây rốn thắt nút cổ chai (khám ở Bệnh viện Từ Dũ).

Em đang ở tỉnh Trà Vinh cách TP.HCM 200km, đi khám ở TPHCM rất khó khăn, sợ sức khỏe bà mẹ yếu trong khi di chuyển. Em đang rất lo không biết lần thứ hai này có vấn đề gì không, xin bác sĩ tư vấn giúp? Em cần phải khám bệnh ở đâu hoặc có phương pháp nào phòng ngừa?(Nguyễn Thị Hoàng Trang, 33 tuổi, binhnguyenhuubt@...)

- ThS. BS Đặng Lê Dung Hạnh: Dây rốn thắt nút là hiện tượng hiếm gặp nhưng thường gây chết thai nếu nút thắt quá chặt, hầu như rất khó chẩn đoán trước (chỉ chẩn đoán khi thai ra đời và thấy được nút thắt). Nếu bạn ở xa quá nên khám thai nơi nào gần hơn, vì đi lại xa trong lúc mang thai, nhất là trong tình trạng giao thông đông đúc như hiện tại, cũng là điều không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Có thể siêu âm Doppler, xem xét mạch máu dây rốn khi thai khoảng 32-34 tuần; không làm sớm hơn vì siêu âm không có giá trị và con còn quá non cũng không giải quyết được, chỉ làm gia đình thêm lo lắng nếu có vấn đề.

Đây là hiện tượng hiếm gặp do đó việc lặp lại thắt nút trong lần thai này lại càng khó xảy ra hơn, mong bạn đừng quá lo lắng, vì lo lắng cũng gây hại cho sức khỏe.

* Thưa bác sĩ, cho cháu hỏi hiện nay cháu bị hở van tim 1/4 , cháu có thế thể sinh được không? Sau này có bị di truyền sang con? (hà thu trang, 26 tuổi, vangtrangsuytu_2410@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Rất tiếc bạn không cho biết là bị hở van tim loại nào (2,3) nhưng tôi đoán là 2 lá, không biết có đúng không? Nếu là hở van 2 lá 1/4 thì bạn đừng lo lắng nhiều vì bệnh lý này không có di truyền.

Trong thai kỳ sự phát triển của thai nhi thế nào, bình thường hay không tùy thuộc nhiều yếu tố từ mẹ, bố và ngay cả trứng thụ tinh hay phần phụ của thai như nước ối, nhau thai. Như vậy khi có thai bạn nên đi khám thai sớm và khám định kỳ để được tư vấn cụ thể hơn từng thời điểm. Chúc bạn may mắn..

* Chào BS Tài, tôi đã 45 tuổi, có tiền căn ung thư thận và tuyến giáp. Nay mang thai được 30 tuần, tôi đã đến BV Hùng Vương để chọc ối và theo dõi thai. Kết quả bình thường, như vậy tôi có thể yên tâm sinh em bé không hay phải làm thêm gì nữa ạ. Cảm ơn BS. (Hồ Thị Phương Nga, 45 tuổi, hophuongnga@...)

- Giáo sư Nguyễn Duy Tài: Ở tuổi 45 thường có nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể cho thai, chị đã được chọc ối và làm nhiễm sắc thể đồ, như vậy đã loại trừ một số bệnh lý về nhiễm sắc thể. Có lẽ tại thời điểm 30 tuần chị cũng đã được khảo sát về hình thái của thai nhi qua siêu âm 4 chiều. Hiện tại ổn, như vậy trong 2 tháng còn lại trước sinh thì có một số bệnh lý có thể gặp phải trong giai đoạn này là cao huyết áp thai kỳ, thiểu ối trong thai kỳ, hay có nguy cơ vỡ ối non làm phải chấm dứt thai kỳ sớm.

Để phòng ngừa những bệnh lý trên, chị nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi, dinh dưỡng phù hợp trong 8 tuần kế tiếp (chị sẽ được tư vấn rõ sau mỗi lần khám thai).

* Người chồng cần làm gì khi vợ mang bầu? Xin cảm ơn! (Diệp Thành Toàn, 29 tuổi, thanhtoan000@...)

- ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh: Người chồng cũng cần trang bị một số kiến thức về sức khỏe của phụ nữ, đặc biệt là các vấn đề sức khỏe lúc mang thai, để cùng vợ theo dõi sức khỏe cũng như hiểu được những lo lắng của vợ khi có các vấn đề về sức khỏe.

Lúc mang thai, bà mẹ chịu nhiều áp lực về tâm lý và sức khỏe, do đó ông chồng cần hết sức tâm lý, thông cảm, quan tâm, thậm chí chịu đựng những cáu gắt có khi rất vô lý.

Tiếp tay vợ trong công việc nhà, chăm sóc con cái (nếu đã có con). Dĩ nhiên, cũng cần có sức khỏe tốt để làm tốt công việc cơ quan (có thu nhập tốt) và chia sẻ thêm công việc gia đình cùng vợ. Nếu có tay nghề nấu bếp thì càng tuyệt vời hơn nữa, vì bà bầu trong các tháng đầu hầu hết rất khó ăn, sang các tháng sau thì ăn tốt và nhiều, thức ăn do chính ông chồng quan tâm và chuẩn bị lại càng ngon miệng hơn, càng động viên vợ nhiều hơn.

* Năm nay tôi 37 tuổi, dự định năm 2011 mang bầu, năm 2012 sinh, vậy tôi phải làm gì để sinh con được khỏe mạnh, về dinh dưỡng và sức khỏe cho mẹ? (Tran Thi Tuyet Hang, 37 tuổi, tuantrang@...)

- PGS.TS Vũ Thị Nhung: Muốn có một đứa con khỏe mạnh và phát triển tốt thì yếu tố bắt buộc phải có là người mẹ phải được chuẩn bị thật tốt để có thể mang thai và sinh con trong điều kiện tốt nhất. Để đạt được điều đó, các yêu cầu về phía người mẹ là:

* Tuổi: đã thật sự trưởng thành và phát triển về thể chất. Như vậy, phụ nữ khô

TTO thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên