30/09/2016 14:16 GMT+7

​Ngứa lòng bàn tay, bàn chân: có thể là dấu hiệu bệnh gan

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Bỗng dưng lòng bàn chân, bàn tay cứ ngứa râm ran, càng gãi càng ngứa…, hầu hết nguyên nhân ngứa là do “nước ăn” chân hoặc mắc các bệnh về da.

Tuy nhiên, lòng bàn tay, bàn chân bị ngứa nhiều nơi, ngứa không xác định rõ vị trí, đi kèm với một vài dấu hiệu như vàng da vàng mắt, nước tiểu vàng, mệt mỏi, ăn kém, chảy máu răng, chảy máu cam… có thể là biểu hiện của một số bệnh về gan.

Những bệnh gan có thể gây ra chứng ngứa như:

- Ứ mật

Axit mật là loại chất lỏng được bài tiết trong gan, chảy vào các ống dẫn trong gan giống như nhánh cây rồi đi vào túi mật. Chúng có nhiệm vụ tiêu hóa hấp thu chất béo, điều chỉnh sự cân bằng nồng độ cholesterol, triglyceride, glucose, năng lượng trong tế bào, loại bỏ các chất độc trong gan. Nhưng vì một nguyên nhân nào đó axit mật này bị ứ lại, không chảy được vào gan mà chảy vào máu làm tăng acid mật trong máu kích thích vào đầu tận cùng các dây thần kinh dưới da gây ngứa.

Ứ mật do nhiều nguyên nhân: ứ mật xảy ra ngoài gan do viêm đường mật, khối u đường mật, nang đường mật, hẹp ống mật, sỏi ống mật, u bên ngoài chèn ép đường mật,… Ứ mật xảy ra trong gan là do virus gây viêm gan như viêm gan B hoặc C, do thuốc, bệnh gan do rượu, áp xe gan, dị dạng đường mật trong gan, xơ gan,…

- Xơ gan ứ mật

Nếu sự ứ mật diễn ra lâu dài không được điều trị, các ống dẫn mật bị viêm, phá hủy các tế bào gan, lâu ngày dẫn đến xơ hóa gan, xơ gan.

Xơ gan ứ mật dẫn đến tăng áp lực tĩnh mạch cửa, suy chức năng gan gây nên một số các biến chứng nguy hiểm như: chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm trùng, báng bụng, suy thận, hôn mê… Ngoài ra, xơ gan ứ mật còn dẫn đến thiếu vitamin do không hấp thụ được chất béo và các vitamin tan trong chất béo như A, D, E và K, suy dinh dưỡng, loãng xương,...

Ngứa là một triệu chứng phổ biến và điển hình của xơ gan ứ mật trong giai đoạn đầu. Vị trí ngứa thường là lòng bàn tay, bàn chân. Mức độ ngứa thường nặng hơn vào ban đêm. Ngoài ra thường có kèm một số triệu chứng như mệt mỏi, nước tiểu sậm, khô mắt, khô miệng.

- Ngứa do thay đổi nội tiết tố

Trong trường hợp này thường xảy ra ở phụ nữ khi mang thai, do nội tiết tố thay đổi làm ảnh hưởng đến dòng chảy của mật cũng có thể gây ngứa. Ngứa ở phụ nữ mang thai diễn ra trầm trọng hơn ở ba tháng cuối thai kỳ. Ngứa thường ở lòng bàn tay, bàn chân, một số trường hợp ngứa cả bụng, lưng… Tại vị trí ngứa thường không phát ban, không có tổn thương gì đặc biệt.

Cảnh báo:

Bệnh về gan là bệnh diễn tiến rất thầm lặng, triệu chứng lúc đầu thường nghèo nàn, vì vậy nếu những người có nhiều nguy cơ bệnh gan kèm theo ngứa kéo dài, điều trị da liễu không giảm nên khám chuyên khoa gan để có hướng chẩn đoán và điều trị sớm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên