06/05/2016 14:04 GMT+7

​Thu hẹp khoảng cách tiêm chủng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm chủng là một trong những can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, giúp ngăn ngừa từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm.

Tiêm chủng ngăn ngừa những bệnh gây suy nhược, tàn tật và tử vong do những căn bệnh có thể dự phòng được bằng vắc-xin như bạch hầu, viêm gan, sởi, quai bị, bại liệt, tiêu chảy rotavirus, uốn ván...

Lợi ích của tiêm chủng đang ngày càng mở rộng đến thanh thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người chống lại những bệnh chết người như cúm, viêm màng não và các loại ung thư (như ung thư cổ tử cung và ung thư gan), thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.

Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 1,5 triệu trường hợp tử vong có thể dự phòng được nếu tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. WHO ước tính có khoảng 18,7 triệu trẻ sơ sinh, gần 1/5 số trẻ em trên toàn thế giới đang bỏ qua việc tiêm chủng định kỳ đối với các bệnh có thể phòng ngừa như bạch hầu, ho gà và uốn ván.

Để nâng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng, WHO kêu gọi các nước tiếp cận với trẻ em bị bỏ qua bởi hệ thống tiêm chủng định kỳ, đặc biệt là trẻ em đang sống ở các quốc gia, khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin dưới 80%. Bên cạnh đó, khi một đứa trẻ hoặc một người lớn không được tiêm chủng đầy đủ vì bất kỳ lý do gì, hồ sơ tiêm chủng của họ cần được kiểm tra lại bởi nhân viên y tế và tiêm bổ sung các loại vắc-xin mà họ thiếu.

Trong những năm qua, chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, như mở rộng diện bao phủ các vắc-xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn; giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong, trong đó tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể trong vòng 25 năm qua. Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã có sự tự chủ vắc-xin trong nước, sản xuất trong nước cung cấp 10/11 loại vắc-xin được sử dụng trong chương trình. Sự thành công của chương trình Tiêm chủng mở rộng làm giảm tần suất mắc các bệnh truyền nhiễm có thể phòng bằng vắc-xin.

Hoạt động trọng tâm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam hiện nay nhằm duy trì thanh toán bệnh bại liệt, duy trì loại trừ uốn ván sơ sinh, đồng thời hướng đến loại trừ sởi vào năm 2018 và khống chế Rubella; khống chế bệnh bạch hầu, ho gà ở mức thấp 0,01/100.000 dân; triển khai các vắc-xin mới trong tiêm chủng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam còn gặp nhiều rào cản như phụ huynh lo lắng về chất lượng vắc-xin, không tin tưởng vắc-xin miễn phí do có nhiều vụ tai biến sau tiêm chủng, không tin vào năng lực bảo quản vắc-xin cũng như chuyên môn của cán bộ y tế tuyến cơ sở và cán bộ y tế chưa tư vấn đầy đủ.

“Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất cho sức khỏe trong tương lai. Hiện nay có nhiều loại vắc-xin (trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ) để người dân có thể lựa chọn, tuy nhiên cán bộ y tế cần tư vấn cho người dân hiểu rõ những lợi ích cũng như nguy cơ do vắc-xin đem lại. Lựa chọn là quyền quyết định của người dân, nhưng không nên trì hoãn việc tiêm chủng cho trẻ chỉ vì đợi vắc-xin dịch vụ. Việc không tiêm chủng hoặc tiêm trễ sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ và nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng.” - ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn, Viện Pasteur TP.HCM nhấn mạnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiêm chủng