06/05/2016 14:15 GMT+7

​Lưu ý quan trọng đối với phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Gần đây nhiều phụ huynh lo lắng khi cho trẻ đi tiêm chủng. Tuy nhiên, nếu phụ huynh nắm rõ những lưu ý quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ trước - trong và sau tiêm chủng sẽ giảm đáng kể những phản ứng phụ không mong muốn đối với trẻ.

Trước khi tiêm chủng

Phụ huynh cần lưu ý trẻ có khỏe hay đang bị bệnh. Có mắc các bệnh chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong chương trình tiêm chủng hay không.

Cho trẻ ăn uống bình thường, vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ để tránh có thể bị nhiễm trùng vết chích. Cho trẻ ăn mặc gọn gàng để bác sĩ dễ dàng thăm khám và chích ngừa.

Mang theo đầy đủ sổ sức khỏe và phiếu tiêm chủng để bác sĩ theo dõi lịch tiêm chủng cho bé, đã tiêm những mũi gì, đang thiếu và cần tiêm thêm loại vắc-xin nào…

Chủ động thông báo cho bác sĩ tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

Đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc-xin được tiêm chủng cho bé, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

Khi tiêm chủng, phụ huynh cần giữ trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Sau khi tiêm

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, sau tiêm chủng, trẻ cần được ở lại cơ sở y tế 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi tình trạng sức khỏe và xử lý kịp thời nếu có phản ứng xảy ra.

Khi về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 tiếng sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm…

Nếu trẻ sốt cao phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.

Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc-xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái ... các bà mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Một số phản ứng sau tiêm chủng và cách xử lý

Chia sẻ về các phản ứng sau tiêm chủng PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết: “Tiêm chủng vắc-xin là ta đưa kháng nguyên vào cơ thể con người, nên có thể có những phản ứng từ nhẹ đến nặng. Tất nhiên, những phản ứng này cũng đã được khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc các nhà sản xuất vắc-xin theo từng loại vắc-xin về các loại phản ứng và tỉ lệ phản ứng có thể xảy ra. Sau tiêm chủng, chúng ta có thể thấy những phản ứng thông thường, đó là những phản ứng tạm thời và có thể hồi phục nhờ sự chăm sóc, xử trí của cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, có thể gặp trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng cần phải được chăm sóc và điều trị tích cực tại các cơ sở y tế”.

Ông Phu khuyến cáo các bậc phụ huynh về một số phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và cách chăm sóc trẻ như sau:

Sốt: sau khi tiêm, trẻ có thể bị sốt nhẹ, đây là phản ứng bình thường của cơ thể với thuốc tiêm phòng và có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1-2 ngày. Một số trẻ có thể bị sốt cao từ 39 độ trở lên. Khi đó, phụ huynh nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Khi trẻ bị sốt, cho trẻ uống nhiều nước, tiếp tục ăn uống bình thường, nằm chỗ thoáng.  Không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt dự phòng ngay sau khi trẻ vừa được tiêm phòng, vì làm như vậy là hoàn toàn không có lợi và đôi khi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Phản ứng tại chỗ gồm các triệu chứng đỏ hoặc sưng tại chỗ: thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.

Dị ứng: có thể là phát ban, ngứa toàn thân… phản ứng này thường xảy ra ở trẻ có hay bị dị ứng, các biểu hiện dị ứng này thường tự khỏi sau 1 vài ngày.

Sốc phản vệ: thường xuất hiện trong hoặc ngay sau khi tiêm chủng với các triệu chứng như kích thích, vật vã; mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, phù Quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở; đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật. Cần dừng ngay việc tiêm vắc-xin và tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ của Bộ Y tế và chuyển bệnh nhân đến đơn vị hồi sức tích cực của bệnh viện gần nhất. Sốc phản vệ thường hiếm gặp, với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc-xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

Không có loại vắc-xin nào là tuyệt đối an toàn 100%. Vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ người được tiêm có phản ứng sau tiêm. Cũng như việc sử dụng thuốc hay thức ăn, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc-xin. Vì vậy, để phòng tránh đến mức tối đa những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra trong mỗi lần tiêm chủng, các bà mẹ cần thực hiện các hướng dẫn trước và sau khi tiêm chủng để hạn chế tối đa những phản ứng phụ có thể xảy ra cho bé yêu nhà mình.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tiêm chủng