30/09/2016 15:42 GMT+7

​Kết hợp Đông – Tây y trong điều trị bệnh đái tháo đường type 2

Nguồn: Đại học Y Dược TP.HCM
Nguồn: Đại học Y Dược TP.HCM

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực.

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh, trong đó xu hướng kết hợp giữa đông y và tây y nhằm làm tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị đang ngày được chú trọng.

Bệnh đái tháo đường thường được chia làm hai nhóm chủ yếu là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2, trong đó bệnh đái tháo đường type 2 chiếm đa số (85% -90% ).

Bệnh đái tháo đường type 2 thường được phát hiện một cách tình cờ hoặc khi bệnh nhân có những biểu hiện của các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra như: tê 2 chi dưới, nhiễm nấm ở bộ phận sinh dục, nhiễm trùng ở da, mờ mắt, đau thắt ngực, tai biến mạch máu não…Chỉ một số ít trường hợp bệnh được phát hiện do có biểu hiện của triệu chứng tăng đường huyết: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều.

Do đó những đối tượng như sau cần được kiểm tra đường huyết để phát hiện bệnh sớm:

– Tuổi trên 55, là yếu tố nguy cơ chung, nên tiến hành sàng lọc cho tất cả những người ≥ 55 tuổi.

– Tuổi từ 40-45, kèm theo một yếu tố nguy cơ mô tả dưới nay.

– Tuổi từ 35-40 tuổi kèm theo hai trong số các yếu tố nguy cơ được mô tả dưới đây:

+ Tăng huyết áp, HA ≥ 140/ 90 mmHg

+ Những người béo phì hoặc dư cân ( BMI ≥ 23 )

+ Có liên quan ruột thịt với người mắc bệnh đái tháo đường (thế hệ cận kề)

+ Phụ nữ lứa tuổi ở vào giai đoạn quanh mãn kinh.

+ Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt như được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ; hoặc có tiền sử sinh con to, cân nặng lúc sinh > 4000g. Với người Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy nếu cân nặng của con ≥ 3600g đã phải coi là yếu tố nguy cơ mắc bệnh.

+ Những người đã từng được chẩn đoán rối loạn đường huyết lúc đói, hay rối loạn dung nạp glucose; người có các rối loạn chuyển hóa khác như rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa acid uric, người có microalbumin niệu dương tính….

+ Người có nghề nghiệp tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, có những thay đổi đột ngột về môi trường sống…

Đối với người bị bệnh đái tháo đường, nên kiêng hay hạn chế tối đa các loại đường hấp thu nhanh (mức, nước ngọt, bánh ngọt, trái cây khô…), nên ăn nhiều rau xanh sẽ làm giảm sự hấp thu đường và cholesterol sau ăn, giúp tránh táo bón. 

Đối với việc tập luyện, bệnh nhân nên tập các môn rèn luyện sự dẻo dai bền bỉ như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, các bài tập dưỡng sinh,… nên tránh các môn đòi hỏi thể lực cao như cử tạ…. Bài tập nên có cường độ nhẹ nhàng lúc đầu và tăng dần theo thời gian. Tránh quá sức, và phải có sự theo dõi của thầy thuốc. Việc tuân thủ chế độ ăn và tập luyên đúng cách sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết.

Ngày nay các thầy thuốc Đông y khi điều trị bệnh nhân đái tháo đường type 2 sẽ tùy thuộc tình trạng của người bệnh mà quyết định chỉ dùng thuốc Tây y  (Glucophage, Diamicron, Amaryl, Mixtard…), hay thuốc Đông y (khổ qua, lục vị tri bá, dây thìa canh…), hay kết hợp cả hai loại thuốc Đông y và Tây y nhằm làm tăng tác dụng hạ đường huyết, giảm các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị…

Bên cạnh việc dùng các thang thuốc kinh điển (lục vị tri bá…) có thể gây bất lợi cho người sử dụng do phải sắc nấu, không tiện nếu phải đem xa…, các thuốc y học cổ truyền ngày nay còn có các dạng thuốc được bào chế theo phương pháp hiện đại (dạng viên con nhộng, viên tròn…) nhằm làm tăng tác dụng hạ đường huyết và dễ dàng sử dụng cho bệnh nhân hơn.

Việc điều trị đái tháo đường type 2 bằng các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên ngoài tác dụng làm hạ đường huyết, còn có thể có một số tác dụng có ích khác trên người bệnh: giảm triệu chứng táo bón, giảm cảm giác nóng trong người, hồi hộp, đánh trống ngực, tiểu đêm, cải thiện giấc ngủ…

Nguồn: Đại học Y Dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên