29/07/2016 17:01 GMT+7

​Hiểu biết về bệnh thủy đậu

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM

Bệnh thủy đậu, dân gian còn gọi là bệnh trái rạ, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào.

Tác nhân gây bệnh thủy đậu là gì?

Thủy đậu là bệnh do vi rút thuộc họ Herpesviruses, có tên khoa học là Varicella-Zoster Virus (VZV). Họ Herpesviruses được chú ý đặc biệt bởi có khả năng “ngủ lại” trong cơ thể người bệnh sau lần nhiễm đầu tiên và có thể tái hoạt động khi điều kiện thuận lợi.

Làm sau nhận biết một người mắc bệnh thủy đậu?

Tình trạng bệnh khi lần đầu tiên nhiễm vi rút VZV được gọi là bệnh thủy đậu. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 10 - 21 ngày (trung bình 14 - 16 ngày). Biểu hiện đặc trưng của thủy đậu là hồng ban dạng sẩn tiến triển nhanh chóng thành bóng nước. Sau các triệu chứng nhiễm siêu vi thông thường như sốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn… một đến hai ngày, bóng nước sẽ xuất hiện.

Bóng nước trong bệnh thủy đậu có các đặc điểm đặc trưng:

-    Xuất hiện đầu tiên ở vùng đầu, mặt, sau đó lan đến thân mình và các phần còn lại của cơ thể. Có thể gặp ở niêm mạc hầu họng, sinh dục, kết giác mạc.

-    Chứa dịch trong, có thể hóa mủ và chuyển màu đục.

-    Thường gây ngứa và khó chịu.

-    Đóng mài sau khoảng 5 đến 7 ngày.

-    Bóng nước lành không để lại sẹo, trừ khi có nhiễm trùng đi kèm.

-    Sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch hoàn thiện để bảo vệ cơ thể ở những lần nhiễm vi rút VZV sau này. Tuy nhiên, một số trường hợp, VZV ẩn náu trong tế bào thần kinh cảm giác và tái hoạt động gây ra bệnh Zona hay bệnh giời leo.

Bệnh thủy đậu lây lan như thế nào ?

-    Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người bệnh với người lành. 

-    Những người chưa được tiêm ngừa hoặc chưa từng mắc thủy đậu rất dễ bị bệnh. Vi rút thủy đậu lây lan chủ yếu do hít phải các giọt nước bắn ra từ người bệnh khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp nhiễm vi rút do tiếp xúc trực tiếp với dịch bóng nước của người bệnh.

-    Một người mắc thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ trước khi có bóng nước một đến hai ngày cho đến khi bóng nước đóng mài.

Bệnh thủy đậu có thể gây các biến chứng nào ?

Bệnh thủy đậu thường nhẹ và tự khỏi sau khi bóng nước đóng mài. Ở một số đối tượng, bệnh có xu hướng diễn tiến nặng và gây ra nhiều biến chứng.

Đối tượng nguy cơ cao gặp phải các biến chứng khi mắc bệnh thủy đậu bao gồm:

-    Trẻ em dưới một tuổi 

-    Phụ nữ mang thai 

-    Người suy giảm miễn dịch 

-    Nhiễm HIV/AIDS 

-    Người ghép tạng

-    Đang điều trị hóa trị

-    Sử dụng các thuốc Steroids lâu dài. 

Các biến chứng hay gặp của bệnh thủy đậu như:

-    Nhiễm trùng da

-    Viêm phổi

-    Viêm não

      - Nhiễm trùng huyết

      - Chảy máu khó lành

      - Mất nước

 Ở thai phụ, nếu nhiễm thủy đậu trong thời gian mang thai và sinh con, đứa trẻ có thể mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh hoặc bệnh thủy đậu sơ sinh.

Làm sao để phòng ngừa bệnh thủy đậu?

Hiện tại cách duy nhất để chủ động phòng ngừa thủy đậu là tiêm vắc xin phòng bệnh. Những người chưa từng mắc bệnh thủy đậu nên đi tiêm ngừa. Trẻ nhỏ có thể nhận mũi tiêm đầu tiên từ lúc 12 tháng tuổi. Để tạo được miễn dịch tốt với bệnh, cần tiêm 2 liều vắc xin. Tùy vào độ tuổi và tiền sử tiêm ngừa, các bác sĩ sẽ quyết định khoảng cách giữa các mũi tiêm.

Chăm sóc người bệnh thủy đậu và phòng ngừa biến chứng 

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc thủy đậu, nên đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở điều trị gần nhất để được thăm khám, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao gặp phải các biến chứng của bệnh. Nếu không có vấn đề nghiêm trọng, người bệnh sẽ được điều trị tại nhà.

Một số vấn đề lưu ý khi điều trị tại nhà:

1.    Giảm ngứa, hạn chế gãi hay cào xước

-    Việc gãi và cào xước làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bóng nước lâu lành và có thể để lại sẹo.

-    Để giảm cảm giác ngứa, có thể đắp gạc lạnh lên vùng ban, bóng nước bị ngứa, tắm rửa và giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

-    Cần gặp bác sĩ để được cho thuốc giảm ngứa nếu các biện pháp trên không hiệu quả.

-    Đối với trẻ nhỏ, nên cắt móng tay cho trẻ, đeo găng tay, đặc biệt là ban đêm.

2.    Hạ sốt

Ở những trẻ có sốt cao, nên sử dụng Paracetamol để hạ sốt, theo liều lượng được hướng dẫn bởi nhân viên y tế. Không nên sử dụng các thuốc hạ sốt có thành phần Aspirine vì làm tăng nguy cơ bị hội chứng Reye – một tình trạng hiếm nhưng rất trầm trọng và thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên sau nhiễm cúm và thủy đậu. 

3.    Phòng ngừa lây bệnh cho cộng đồng

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, người bệnh cần chủ động phòng tránh lây bệnh cho người khác. Nên nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế đi học và đi làm cho đến khi bóng nước đóng mài, thông thường khoảng 10 ngày khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc có thể kéo dài hơn. Người bệnh nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

Nguồn: Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: bệnh thủy đậu