09/08/2017 15:45 GMT+7

​Sớm nhận biết và chăm sóc, nâng đỡ trẻ bị lạm dụng tình dục

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Các bậc phụ huynh hãy sớm nhận biết những dấu hiệu trẻ bị lạm dụng tình dục để có sự quan tâm chăm sóc, nâng đỡ trẻ về mặt tâm lý.

Trước đây, những vấn đề tính dục hoặc liên quan tới tính dục đều không được nói đến và coi như một điều cấm kỵ. Do đó, vấn đề lạm dụng tình dục, dù có được quan tâm, cũng ít ai dám nói ra một cách thẳng thắn và công bằng, cũng như nạn nhân của việc xâm hại này cũng chưa được quan tâm về mặt tâm lý.

Những dấu hiệu lâm sàng của lạm dụng tình dục

Đây là những dấu hiệu được các nhà tâm lý lâm sàng của Pháp và Việt Nam tổng hợp lại qua nhiều năm:

- Rối loạn giấc ngủ: thường có ác mộng, chủ yếu là những giấc mơ dữ như rơi vào khoảng không, bị chôn vùi, bị vật nặng đè, bị rượt đuổi…, trẻ có thể bị thức giấc giữa đêm với tâm trạng hoảng sợ, la hét, khóc thét…

- Biểu hiện của sự thoái lùi: trẻ có thể bị rối loạn cơ vòng như tiểu dầm hoặc ỉa đùn.

- Chứng lo âu hoặc ám sợ: thường xảy ra rất đa dạng, như: ám sợ phòng có nước, không chịu cởi quần áo, không chịu đi vệ sinh ở trường, có xu hướng làm sạch thái quá trong cách lau chùi, sợ đàn ông, có khuynh hướng tự nhốt mình vào phòng, sự bị đụng chạm vào người, tỏ ra hoài nghi với người khác…

- Triệu chứng trầm cảm: được biểu hiện bằng những triệu chứng như buồn bã, thiếu tự tin, thu mình, tự đánh giá thấp bản thân, khóc không rõ lý do, có ý định tự tử hoặc hành vi tự hủy hoại khác (tự làm đau mình).

- Rối loạn ăn uống: thường xảy ra trong phạm vi trẻ bị lạm dụng tình dục bằng đường miệng, như: nôn mửa, chán ăn hoặc ăn uống vô độ, không kiểm soát.

- Rối loạn hành vi tổng quát: hành vi xâm hại, khiêu khích có thể được biểu lộ như: tranh cãi với người lớn, tranh chấp với bạn bè, có hành vi tăng động bất thường, hành vi trưởng thành giả tạo cũng được coi là dấu hiệu đặc biệt của việc bị lạm dụng tình dục (trẻ đảm nhận vai trò người lớn như mẹ hoặc vợ), đôi lúc, trẻ biểu hiện hành vi dao động giữa trẻ con, chưa trưởng thành hoặc thoái lùi và tính cách trưởng thành quá mức của người lớn.

- Biểu lộ tình dục: có những dấu hiệu đặc biệt sau: quan tâm quá mức với những gì liên quan tới tình dục, có trò chơi tình dục được mô phỏng qua búp bê, bạn cùng lớp; chứng phô bày cơ thể, nhất là phô bày cơ quan sinh dục; hình vẽ bất thường; thái độ quyến rũ của trẻ đối với người lớn, tò mò tình dục một cách trầm trọng, thích vuốt ve thái quá vài vùng của cơ thể hoặc ngược lại là tránh né sự vuốt ve của những người lớn quen biết.

- Khó khăn trong học tập: triệu chứng thất bại học đường, có kết quả học giảm, mất tập trung chú ý, mất động cơ học, ngủ gật trong lớp, mất hoạt động vui chơi, sáng tạo, thái độ chống đối thầy cô, sự tự cô lập trong lớp…

- Rối loạn thể chất: đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu dầm, ỉa đùn, đau hoặc ngứa bộ phận sinh dục hoặc hậu môn, nhức đầu, choáng váng, suy nhược…

Phản ứng tâm lý của trẻ bị lạm dụng tình dục

- Câm lặng: sau khi bị lạm dụng, trẻ thường bị người lạm dụng hăm doạ bằng những ý nghĩ như sau: “Nếu mày nói ra, sẽ không ai thương mày”, “Nếu mày nói ra, ba mẹ mày sẽ không còn thương yêu mày”, “Nếu mày nói ra, tao sẽ giết mày”… Cho nên, việc giữ kín việc bị lạm dụng là vì sẽ sợ bị trừng phạt, sợ sự trả thù.

- Sự bất lực: Tâm lý gia Summit, vào năm 1983 đã nói về trạng thái bất lực của trẻ bị lạm dụng như sau: “Người lớn tìm đến trẻ con như đối tác tình dục thì nhanh chóng khám phá ra rằng trẻ không tự vệ, không than phiền và không chống cự”. Trẻ có sự phục tùng để đảm bảo an toàn cho mình.

- Mặc cảm tội lỗi: Song song với cảm giác bất lực ở trên, những trẻ lớn bị lạm dụng thường mang mặc cảm tội lỗi vì biết đây là việc xấu mà mình thì không làm gì để ngăn việc đó lại, và nếu bị người thân lạm dụng thì trẻ lớn còn nghĩ mình đã làm điều loạn luân, vì trẻ không phân biệt được là lỗi của người lạm dụng chứ không phải của mình. Còn đối với trẻ nhỏ, trẻ sẽ mang mặc cảm tội lỗi bởi nghĩ rằng mình có lỗi gì đó nên bị trừng phạt (bị đối xử hung hăng, đau đớn khi bị lạm dụng).

- Thu mình, giảm tự tin, thụ động, dễ bảo…

Hậu quả lâu dài của việc bị lạm dụng tình dục

- Sự kéo dài của các triệu chứng lo âu, mất ngủ, ác mộng, rối loạn trí nhớ, sống không thực tế, quá nhạy cảm, rối loạn ăn uống.

- Hay mắc cỡ, chịu đựng sự làm nhục, trầm cảm, buồn, giận dữ, thiếu tự tin, hoài nghi, có hành vi hủy hoại…

- Rối loạn tình dục: không đạt được khoái cảm tình dục về sau, bị lãnh cảm, đau khi giao hợp.

- Rối loạn mối quan hệ với người khác: vì sự thu mình và ngờ vực, nên việc thiết lâp và giữ được mối quan hệ là một điều khó khăn với nạn nhân bị lạm dụng, nhất là với giới phái tương đương với giới phái của người đã lạm dụng mình.

- Rối loạn chức năng xã hội: rất nhiều trường hợp nạn nhân của lạm dụng tình dục lúc nhỏ, lớn lên hành nghề mại dâm, tội phạm, trốn nhà, lạm dụng chất gây nghiện…

Chăm sóc, chữa trị

Xét về mức độ nghiêm trọng, chấn thương vì bị lạm dụng tình dục được coi là một chấn thương suốt đời của một con người và cần được chăm sóc tốt.

- Y tế: Khám phụ khoa và chăm sóc y tế về những triệu chứng trên cơ thể nếu có.

- Tâm lý, xã hội: Hãy cho các em biết đây là một tai nạn và các em là một người gặp nạn. Điều này tránh được cho các em có mặc cảm tội lỗi hoặc có ác cảm với vấn đề tình dục. Các em cần sự nâng đỡ, lắng nghe, chia sẻ và một môi trường sống an toàn.

Phụ huynh cần làm gì để giúp con em mình phòng tránh việc bị lạm dụng

Hiện nay, tại Việt Nam, vấn đề tính dục vẫn bị coi là một trong những vấn đề cấm kỵ. Cho nên, vấn đề giáo dục giới tính sớm vẫn được rất nhiều khen chê, e dè trong giáo dục và xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học, việc giáo dục giới tính theo lứa tuổi là điều rất cần thiết. Khoa học về giới tính cũng như những môn khoa học khác và việc hiểu biết về giới tính cũng là một kiến thức phổ thông cần được trang bị.

Hơn nữa, đó còn là vấn đề sức khỏe. Việc giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản sẽ giúp trẻ biết yêu quý bản thân mình, biết bảo vệ chính mình và tôn trọng cơ thể người khác.

Đối tượng lạm dụng trẻ em thường là người thân hoặc người quen, là những người mà trẻ ít hoài nghi nhất, tin tưởng, cởi mở nhất. Cho nên, đối với trẻ nhỏ, phụ huynh có thể hướng dẫn con em biết những nơi nào trên cơ thể mình là thuộc riêng về chính các em, và không ai có quyền được xâm phạm vào kể cả người thân; các em cần kêu cứu hoặc tìm tới ai khi bị người khác chạm vào những nơi đó.

Đối với trẻ vị thành niên, phụ huynh cần hướng dẫn các em về sự thay đổi cơ thể trong giai đoạn dậy thì (có nhiều sách hướng dẫn đã được xuất bản và bán tại các nhà sách), giáo dục về sức khỏe sinh sản, hướng các em tới những sinh hoạt bạn bè lành mạnh, chơi thể thao, thường xuyên trò chuyện tâm sự để các em có thể tìm thấy tình thương yêu từ gia đình.

Điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương cho con cái về lối sống lành mạnh, tạo sự tin tưởng và chở che cho các con, dành thời gian trò chuyện hàng ngày để hiểu và kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên