02/08/2017 16:01 GMT+7

​Tại sao khi bị vết thương hở ngoài da phải tiêm phòng uốn ván

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Thông thường khi bị những vết thương trầy xước hay làm rách da, người bị thương được các nhân viên y tế khuyến cáo và chỉ định tiêm phòng uốn ván.

Vậy uốn ván là bệnh gì, tại sao phải cần tiêm phòng và tiêm phòng bằng gì?

Đặc điểm của bệnh uốn ván

Uốn ván là một bệnh cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào dòng máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh-cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó, xuất hiện các cơn co giật. Cơn co giật thường xuất hiện khi có kích thích nhưng cũng có thể xuất hiện tự nhiên.

Tùy theo mức độ nhiễm độc, vị trí vết thương, độ rộng vết thương cũng như điều kiện yếm khí tại vết thương, biểu hiện triệu chứng lâm sàng có thể là khu trú (uốn ván thể đầu, co giật một chi...) hay uốn ván toàn thể.

Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4-21 ngày, thường trong vòng 7-10 ngày. Bệnh nhân dễ bị tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.

Tỷ lệ tử vong của uốn ván tùy thuộc vào điều kiện hồi sức cấp cứu và điều trị sớm hay muộn, thông thường thì tỷ lệ chết rất cao, có thể từ 10 - 80%. Xử trí điều trị bằng cách xẻ mở rộng vết thương, loại bỏ điều kiện yếm khí, dùng thuốc kháng sinh có hiệu lực cao để diệt vi khuẩn kết hợp với liệu pháp huyết thanh, chống co giật và hồi sức tốt.

Tại sao bị vết thương trầy xước, rách da phải tiêm phòng uốn ván?

Khi bị một vết thương làm trầy xước hoặc rách hở da thì ở tại chỗ bị thương tổn trực khuẩn uốn ván từ môi trường bị nhiễm bẩn chung quanh có thể xâm nhập vào và gây bệnh. Vì vậy khi bị vết thương, cần tiêm phòng uốn ván để chủ động bảo vệ an toàn, ngăn ngừa trước những hậu quả nặng nề có thể xảy ra làm thiệt hại đến tính mạng.

Trong trường hợp khẩn cấp này, tiêm phòng không sử dụng vaccin uốn ván mà sử dụng loại globulin miễn dịch uốn ván. Globulin miễn dịch uốn ván được dùng để phòng ngừa cho người bị thương chưa được miễn dịch và có nguy cơ cao bị uốn ván.

Liều Globulin miễn dịch uốn ván là 250 IU (đơn vị quốc tế) được tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị thương. Nếu chậm quá 24 giờ thì cần phải tăng liều lên 500 IU. Giải độc tố uốn ván (vaccin uốn ván) được chỉ định tiêm cùng lúc vào một tay khác cùng với liều tiêm Globulin miễn dịch uốn ván. Globulin miễn dịch uốn ván lấy từ huyết tương của người được chọn và được cô đặc kháng thể kháng uốn ván, đóng gói dưới dạng dung dịch pha loãng 16%. Ngoài ra còn có loại Globulin miễn dịch uốn ván được chế tạo từ huyết tương người để tiêm tĩnh mạch, sản phẩm này được dùng để điều trị bệnh uốn ván. Liều lượng sử dụng tùy thuộc mức độ bệnh nặng, bệnh nhẹ trên lâm sàng; có thể dùng 4.000 đến 20.000 IU tiêm bắp thịt hoặc tiêm tĩnh mạch. Ống Globulin miễn dịch uốn ván có nồng độ pha loãng 6% chứa 4.000 IU.

Vậy vaccin uốn ván sử dụng khi nào?

Bệnh uốn ván có thể phòng ngừa dễ dàng bằng cách tiêm vaccin phòng uốn ván. Vaccin phòng uốn ván thường được sản xuất phối hợp với vaccin phòng bệnh bạch hầu và ho gà. Vaccin phòng bệnh uốn ván hiện nay được sử dụng thuộc loại vaccin uốn ván hấp phụ, có nhiều tên thương mại khác nhau và có giá trị thời gian bảo vệ trong vòng 5 năm.

Tác dụng phụ có thể xảy ra ở chỗ tiêm như nổi quầng đỏ, sưng nhẹ, sốt thoáng qua và tự mất đi; đôi khi cũng bị các phản ứng nhạy cảm trong các trường hợp tiêm nhắc lại quá nhiều lần. Vaccin được khuyến cáo chống chỉ định sử dụng đối với những người đang mắc bệnh cấp tính, có phản ứng với lần tiêm trước, đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác...

Việc tiêm vaccin phòng bệnh uốn ván phải có sự chỉ định, giám sát, hướng dẫn cụ thể của nhân viên y tế từ việc tiêm để tạo miễn dịch cơ bản cho người lớn và trẻ em có các hoạt động dễ bị chấn thương như người làm vườn, nông dân, vận động viên, trẻ hay nô đùa, chạy nhảy...; vaccin cũng được sử dụng cho phụ nữ đang ở lứa tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai chưa tiêm lần nào để phòng bệnh uốn ván sơ sinh.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: phòng uốn ván