25/07/2017 17:00 GMT+7

​Nguyên tắc tiếp cận tai nạn thương tích

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Khi tiếp cận tai nạn thương tích (những trường hợp chấn thương) chúng ta phải rất bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân xảy ra sự cố, các yếu tố nguy hiểm gây tai nạn hoặc có nguy cơ gây tai nạn.

Khi cấp cứu nên gọi thêm nhiều người đến hỗ trợ vì có các tổn thương không tự bản thân làm được nếu chỉ có một mình.

Mục đích của sơ cấp cứu nhằm duy trì sự sống, giảm thiểu các trường hợp thương vong, hạn chế tình trạng xấu đi của người bị nạn, hỗ trợ người bị nạn hồi tỉnh, thúc đẩy quá trình phục hồi. Nạn nhân trong tai nạn thương tích thường gặp là ngừng tim, không thở, bỏng, gãy tay chân, đa chấn thương... Do vậy, nếu không được xử lý đúng đắn và kịp thời sẽ để lại những di chứng suốt đời hoặc tử vong.

Thứ tự khi tiếp cận tai nạn thương tích:

1. Gọi to nhiều người giúp;

2. Tìm và phát hiện các mối nguy hiểm;

3. Gọi điện thoại số 115;

4. Thực hiện an toàn hiện trường;

5. Thực hiện an toàn cho nạn nhân;

6. Tìm các dấu hiệu cần sơ cứu ở nạn nhân để xử lý kịp thời.

- Gọi to nhiều người giúp

Gọi nhiều người cùng giúp đỡ, cần có một người điều phối, phân công cho từng người khác để sự phối hợp đồng bộ.

- Tìm và phát hiện các mối nguy hiểm

Các mối nguy hiểm từ môi trường: nguồn điện, dây điện, mảnh kính, hồ bơi sâu hay cạn, sự hung dữ của các con vật (chó, mèo…), xe cộ đi lại qua hiện trường, các loại hóa chất, các nguy cơ cháy nổ…

Các mối nguy hiểm từ con người: phơi nhiễm với chất thải, máu của nạn nhân.

- Gọi điện thoại số 115

+ Hoặc cơ quan chức năng khác 114, 113;

+ Hoặc cơ sở y tế gần nhất có đội cấp cứu chuyên nghiệp (ngoại viện).

Bạn cần cung cấp cho nhân viên tổng đài thông tin:

• Lý do gọi;

• Địa chỉ xảy ra tai nạn hoặc điểm mốc;

• Tình hình hiện trường;

• Tình hình nạn nhân;

• Số điện thoại của bạn.

- Thực hiện an toàn hiện trường

+ Quan sát, xác định xem hiện trường có an toàn hay không. Loại bỏ các nguy cơ không an toàn.

+ Khi hiện trường đã an toàn: tìm hiểu tình huống xảy ra là gì? Nguyên nhân? Nạn nhân nhiều hay ít...

+ Đường điện đứt, lộ trần. Ngắt nguồn điện hoặc cách ly khỏi khu vực cấp cứu. Nguồn cháy nổ: đề phòng nguồn cháy nổ.

- Thực hiện an toàn cho nạn nhân

Nhanh chóng đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường nguy hiểm như: hồ bơi, ổ điện… (cảnh giác cách di chuyển nếu nghi ngờ chấn thương cột sống).

- Tìm các dấu hiệu cần sơ cứu ở nạn nhân để xử lý kịp thời

+ Tỉnh hay bất tỉnh;

+ Còn thở hay ngưng thở;

+ Chấn thương đầu - cột sống cổ;

+ Vết thương chảy máu, xuyên thấu;

+ Gãy xương khác;

+ Trật khớp;

+ Bỏng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục