28/06/2017 16:00 GMT+7

​Điều trị, phòng ngừa các bệnh về khớp ở người cao tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Người cao tuổi thường mắc những bệnh về khớp như thoái hóa khớp, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp...; trong đó thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất.

Nguyên nhân

Thoái hóa khớp là hậu quả của một quá trình tổn thương kéo dài tại khớp gây mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Khi quá trình hủy xương tăng nhanh làm hủy hoại phần sụn ở mặt khớp và tổ chức xương dưới sụn, dẫn đến hư khớp, dính khớp, biến dạng khớp gây đau liên tục và tàn phế.

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi thường liên quan đến một số yếu tố sau:

- Do khớp phải làm việc quá sức gây quá tải làm mất cân bằng quá trình tạo xương, làm khớp bị hư hại và bào mòn.

- Do một số bệnh viêm khớp mạn tính kéo dài gây hủy hoại phần sụn tại khớp, xương dưới sụn và các tổ chức quanh khớp như các bệnh viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh Goute...

- Do các chấn thương liên tục tại khớp xảy ra trước đó trong thời kỳ còn trẻ cũng làm mất sự ổn định của khớp và các dây chằng quanh khớp, hoặc chấn thương trực tiếp lúc tuổi già như té ngã.

Thoái hóa khớp cũng là điều tất yếu xảy ra khi có tuổi. Nó là quá trình lão hóa tổ chức sụn khớp, đầu xương, phần mềm quanh khớp, và cũng là hậu quả của các bệnh viêm đau khớp mạn tính khác như đã nêu trên. Nó xảy ra ở mọi khớp trên cơ thể, từ các khớp ngoại biên ở tay chân đến các khớp ở cột sống.

Điều trị

Điều trị các bệnh về khớp thường gặp ở người cao tuổi nhằm mục đích chính là giảm đau, giữ gìn và duy trì chức năng vận động của các khớp.

Cho đến nay chưa có một biện pháp nào hữu hiệu để cải lão hoàn đồng, nhưng với kiến thức y học ngày càng hoàn thiện, chúng ta có thể làm quá trình thoái hóa khớp chậm lại, các bệnh viêm khớp giảm đi, giữ gìn và bảo vệ các tổ chức như sụn khớp, xương dưới sụn, các dây chằng quanh khớp nhằm duy trì chức năng vận động cho đến cuối cuộc đời. Điều này vô cùng có ý nghĩa với cuộc sống của người cao tuổi.

Để đạt được điều đó, việc điều trị phải có sự kết hợp hài hòa giữa điều trị bằng thuốc và các biện pháp không dùng thuốc. Ngay từ đầu phải xác định rằng phương pháp không dùng thuốc là nhân tố quan trọng.

Phương pháp không dùng thuốc khi mắc các bệnh về khớp là:

- Chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại 30 phút một lần, ngày một đến ba lần.

- Dùng sóng ngắn hoặc sóng siêu âm điều trị.

- Dùng xung điện để giảm đau.

Các biện pháp này được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa về khớp hoặc bác sĩ đông y - vật lý trị liệu. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn những nguyên tắc cơ bản để tự luyện tập xoa bóp, chăm sóc và bảo vệ chức năng vận động của khớp, tránh tăng cân, béo phì, tránh mang vác nặng, tránh các động tác xấu như ngồi xổm, ngồi bó gối, tránh đứng lâu, tránh đi xuống đi lên cầu thang nhiều...

Khi các biện pháp không dùng thuốc không đỡ đau hoặc bệnh đang trong đợt cấp của đau khớp nên phối hợp phương pháp dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ như dùng giảm đau đơn thuần, giảm đau kháng viêm, giãn cơ, corticoide, các tác nhân sinh học như hyaluronic acid... và có thể tiêm tại khớp nhưng phải được bác sĩ chuyên khoa xương khớp thực hiện.

Những trường hợp đau khớp kéo dài do biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp mà đặc biệt là ở các khớp lớn như khớp gối, khớp vai, khớp cổ chân, khớp háng thì có thể phẫu thuật để lấy mô viêm, mô sụn bị tổn thương bong tróc nằm trong mặt khớp hoặc có thể thay khớp.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa các bệnh về khớp thường gặp ở người lớn tuổi phải tuân thủ một số chế độ ăn uống, hoạt động và tập luyện hợp lý.

1. Chế độ ăn, uống:

Phải tránh các thức ăn chiên xào, các thức ăn chế biến sẵn, tránh ăn nhiều muối và các phụ gia, giảm axit béo từ động vật, giảm đường và các carbonhydrat khác, không uống rượu, bia và thuốc lá, thay vào đó ăn các thức ăn luộc, ăn nhiều rau quả, tăng các loại đậu như là đậu đỏ, đậu que, đậu phộng, đậu nành...

Ăn nhiều thực phẩm có nhiều vitamin C và E như đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc. Nên dùng các thực phẩm có nhiều Omega 3 như dầu ô liu, các loại hạt, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích.

Các thực phẩm góp phần giảm đau khớp như cá hồi, dầu ôliu, nghệ, sữa, hành tây, tỏi, quả mâm xôi, dâu tây, bông cải xanh, anh đào, ớt đỏ...

Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng để bồi dưỡng sụn khớp.

Uống đủ nước 2-3 lít ngày để các khớp duy trì mật độ nước tại sụn khớp, làm cho khớp trơn tru.

2. Thường xuyên vận động:

Việc tập luyện không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn tốt cho hệ xương, cơ, khớp. Tập luyện hàng ngày giúp tăng cường và củng cố hoạt động dẻo dai của các khớp. Luyện tập được xem như một liều thuốc quý rất bổ ích cho sức khỏe con người và cực kỳ công hiệu trong việc giảm đau các khớp.

Tập luyện phải phù hợp với tuổi tác của người cao tuổi, tập nhẹ nhàng như tập Yoga, đi bộ, tập co dãn các khớp... Phải tập luyện thường xuyên để cho các khớp và hệ cơ luôn mạnh khỏe, dẻo dai.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên