27/06/2017 15:34 GMT+7

​Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy đúng cách

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Một người bình thường ăn uống bình thường có thể bài tiết 100-200g phân. Theo tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chảy được định nghĩa là sự gia tăng số lần đi tiêu trong 1 ngày (trên 3 lần) với trọng lượng phân bài tiết trên 200g/ngày.

Tuy nhiên tiêu chảy cũng là một phản ứng có lợi cho cơ thể nhằm đưa hết những chất có hại cho cơ thể như độc tố hoặc các men do vi khuẩn gây hại tiết ra. Vì vậy, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về bệnh tiêu chảy, có kiến thức xử trí thích hợp và kịp thời.

Nguyên nhân tiêu chảy

Nguyên nhân phổ biến nhất là do nhiễm virut như Rotavirus, Astrovirus… Có thể do vi trùng (Salmonella, Shigella…), ký sinh trùng (Entamoebahistolytica,  Giardialamblia…). Nấm, thuốc men, thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, antacid chứa Mg… cũng có thể gây ra tiêu chảy. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân gây ra tiêu chảy.

Tiêu chảy trẻ em có thể không có nguyên nhân rõ ràng và không do bệnh nào khác gây ra.

Tiêu chảy mạn tính có thể do bệnh mạn tính ảnh hưởng đến đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích…

Điều trị

- Tiếp tục ăn thức ăn bổ dưỡng, riêng trẻ nhỏ tiếp tục được cho bú mẹ.

- Dùng dung dịch bù nước và chất điện giải bằng đường uống (Oresol) 1gói pha trong 1 lít nước. Trường hợp không có sẵn Oresol có thể tự pha chế các dung dịch bù nước ở nhà để dùng với tỷ lệ: 1,5-3g muối (1/2-1 thìa cà phê) + 18g đường (2 thìa súp). Cần lưu ý nếu cho uống dung dịch chứa quá nhiều đường và muối việc mất nước sẽ trầm trọng hơn.

Chú ý:

- Trong khoảng 1-2 giờ đầu uống dung dịch bù muối, bệnh nhân hay ói (thường xảy ra ở trẻ em), trong trường hợp này chờ khoảng từ 5 đến 10 phút, sau đó sẽ cho uống từ từ trở lại.

- Không nên uống lượng lớn đường đơn như nước ngọt, nước trái cây vì sẽ làm gia tăng việc mất nước.

- Làm cân bằng vi sinh vật đường ruột:

+ Men vi sinh (vi khuẩn sống được đông khô) khi vào trong ruột chúng sinh sôi rất nhanh tạo ra một đội quân hùng hậu trấn áp vi khuẩn có hại để lập lại trạng thái cân bằng làm giảm triệu chứng tiêu chảy. Trường hợp tiêu chảy do sử dụng kháng sinh, lợi khuẩn Lactobacillus có thể giúp ngăn chặn tiêu chảy.

+ Chất hấp thu Attapulgite, Smecta, kaolin, pectin hay than hoạt tính dùng hấp thụ các độc tố, khí hơi trong đường ruột, lại có tác dụng bao phủ bề mặt niêm mạc ngăn cản phần nào sự bám dính của vi khuẩn hay độc tố nhưng đồng thời cũng ngăn cản sự hấp thu nước và các chất dinh dưỡng, do đó hạn chế sử dụng.

+ Loperamid cũng làm giảm số lần đi tiêu nhưng không được dùng với những người mắc bệnh nặng, việc sử dụng phải thận trọng.

+ Các chất acid mật như Cholestyramin có thể có tác dụng trong trường hợp bị tiêu chảy mạn tính do không hấp thu acid mật.

- Nhóm hỗ trợ: khi bị tiêu chảy thường có biểu hiện đau bụng, đau quặn thắt vùng rốn, không nên tùy tiện sử dụng thuốc giảm đau, chỉ nên dùng dầu gió, cao xoa bóp chữa đau bụng là tốt nhất.

- Sử dụng kháng sinh: chưa có số liệu đầy đủ để chỉ định sử dụng kháng sinh thường xuyên cho các bệnh tiêu chảy kéo dài, chỉ nên dùng sau khi đã phân lập được tác nhân gây bệnh cụ thể có vi trùng hoặc ký sinh trùng trong phân hoặc bệnh nhân có hội chứng lỵ, đi tiêu chảy có máu hoặc sốt cao…

Trường hợp mất nước nghiêm trọng, việc truyền dịch có thể được yêu cầu sử dụng.

Khi nào phải đi bệnh viện:

- Đi tiêu chảy hơn 3 ngày.

- Cảm thấy đau bụng hay đau ruột dữ dội.

- Nhiệt độ trong người trên 38 độ C.

- Đi tiêu chảy có máu trong phân hay phân màu hắc ín.

- Có dấu hiệu mất nước.

Phòng bệnh tiêu chảy:

- Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Đun sôi nước uống.

- Vệ sinh tay chân sạch sẽ.

- Uống đủ nước.

- Chuẩn bị thực phẩm cẩn thận.

- Tiêm chủng phòng Rotavirus

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên