26/06/2017 16:30 GMT+7

​Táo bón - bệnh lý nhiều người mắc phải

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế

Táo bón là một trong những rối loạn tiêu hóa khá phổ biến. Nguyên nhân thường gặp là do chế độ ăn không hợp lý và thiếu vận động. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng nó gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh.

Nguyên nhân

Táo bón có thể là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý tại đường tiêu hoá như: bệnh của đại tràng, suy giáp, tăng canxi máu, co thắt, nhu động giảm, phình đại tràng bẩm sinh...; bệnh ngoài đường ruột như ung thư gây chèn ép hoặc bệnh toàn thân như nhiễm độc chì, suy nhược cơ thể, một số bệnh lý thần kinh như bệnh Parkinson, thần kinh tâm thần bị ức chế như lo nghĩ, tức giận, buồn phiền…; tập quán sinh hoạt thiếu điều độ... hoặc có thể do rối loạn chức năng vận chuyển của ruột.

Do chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động (thường xảy ra với người làm công tác văn phòng), ăn uống không hợp lý (thiếu chất xơ, uống ít nước làm cho phân cứng, khó thải ra ngoài), ít vận động, stress, do uống thuốc tây (một số thuốc có tác dụng phụ gây táo bón: thuốc ngủ, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm, chống dị ứng, thuốc chữa dạ dày…).

Lười đi cầu, nén hoặc nhịn việc đi cầu, do thói quen đi đại tiện không đều, bị mất ngủ, căng thẳng thần kinh, do gặp phải những vấn đề ở ruột, hoặc hút thuốc lá, uống quá nhiều trà và cà phê.

Triệu chứng

Triệu chứng chung của táo bón là khi quá 3 ngày chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần trong một tuần và có thể có từng cơn đau quặn bụng, phân rắn màu đen và hay vón cục, muốn đại tiện được thì phải rặn mạnh đến nỗi có lúc bật cả máu tươi, ở một số người có biểu hiện là khi đại tiện rồi mà vẫn cứ cảm giác vẫn còn phân trong ruột. Tuy chỉ là triệu chứng nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nhưng táo bón gây nhiều phiền toái cho bệnh nhân.

Điều trị

Táo bón cần quyết tâm điều trị để tránh gây phiền phức trong cuộc sống, đặc biệt chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục. Đối với trẻ bị táo bón nên điều trị sớm, tránh gây biến chứng sau này. - Chế độ ăn uống

• Nên ăn nhiều các thức ăn chứa nhiều chất xơ (xenlulose), như các loại rau và hoa quả tươi, các loại măng... Chất xơ không hòa tan (có trong rau cải, trái cây…) làm phân xốp, giảm rủi ro phát triển bệnh táo bón. Bổ sung nhiều rau, củ quả để tăng cường chất xơ do chất xơ trong thực phẩm làm khối lượng phân tăng lên đáng kể sẽ kích thích vận động đường ruột, lại có thể bảo lưu thủy phần, tránh phân quá khô.

• Nên uống đủ nước uống 2 lít/ngày, giúp cho làm mềm phân.

• Ăn một số loại thức ăn có tác dụng nhuận tràng như mật ong, vừng, hạch đào, bơ, sữa trâu, sữa bò,...

• Khi đun nấu món ăn, có thể cho tăng một chút dầu ăn, như dầu đậu, dầu hạt cải, dầu vừng, dầu lạc,...

• Ăn một số thức ăn chứa vitamin nhóm B một cách thích hợp, như các loại đậu, lương thực thô, khoai lang, khoai tây, đu đủ,... để thúc đẩy nhu động ruột. Một số loại hoa quả khác như củ cải, cải thảo, bầu và giá đỗ cũng giúp trị táo bón. Ngoài ra quả mơ cũng giúp trị táo bón.

• Kiêng các thức ăn loại kích thích như rượu mạnh, trà đặc, cà phê, hẹ, tỏi, ớt, ít ăn các thức ăn tanh mặn vị đậm.

• Uống một ly sữa ấm trước khi đi ngủ. Điều này giúp cho cơ thể sẽ dễ dàng bài tiết ra những chất cặn bã để tiết ra bên ngoài vào sáng hôm sau. Trong trường hợp bị táo bón nặng, hãy hoà thêm 2 thìa cà phê thầu dầu vào trong ly sữa.

• Uống 1 lít nước ấm và đi bộ khoảng vài phút ngay lập tức sau khi thức dậy vào buổi sáng. Mỗi ngày vào buổi sáng sớm khi tỉnh dậy, uống một ly nước ấm lúc bụng đói.

• Uống nước chanh pha lẫn với nước ấm từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài ra nên ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hoá.

• Ăn chuối tiêu một quả mỗi ngày ăn một lần.

• Chỉ ăn khi đói, không nên ăn thành nhiều bữa và mỗi bữa ăn nên cách nhau 4 tiếng. Không nên ăn quá nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn.

• Nên hạn chế và tránh ăn những đồ ăn khô như đậu tương, lạc,... Một số thuốc có chứa chất canxi cũng không tốt (như thuốc chữa bệnh dạ dày). Các thuốc trị dị ứng (antihistamine), thuốc lợi tiểu diuretic, thuốc ngủ narcotic, thuốc làm dịu đau sedative… cũng là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên chứng táo bón.

- Chế độ sinh hoạt

• Luyện tập đều đặn, việc luyện tập chính là phương thuốc hữu hiệu giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón.

• Ngủ đủ giấc, thiếu ngủ cũng chính là một trong số những thủ phạm gây nên căn bệnh táo bón. Chính vì thế nếu không muốn bị chứng táo bón hoành hành mỗi ngày cần ngủ đủ giấc trong vòng khoảng 8 tiếng/ngày.

• Cần chú ý đi đại tiện kịp thời, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón.

- Dùng thuốc

Các thuốc điều trị táo bón được chia ra các loại sau:

• Thuốc trị táo bón tạo khối (igol, metamucil).

• Thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol): chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn.

• Các thuốc làm mềm phân (docusat) giúp nước thấm vào khối phân, làm phân mềm và dễ di chuyển hơn.

• Các thuốc bôi trơn (norgalax, microlax) dùng bơm hậu môn.

• Thuốc trị táo bón kích thích (bisacodyl, cascara), tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp các cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài.

Tuy nhiên, không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc chữa táo bón nào kéo dài quá 8 - 10 ngày, các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ, dùng lâu có thể gây biến chứng cho đường ruột, có hại cho gan, thận và đặc biệt nó không giải quyết được gốc rễ của bệnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên