26/06/2017 16:15 GMT+7

​Chanh đào chữa ho có tốt hơn chanh thường?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Chữa bệnh bằng phương pháp dân gian là một phương pháp phổ biến trong đời sống hàng ngày. Rất nhiều bà mẹ truyền tai nhau cách ngâm, chế biến chanh đào để chữa ho cho trẻ.

Thời tiết thay đổi, trẻ con nếu không cẩn thận sẽ rất dễ mắc phải chứng ho. Tuy nhiên, việc sử dụng nước chanh đào chỉ là hỗ trợ trong một số trường hợp chứ không phải là thuốc đặc trị.

Không có quanh năm như chanh thường, vào mùa chanh đào rất nhiều người tìm mua như tìm một vị thuốc quý khiến chúng trở nên “sốt”. Chanh đào có vỏ mỏng, ngả vàng khi chín, ruột hồng, mọng nước, mùi thơm hơi hắc, được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và Đà Lạt. Giá chanh đào chênh lệch gấp 2 đến 3 lần so với chanh thường. Khi được hỏi về công dụng chữa ho có tốt như mọi người truyền miệng thì người bán hàng nói cũng chỉ biết qua truyền miệng, khi bán cũng giới thiệu thế thôi chứ chưa bao giờ áp dụng. Không chỉ khan hiếm ngoài thị trường, trên các trang mạng xã hội, chanh đào cũng được rao bán khá nhiều kèm theo những lời quảng cáo về công dụng hữu hiệu mà chanh đào mang lại.

Liệu chanh đào có tốt như nhiều người vẫn ca ngợi?

Trong danh mục thuốc Đông y, chanh chỉ có một loại bởi chúng có tác dụng như nhau. Và chưa có nghiên cứu cụ thể nào nói công dụng của chanh đào tốt hơn chanh thường, mà chủ yếu là theo kinh nghiệm dân gian. Vì vậy không nhất thiết phải tốn tiền để mua chanh đào. Chỉ cần dùng chanh ngâm mật ong, đường phèn trong trường hợp ho gió, ho do phong hàn. Những trường hợp ho mà không có sốt thì có thể dùng được, còn nếu ho mà có kèm sốt và triệu chứng khó thở tức là có nhiễm khuẩn thì cần đưa ngay đến bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Chanh đào hay chanh thường đều có thể làm thuốc trị nhiều bệnh. Vỏ và lá chứa nhiều tinh dầu, được dùng để trị ho, cảm cúm, hạ sốt… nên thường là thành phần trong nồi nước lá xông. Ruột quả chứa nhiều vitamin A, B1, B2, đặc biệt là vitamin C, có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, tiêu độc…

Ngoài ra, ruột quả chanh chứa hàm lượng đáng kể axit citric nên rất có tác dụng phòng trị ho, khản tiếng.

Với những người đã bị ho nặng, ho do nhiễm vi trùng, do vi khuẩn thì chỉ dùng chanh không hiệu quả mà cần đi khám bác sĩ và điều trị theo phác đồ kháng sinh.

Đặc biệt khi sử dụng chanh, nên lưu ý khi bị đi ngoài, trướng bụng thì tránh dùng. Chanh kích thích tiết tân dịch nên có thể khiến tình trạng đau bụng, tiêu chảy nặng hơn. Việc lạm dụng chanh ngâm mật ong để trị ho cũng gây tác hại cho đường tiêu hóa. Sử dụng phương pháp này để chữa ho cho trẻ em cần lưu ý tùy theo lứa tuổi để sử dụng liều lượng hợp lý. Cần pha loãng tránh để ngọt quá, trẻ càng nhỏ thì dùng lượng càng ít, độ ngọt nhẹ nhàng. Nếu ngọt sắc có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, họng.

Mỗi phương pháp, mỗi bài thuốc dân gian đều có cái phù hợp và cái chưa phù hợp, điều đó còn phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và thể trạng của từng người. Để phòng cũng như điều trị có hiệu quả thì việc áp dụng phương pháp đó như thế nào, liều lượng ra sao thì phải nhờ sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ chuyên môn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên