21/06/2017 14:50 GMT+7

​Rối loạn lipid máu - cần kiểm tra thường xuyên

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Lipid máu hay mỡ trong máu là tên gọi chung của các cholesterol và triglycerid máu. Các thành phần lipid máu thường được quan tâm là: cholesterol toàn phần, triglycerid, lipoprotein trọng lượng phân tử thấp (LDL-C) và lipoprotein trọng lượng phân tử cao (HDL-C).

Rối loạn lipid máu là yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch. Do vậy, điều trị tốt tình trạng này sẽ tránh được các biến chứng do bệnh vữa xơ động mạch gây ra: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên gây hoại tử chi... Nghĩa là góp phần tăng tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống, chưa kể đến việc không tốn kém chi phí cho gia đình và xã hội nếu phải điều trị các tai biến nói trên.

Nguyên nhân

Ăn quá nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân chủ yếu gây tăng cholesterol máu, dẫn đến rối loạn lipid máu. Các chất béo bão hòa có trong thức ăn có mỡ động vật (trừ mỡ cá), sữa và các sản phẩm từ sữa, bơ.

Những người bị thừa cân hoặc béo phì, uống nhiều rượu, ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu.

Mặt khác, rối loạn lipid máu thứ phát do mắc một số bệnh: đái tháo đường, hội chứng thận hư, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai...

Triệu chứng

Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều không có dấu hiệu gì báo trước và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. Mẫu máu xét nghiệm thường được lấy từ máu tĩnh mạch ở cánh tay và cần nhịn đói ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm máu (thường lấy mẫu máu vào buổi sáng sớm trước bữa ăn sáng).

Một số trường hợp có thể phát hiện được bệnh nhờ dấu hiệu lắng đọng cholesterol ở dưới da hay ở vùng quanh mi mắt.

Ở những người trên 45 tuổi, nên kiểm tra lipid máu định kỳ hàng năm. Kiểm tra lipid máu cho những người trẻ hơn nếu có các yếu tố nguy cơ khác như bị tăng huyết áp, hút thuốc lá hay tiền sử có người trong gia đình bị bệnh động mạch vành.

Nói chung, việc theo dõi định kỳ lipid máu phụ thuộc vào tuổi, mức độ nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và do bác sĩ yêu cầu. Trẻ em thường không cần kiểm tra lượng lipid máu trừ khi bị bệnh đái tháo đường hoặc béo phì.

Phòng bệnh

Để phòng bệnh, cần thay đổi lối sống, sống tích cực và tập thể dục đều đặn (đi bộ, bơi lội, chạy bộ...) giúp cải thiện rối loạn lipid máu và rất tốt cho tim mạch.

Kiêng ăn mỡ heo, mỡ bò, mỡ gà, mỡ vịt, các phủ tạng động vật như gan, lòng, óc, thận, các thịt tạp vụn như cổ, cánh, da...

Hạn chế ăn lòng đỏ trứng gà, vịt. Nên ăn nhiều chất xơ, nhiều rau quả tươi, nhiều cá, thịt nạc và ít muối.

Nếu béo phì, cần giảm cân bằng cách ăn kiêng, tăng cường tập thể dục, giảm lượng rượu hàng ngày ở những người nghiện rượu thừa cân.

Nếu các biện pháp không dùng thuốc không đem lại hiệu quả, bạn cần phải dùng thuốc dưới sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên