20/06/2017 16:15 GMT+7

​Các bệnh lý về răng miệng và cách chăm sóc

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định

Các bệnh lý răng miệng thường gặp nhất và có số lượng bệnh nhân mắc phải cao nhất là sâu răng, viêm nướu, viêm loét niêm mạc miệng, các bệnh lý viêm mô tế bào vùng mặt do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do biến chứng của sâu răng hoặc có thể do răng số 8 (răng khôn) mọc lệch, kẹt…

Đặc điểm chung thường gặp ở những bệnh nhân không có thói quen khám răng miệng định kỳ là thường đến khám khi bệnh đã phát triển ở mức độ nặng và có thể gây biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây nên bệnh sâu răng là do vệ sinh răng miệng không đúng cách kết hợp với chế độ ăn tùy tiện không đi kèm với việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Bệnh sâu răng tiến triển từ nhẹ đến nặng qua các giai đoạn sâu men, sâu ngà, sau đó gây viêm tủy răng, hoại tử tủy răng dẫn đến các biến chứng tại mô quanh chân răng như viêm quanh chóp, áp xe quanh chóp răng hoặc viêm mô tế bào do răng.

Mặt khác, bệnh viêm nướu do vôi răng hay nặng hơn là viêm nha chu do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho mảng bám răng hình thành. Nếu mảng bám răng không được loại bỏ hàng ngày, kéo dài sẽ gây vôi răng, làm nặng hơn tình trạng viêm nướu theo thời gian nướu răng sưng, đỏ và rất dễ chảy máu. Bệnh nặng hơn có thể gây tiêu xương ổ răng, dẫn đến mất răng, gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.

Đối với bệnh lý viêm loét niêm mạc miệng cũng là một bệnh lý thường gặp. Bệnh có biểu hiện là các vết loét xuất hiện trong miệng, có thể ở môi, lưỡi, niêm mạc má hoặc nướu răng, thường gây đau rát và khó chịu, ảnh hưởng đến ăn, uống, sinh hoạt. Viêm loét niêm mạc miệng thường do rất nhiều nguyên nhân như do chấn thương cơ học từ răng – hàm giả, do dùng thuốc, do bệnh toàn thân, nhiễm trùng, nhiễm nấm, do thiếu vitamin. Đa số bệnh thường tự khỏi sau 1-2 tuần, nhưng bệnh nhân cũng cần được khám và tư vấn, vì đôi khi chúng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nặng hơn.

Phòng ngừa

Biện pháp đầu tiên nhất, đơn giản nhất để nâng cao sức khỏe răng miệng, đó là việc giữ vệ sinh răng miệng. Chải sạch răng ít nhất 3 lần mỗi ngày, kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám, thức ăn trên bề mặt răng và giữa các kẽ răng. Thường xuyên thay bàn chải mới, trung bình khoảng 3 tháng 1 lần.

Tiếp theo, cần giữ chế độ ăn cân bằng, hạn chế các bữa ăn vặt giữa bữa ăn chính. Đối với trẻ em cần được đảm bảo sử dụng nguồn nước được Flour hóa, hoặc dùng các biện pháp bổ sung Flour nếu sống trong vùng nước chưa được Flour hóa.

Duy trì việc đến nha sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng 6 tháng 1 lần, để được tư vấn và điều trị kịp thời các bệnh lý về răng miệng.

Ngoài ra, cần đến nha sĩ khi có một trong những biển hiện sau: đau răng – miệng, chảy máu nướu răng, miệng có mùi hôi, khô miệng, cảm giác ê buốt răng, cảm giác nóng rát trong miệng, thay đổi vị giác, giắt thức ăn thường xuyên giữa các kẽ răng, các vết loét, các vết thay đổi màu sắc trong miệng… Tất cả các dấu hiệu trên đều cần được khám, tư vấn để phát hiện sớm các bệnh lý nặng, ngăn ngừa biến chứng nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân.

Chế độ ăn uống hợp lý góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng. Một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe răng miệng cần hạn chế sử dụng, hoặc nếu sử dụng cần đi kèm với việc vệ sinh răng miệng hợp lý. Các loại trái cây, thực phẩm có vị chua thường có tính acid, gây mất khoáng, bào mòn men răng. Vì vậy, sau khi sử dụng cần súc miệng với nước, chải răng sau 30 phút, kết hợp với việc sử dụng các loại kẹo cao su nhai không đường có chứa xyliton để loại bỏ acid ở răng và tăng tiết nước bọt có tác dụng làm sạch.

Các loại thực phẩm có tính dính như bánh nếp, các loại trái cây khô sau khi ăn thường dính vào các kẽ răng, mặt răng, khó làm sạch dẫn đến sâu răng. Vì vậy, khi ăn các thực phẩm này cần nhai kỹ và vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau đó.

Mặt khác, các loại trái cây sấy khô như nho, mận, chuối khô chứa các cellulo không hòa tan có tính bám dính mạnh, làm tăng bám dính các chất đường và vi khuẩn trên răng, gia tăng khả năng sâu răng. Thức uống như rượu vang, trà gây vết dính trên răng mạnh nhất, vì vậy cần có thói quen súc miệng và đánh răng ngay sau khi thưởng thức những thức uống này.

Một số thức ăn có lợi cho sức khỏe răng miệng như: các sản phẩm từ sữa (ít béo hoặc không béo) có chứa nhiều canxi làm tăng khoáng hóa men răng, giảm tác hại phá hủy men răng của acid, phục hồi lại 1 phần men răng bị tổn thương. Các loại rau, thực phẩm chứa nhiều chất xơ và nước, các loại hạt nhỏ có bề mặt nhám như vừng, có tác dụng làm sạch răng trong quá trình ăn nhai. Một số loại củ quả chứa các vitamin cũng rất tốt cho sức khỏe răng miệng, góp phần cản trở hình thành vôi răng, thúc đẩy nướu phát triển săn chắc và các nguyên tố vi lượng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hạn chế bệnh mụn nhọt, viêm loét miệng.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bình Định
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên