16/06/2017 16:15 GMT+7

​Sử dụng phương pháp xông hơi để giải cảm

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Theo kinh nghiệm dân gian, bà con thường dùng cách xông lá cây để giải cảm, bớt mệt mỏi. Đây là cách chữa bệnh đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.

Để sử dụng nồi xông đạt hiệu quả cao trong việc giải cảm, cần lựa chọn lá xông là những loại lá có tinh dầu như lá sả, kinh giới, lá chanh, lá ngải cứu, lá bưởi, lá ổi, lá chàm (hay bạch đàn), lá tre...

Trong thực tế, có thể thêm các loại lá khác nhau tuỳ theo triệu chứng của người bệnh, như nhức đầu thêm lá bạch chỉ, ho nhiều thêm lá húng chanh (tần dày lá), đau nhức mình mẩy thêm lá sả, lá ngải cứu, lá lốt...

Lá xông có thể mua ở chợ hoặc tự hái đem về rửa sạch, bỏ vào nồi, đổ nước xâm xấp, đậy nắp kín, cho lên bếp đun lửa lớn cho đến khi sôi, rồi hạ nhỏ lửa cho sôi nhẹ thêm 5-10 phút.

Cần lưu ý: Chỉ xông khi cơ thể không ra mồ hôi. Khi cơ thể ra mồ hôi nhiều không được xông mà nên dùng nước lá để tắm. Có thể sử dụng nồi xông khi cơ thể bị nóng sốt, cảm. Không để nồi lá xông sôi qúa lâu vì các tinh dầu có trong lá xông sẽ bay hơi hết, hiệu quả sẽ giảm đi.

Cách xông đúng cách là đặt nồi xông ở chỗ kín gió, sau đó ngồi trước nồi xông, trùm một cái chăn (mền) mỏng hoặc tấm vải thật kín người để giữ hơi, hé nắp nồi từ từ để quen dần với hơi nước nóng và cay. Không nên mở nắp nồi lớn ngay từ đầu vì hơi nóng bốc lên quá nhiều sẽ dễ bị bỏng và mồ hôi ra quá ồ ạt. Trong khi xông người bệnh nên hít sâu và rồi thở chậm vì tác dụng quan trọng của nồi xông hơi là qua đường hô hấp. Hơi nóng ra càng lúc càng nhiều, nhiệt độ tăng dần, người bệnh bắt đầu ra mồ hôi ở trán, đầu, lưng, ngực, bụng. Khi thấy mồ hôi đã ra nhiều, trong mình cảm giác bớt sợ gió, sợ lạnh là có thể ngưng xông. Lau mồ hôi, thay quần áo khô, uống ít nước ấm hoặc có thể cho người bệnh ăn một bát cháo chứa các loại rau thơm như tía tô, hành lá rồi nằm nghỉ. Không nên xông hơi nhiều lần trong một thời gian ngắn vì mồ hôi sẽ thoát ra nhiều gây mất nước, điện giải của cơ thể mà không kịp bù.

Không phải bệnh gì cũng có thể dùng phương pháp xông mà chỉ dùng khi thấy cơ thể có các biểu hiện bị cảm lạnh, cảm cúm thông thường với các triệu chứng điển hình như ớn lạnh, nhức đầu, bải hoải chân tay.

Khi cơ thể quá yếu, cảm lạnh mà mồ hôi rịn ra nhiều, tay chân lạnh hoặc sốt cao, người khô khát, lưỡi đỏ và khô,...; cơ thể có những bệnh mãn tính kèm theo như các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, phụ nữ có thai, trẻ em, người mới ốm dậy thì không nên xông.

Muốn phòng bệnh cảm lạnh, cảm cúm nên hạn chế ở lâu trong vùng thời tiết lạnh, nhất là vào giữa đêm khuya. Khi phải làm việc hoặc đi ngoài trời lạnh nên mặc đủ ấm, đeo khẩu trang, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, ngực và hai bàn chân. Nếu cảm thấy cơ thể bị lạnh khi về đến nhà cần pha một ly trà gừng nóng để uống hoặc dùng một nhánh gừng giã nát pha với nước nóng để uống sẽ giúp cơ thể ấm lên. Nên ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và luyện tập thể thao thường xuyên, vừa sức nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: xông hơi giải cảm