13/06/2017 15:54 GMT+7

Chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho người đột quỵ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Sau đột quỵ, người bệnh thường gặp nhiều di chứng, nặng thì hôn mê, nhẹ thì yếu hay liệt nửa người, không tự ăn uống được mà phải nuôi dưỡng qua ống thông, hoặc nhẹ hơn thì cũng có rối loạn khả năng nhai nuốt, cần phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh đột quỵ

- Nhu cầu năng lượng

Đối với người bệnh nằm tại giường, không đi lại được thì chỉ cần cung cấp khoảng 25 - 30 kcal/kg cân nặng cơ thể/ngày. Chất tinh bột và chất béo là 2 nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.

Trung bình mỗi ngày cần cung cấp khoảng 1300 - 1500 kcal cho người có cân nặng trung bình 50kg.

- Nhu cầu chất đạm

Cần đảm bảo chất đạm 1g/kg cân nặng cơ thể/ngày. Tổng lượng chất đạm cần khoảng 50g - 60g /ngày.

Những lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh đột quỵ

- Đối với người bệnh tự ăn được

Trường hợp nhẹ, người bệnh vẫn còn ăn đường miệng được nhưng có rối loạn nuốt thì cần chú ý các điểm sau: dịch đặc dễ nuốt hơn; thức ăn ấm hay lạnh dễ nuốt hơn; nên ăn và nuốt thật chậm, từng ít một; nếu ăn thịt nên ăn thịt hầm nhừ hay các loại thức ăn có nước sốt và ăn nhiều bữa nhỏ đầy đủ dinh dưỡng.

- Đối với người bệnh phải nuôi ăn qua ống thông

Là một nhu cầu cần thiết cho những bệnh nhân bị đột quỵ không thể ăn qua đường miệng, người bệnh cần phải được hỗ trợ dinh dưỡng nhờ vào một ống thông để đưa thức ăn xuống tận dạ dày.

Thức ăn được chế biến để nuôi qua ống thông cần phải lỏng để chảy được qua ống và không gây tắc nghẹt ống nhưng vẫn đảm bảo đủ năng lượng, đủ chất đạm, chất béo, đủ vitamin, chất khoáng…

Do nhu cầu nước của người bệnh giới hạn ở mức 2-3 lít, cho nên lượng thức ăn cho qua ống thông cũng không vượt quá thể tích này.

Vì vậy, nếu người bệnh có nhu cầu năng lượng cao thì cần được chế biến đặc biệt để đảm bảo đủ nhu cầu nhưng vẫn không bị dư nước.

Cách chế biến “Súp xay” cho người đột quỵ

Món “súp xay” là thức ăn phù hợp cho người bệnh đột quỵ, vừa dễ ăn vừa cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh.

Nguyên liệu dùng để nấu 1 lít súp xay gồm: 120g gạo, 120g thịt heo nạc, 50g bí đỏ, 50g khoai lang, 20g dầu đậu nành (tương đương 4 muỗng cà phê), 15g đường cát (tương đương 3 muỗng cà phê), 2g muối (tương đương 2 muỗng yaourt).

Cách chế biến:

- Cho các nguyên liệu trên vào 1,5 lít nước (để sau khi nấu xong còn 1 lít, tương đương 4 chén) và nấu mềm. Súp sau khi nấu phải đặc mới đạt yêu cầu.

- Sau đó đem súp xay nhuyễn rồi cho thêm 5 muỗng gạt men tiêu hóa Maltaz vào khi súp còn ấm nóng, khoảng 10 phút sau súp sẽ lỏng dần.

- Cuối cùng, lọc súp qua rây. Súp sau khi lọc sẽ lỏng và chảy tốt qua ống thông.

1 lít súp xay cung cấp 850kcal, 30g đạm, 30g chất béo và 120g chất bột đường (khi lọc qua rây chất đạm sẽ bị giảm do bị giữ lại trên rây).

1 lít súp xay có thể chia làm 3 đến 4 lần ăn. Nếu ăn 2 cữ súp/ngày thì chỉ nấu phân nửa lượng trên. Nếu ăn 4 cữ súp/ngày thì cũng nấu 1 lần súp, chia phân nửa, xay nhuyễn rồi cho thêm nửa men như trên vào.

Phân nửa súp còn lại sẽ cất vào ngăn mát tủ lạnh, chừng nào ăn lấy ra hâm lại, xay nhuyễn và cũng thêm bột và men, rồi lọc lại như cách trên.

Có thể thay gạo bằng bột gạo, khi đó nấu thịt và rau củ trước, xay nhuyễn rồi cho bột gạo vào rồi khuấy đều cho đến khi bột chín, sau đó cũng cho men vào để làm lỏng bột.

Nên dùng thay đổi các loại thịt, cá, trứng và các loại rau củ. 50g thịt heo, thịt bò tương đương với 50g cá hoặc 1 trứng gà hoặc 2 lòng trắng trứng.

Lưu ý:

- Không cần hầm xương vì vừa mất thời gian và cũng không tăng thêm dinh dưỡng.

- Không chứa súp đã xay trong bình thủy giữ nóng quá 4 giờ vì vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh ở nhiệt độ ấm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên