12/06/2017 16:45 GMT+7

​Táo bón ở trẻ em

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Nhiều trẻ có thể đi cầu 2-3 lần một ngày, ngược lại có những trẻ chỉ đi cầu 2 lần trong một tuần và điều này gây ra nhiều ưu phiền cho các bậc phụ huynh.

Táo bón theo cách hiểu thông thường là trẻ gặp khó khăn trong việc đi cầu như tần suất đi cầu ít hơn mọi khi và phân cứng, có thể gây đau khi đi cầu.

Những khó chịu ở trẻ liên quan đến táo bón

Con của bạn có thể bị táo bón nếu trẻ có những biểu hiện sau:

- Than đau khi đi cầu: Nếu điều này xảy ra, trẻ sẽ không muốn đi cầu thường xuyên như mọi lần do cơn đau sẽ khiến trẻ khó đi cầu. Nguyên nhân là do phân cứng làm rách hậu môn của trẻ gây đau và chảy máu. Điều này cũng sẽ dẫn đến tình trạng trẻ nhịn không dám đi cầu và khiến cho việc táo bón nặng lên.

- Són phân: Đôi lúc trẻ bị táo bón sẽ bị són phân ở quần không kiểm soát, nguyên nhân là do khi trẻ bị táo bón, dịch ruột sẽ ứ lại quanh khối phân cứng gây tắc nghẽn. Nếu dịch ứ nhiều sẽ són ra ngoài gây triệu chứng són phân lỏng. Những trẻ bị són phân không kiểm soát thường bị táo bón nhiều, phân bón thường rất cứng gọi là u phân. Những trường hợp này nên đưa đi khám bác sĩ để dùng thuốc xổ phân phù hợp.

- Đau bụng quanh rốn từng cơn tái đi tái lại nhiều lần.

Nguyên nhân thường gây táo bón ở trẻ em

Những nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em thường không rõ ràng do việc khó khăn trong khai thác bệnh sử (phải hỏi bệnh thông qua cha mẹ hay người chăm sóc), một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:

- Nhịn đi cầu: Thỉnh thoảng trẻ cố nhịn không đi cầu do trẻ mải chơi, trẻ bị rách hậu môn,… Điều này thường gặp ở lứa tuổi học trò do nhà vệ sinh dơ, thiếu sự riêng tư hay bị trêu chọc. Việc nhịn đi cầu quá lâu sẽ khiến cho phân trở nên khô và cứng. Ngoài ra việc nhịn đi cầu cũng khiến cho đường ruột quen với việc có khối phân lớn bên trong nên sẽ không tạo nhu động ruột để tạo cảm giác mắc cầu khi có phân.

- Ăn không đủ chất xơ: Chất xơ rất quan trọng giúp kích thích ruột hoạt động tạo ra các nhu động ruột thường xuyên và đều đặn. Tất cả chúng ta đều cần ăn các thực phẩm nhiều chất xơ hàng ngày như rau củ, trái cây,… Ăn thiếu chất xơ sẽ giảm kích thích ruột và gây ra táo bón.

- Uống không đủ nước: Nước giúp làm mềm phân sẽ khiến việc đi cầu dễ dàng và ít đau hơn.

- Trẻ bị bệnh như viêm mũi họng, viêm amiđan,… cũng khiến cho trẻ bị bón do trẻ ăn, uống ít hơn. Ngoài ra, còn có một số bệnh lý đặc biệt gây bón như dài đại tràng, phình đại tràng bẩm sinh,…

Giúp trẻ bị “bón”

Điều quan trọng cần làm là lấy phân cứng ra ngoài, giúp ruột phục hồi nhu động bình thường sau khi bị dãn và làm mềm phân để trẻ có thể đi cầu dễ dàng không đau. Thông thường phân trẻ mềm giống như kem đánh răng và trẻ có thể rặn đi cầu dễ dàng. Để trị táo bón cần phối hợp nhiều cách khác nhau. Bên cạnh cho trẻ ăn đủ chất xơ, uống đủ nước, cần lấy khối phân khô cứng ra ngoài bằng thuốc xổ hợp lý và tập thói quen đi cầu cho trẻ.

Những thuốc xổ thường dùng ở trẻ như thuốc bôi trơn bơm qua đường hậu môn, thuốc làm mềm phân hay thuốc kích thích nhu động ruột co thắt qua đường miệng hay nhét đít. Sau khi lấy được khối phân cứng ra ngoài, trẻ phải tiếp tục uống thuốc làm mềm phân trong nhiều tuần thậm chí nhiều tháng để giúp phân mềm dễ đi và tập thói quen đi cầu cho trẻ. Việc sử dụng thuốc và thời gian dùng thuốc cần sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ.

Cách phòng ngừa

Để phòng ngừa táo bón cần cho trẻ uống đủ nước, thường được tính là 50ml nước cho mỗi kilogram cân nặng mỗi ngày. Nghĩa là nếu trẻ nặng 10kg thì trẻ cần uống tối thiểu 500ml nước mỗi ngày.

Ngoài ra, trẻ phải ăn đủ chất xơ bằng cách bổ sung ít nhất một muỗng rau cho mỗi bát cháo hay cơm, cho trẻ ăn thêm trái cây như táo, chuối, đu đủ… hàng ngày.

Tập thói quen đi cầu cho trẻ bằng cách cho trẻ ngồi cầu sau khi ăn khoảng 20 phút. Mỗi lần ngồi khoảng vài phút nhưng không nên quá 5 phút/lần. Có thể cho trẻ uống một cốc nước đầy hay uống thuốc làm mềm phân trước khi ngồi cầu khoảng 30 phút.

Lưu ý tư thế ngồi cầu phải đúng cách, nghĩa là trẻ phải ngồi thoải mái, 2 bàn chân trẻ phải hoàn toàn chạm đất (nếu trẻ phải dùng bồn cầu người lớn thì nên kê chân cho trẻ bằng ghế nhựa). Việc chân trẻ không chạm đất sẽ khiến trẻ không thể đi sạch phân trong ruột, việc ứ phân dần dần sẽ tạo ra u phân gây bón. Việc tập thói quen đi cầu phụ thuộc nhiều vào sự kiên nhẫn và quyết tâm của gia đình và bản thân trẻ, thông thường một trẻ sẽ tập được thói quen đi cầu vào giờ cố định trong ngày sau khoảng 2 tuần tập nghiêm túc, tuy nhiên có trẻ cần vài tháng mới tập được thói quen này.

Những điều cần nhớ

- Đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất xơ và uống đủ nước.

- Phải khuyến khích trẻ tập đi cầu tối thiểu 1 lần/ngày.

- Táo bón rất dễ tái phát.

- Việc điều trị táo bón, đặc biệt là tập luyện thói quen đi cầu cần sự kiên nhẫn trong thời gian dài.

- Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trong việc sử dụng thuốc trị táo bón để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên