09/06/2017 16:30 GMT+7

​Hướng dẫn sử dụng thớt đúng cách

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk

Thớt là đồ dùng để kê thức ăn khi thái, chặt và băm. Trong mỗi gia đình nhà nào ít nhất cũng có một cái thớt. Hiện nay trên thị trường, thớt được làm bằng nhiều chất liệu như gỗ, nhựa, thủy tinh.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại trong đó có khuẩn E.coli. Vì vậy, việc chọn mua cũng như sử dụng, vệ sinh thớt đúng cách rất quan trọng.

Có nhiều sai lầm mà người nội trợ mắc phải khi sử dụng thớt:

Chế biến thức ăn sống, chín trên cùng một chiếc thớt

Cách dùng thớt chung này thường gặp ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, thói quen dùng chung thớt cho cả thực phẩm sống và chín là không tốt. Thực phẩm tươi sống như thịt, cá đều có nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng... cho dù có chà rửa kỹ thì cũng chỉ làm sạch bề mặt, còn những vi khuẩn đã bám vào trong sớ gỗ không thể làm sạch được vẫn nằm lại đó và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Vì vậy, cần dùng thớt riêng cho hai loại thực phẩm sống và chín.

Không chà rửa thớt đúng cách sau khi sử dụng

Sau khi sử dụng thớt, nhiều người chỉ rửa dưới nước sạch, rửa thớt xong lại để thớt nằm ngang, khiến cho nước thấm sâu vào thớt, khó khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Không thay thớt sau thời gian sử dụng

Sau một thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ bị nham nhở nhiều vết cắt, lâu ngày thức ăn giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Thực tế cho thấy, có những gia đình, thớt đã ra rất nhiều mùn, trũng lõm nhưng vẫn sử dụng, chỉ đến khi thớt thật sự không dùng được nữa mới thay thớt mới. Thớt dùng thái thức ăn chín, sau thời gian sử dụng khoảng 6 đến 8 tháng, nên thay một lần.

Sử dụng cả 2 mặt thớt

Nhiều người có thói quen sử dụng cả hai mặt của thớt. Nên bỏ thói quen này, bởi các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp thường không được sạch sẽ. Khi đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng đã bám vào, do vậy chỉ nên sử dụng một mặt.

Để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng ở thớt, việc vệ sinh thớt rất quan trọng: sau khi cắt thức ăn, cần rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch. Hoặc sau khi rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch, đổ nước nóng lên thớt rồi dùng bàn chải cứng để chà rửa khử trùng, diệt nấm mốc.  Cũng có thể hòa thuốc sát trùng với nồng độ 5% (8 - 16ml thuốc trong 2 lít nước) rồi ngâm thớt vào đó. Thời gian ngâm là 10 – 15 phút để tẩy sạch vi khuẩn. Sau khi vệ sinh thớt sạch sẽ cần dựng hoặc treo thớt lên cho ráo nước. Không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đắk Lắk
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên