08/06/2017 18:00 GMT+7

Biểu hiện và cách điều trị ​trẻ bị tăng động

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em là một hội chứng tâm thần với biểu hiện không thể tập trung đầy đủ để hoàn thành một nhiệm vụ.

Theo các chuyên gia tâm lý, đa số phụ huynh khi thấy con nghịch ngợm, không tập trung, ít giao tiếp, không nghĩ là bé bị bệnh thật sự, cần phải được đưa đi khám và điều trị sớm, mà chỉ cho là bé hiếu động quá mức.

Tỷ lệ mắc bệnh từ 3% - 5% trẻ tuổi đi học, nam nhiều gấp 3 lần nữ. Trước đây người ta nghĩ rằng, nó sẽ biến mất ở tuổi dậy thì, nhưng điều này không đúng trong tất cả các trường hợp. Bệnh có tính di truyền nên có nhiều trường hợp cả cha mẹ và trẻ cùng đến khám bệnh.

Thật sự không ít trẻ bị tăng động, giảm chú ý, tuy có chỉ số thông minh cao, nhưng kết quả học tập không tốt do trẻ kém chú ý, bất cẩn và hay quên.

Biểu hiện

Điển hình của bệnh là trẻ thường không chú ý hay hiếu động quá mức, thiếu chú ý chi tiết hay bất cẩn trong bài tập ở trường hoặc các hoạt động, công việc khác. Trẻ rất khó duy trì được sự chú ý trong các nhiệm vụ hay thực hiện các hoạt động. 

Ấn tượng nhất là bé không nghe khi được nói trực tiếp, không thể thực hiện các nhiệm vụ hoặc công việc đòi hỏi sự cố gắng như bài tập ở trường hay ở nhà. Ngoài ra, trẻ thường đánh mất những đồ vật như: đồ chơi, dụng cụ học tập ( sách bút,..), xao lãng với các kích thích mạnh. 

Cụ thể trẻ thường đứng ngồi không yên với tay, chân lăng xăng dưới bàn, chạy lòng vòng hay leo trèo liên tục, khó tham gia các hoạt động với nhịp điệu chậm, nói rất nhiều, hấp tấp, bốc đồng, có khuynh hướng bật ra câu trả lời trước khi nghe hết câu hỏi, khó chờ đến lượt mình, có khuynh hướng ngăn hay bắt mọi người theo mình.

Đa số các triệu chứng trên phải thể hiện trước 7 tuổi. Các chuyên gia khuyên khi trẻ có nhiều hơn 6 triệu chứng ở mỗi nhóm với thời gian kéo dài trên 6 tháng, thể hiện ít nhất ở hai môi trường trong và ngoài gia đình, phụ huynh hãy đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa Tâm thần kinh Nhi để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.

Điều trị

Liệu pháp hành vi:

- Giáo dục bệnh nhân và gia đình về bệnh lý.

- Thông báo cho cha mẹ biết bệnh có tính di truyền, bệnh có thể điều trị được và hy vọng rằng trẻ sẽ khỏi khi đến tuổi vị thành niên.

- Thay đổi hành vi:

+ Đây là điều kiện bắt buộc. Các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu về bệnh lý này, sẽ giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn; quan trọng hơn cha mẹ phải luôn gần gũi, có các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà.

+ Cha mẹ nên định hướng vào một hay hai hành vi đích (có thể thay đổi) và tưởng thưởng cho trẻ nếu trẻ thực hiện thành công như hoàn thành tốt các bài tập ở trường, sắp xếp lịch làm việc hàng ngày….

+ Hướng dẫn trẻ thực hiện nhiệm vụ. Hạn chế tối đa việc quát mắng, đánh đập trẻ.

Điều trị bằng thuốc:

Thường bắt đầu với thuốc kích thích. Gia tăng khả năng kích thích thùy trán và từ đó sẽ điều hòa các hoạt động. Với các thuốc có tác động ngắn, sẽ có hiệu quả tức thì sau 1 - 2 tuần.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên