02/06/2017 15:45 GMT+7

​Sử dụng quy tắc “3-6-9-12” để kiểm soát trẻ tiếp xúc màn hình

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Sự phát triển và phổ biến nhanh chóng của công nghệ đã biến điện thoại di động, máy tính, ti vi trở thành một phần thiết yếu của nhiều gia đình hiện nay.

Thực tế đã cho thấy bên cạnh nhiều lợi ích mà công nghệ mang lại thì những tác hại tiêu cực đang ngày càng khiến nhiều người lo ngại. Tình trạng nghiện, lệ thuộc vào màn hình (điện thoại thông minh, máy tính, Ipad…) ảnh hưởng xấu đến nhận thức và hành vi của con người, nhất là trẻ em.

Điện thoại thông minh ngoài những chức năng được các nhà công nghệ tạo ra thì một chức năng mới (do người sử dụng tạo ra) là “chức năng giữ trẻ”. Một hình ảnh quen thuộc là đứa trẻ được người lớn đưa cho một chiếc điện thoại, Ipad, bật ti vi khi chúng khóc, khi chúng không chịu ăn, khi chúng không chịu nghe lời, khi chúng không chịu đi ngủ. Đã có nhiều khuyến cáo của các chuyên gia y học, tâm lý, xã hội học về vấn đề này, nhưng hoạt động truyền thông trong lĩnh vực này thì chưa thực sự được quan tâm. Trước thực tế đó, bác sĩ tâm thần người Pháp Serge Tisseron đã đưa ra quy tắc “3-6-9-12” (The Simple Rule of 3-6-9-12) giúp người lớn phòng tránh, kiểm soát sự ảnh hưởng tiêu cực của màn hình đối với trẻ em.

1. Không màn hình trước 3 tuổi, hay ít nhất là tránh tối đa. Nhiều người lầm tưởng rằng một số trò chơi, phần mềm trên điện thoại giúp trẻ em dưới 3 tuổi thông minh hơn, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy đó chỉ là những nhận thức rất thụ động và thiếu gắn kết.

2. Không chơi games trước 6 tuổi. Các trò chơi thường rất lôi cuốn, sinh động, nhưng trẻ ở giai đoạn này có nhu cầu cao về phát triển vận động, khám phá ngôn ngữ và cảm giác. Trong khi đó games không giúp trẻ rèn luyện được những nhu cầu này.

3. Không Internet trước 9 tuổi, và Internet có hướng dẫn cho tới khi trẻ vào trung học, lớp 6-tức là 12 tuổi. Sau khi trẻ vào tiểu học có thể cho trẻ chơi hạn chế một số games giúp phát triển khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và rèn luyện tính kiên nhẫn. Nhưng không cho trẻ tiếp cận với thế giới internet trước 9 tuổi và tới khi vào lớp 6 (12 tuổi), có thể cho trẻ sử dụng internet dưới sự hướng dẫn của người lớn.

4. Internet một mình từ 12 tuổi. Bước vào độ tuổi này trẻ cần những không gian riêng tư và có thể tự tổ chức cuộc sống của mình. Vì vậy, người lớn cần tôn trọng và giúp trẻ có được nhu cầu này, có thể cho phép sử dụng internet một cách tự do hơn. Tuy nhiên, người lớn cần đặt ra các quy tắc và hạn chế những địa chỉ có nội dung không phù hợp với trẻ.

Với bối cảnh gia đình và điều kiện sống ở xã hội Việt Nam hiện nay quy tắc “3-6-9-12” được đặt ra như là một khuyến cáo mang tính lý tưởng hơn là một cơ chế ép buộc, vì vậy khi thực hiện người lớn có thể thay đổi linh hoạt và nên có trao đổi trước với trẻ. Ví dụ : việc không cho trẻ dưới 3 tuổi tiếp xúc với tất cả các loại màn hình (ti vi, điên thoại, máy tính, Ipad) là rất khó khăn trong mỗi gia đình nhưng chúng ta nên hạn chế tối đa để bảo vệ trẻ và cần có các hoạt động thay thế phù hợp ngay khi có thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên