26/05/2017 16:50 GMT+7

​Sơ cứu đúng cách khi trẻ bị chấn thương ở mắt

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Sơ cứu đúng cách, kịp thời khi trẻ bị chấn thương ở mắt không chỉ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong kết quả điều trị mà còn kịp thời bảo vệ thị lực mắt cho trẻ.

Các loại chấn thương mắt thường gặp ở trẻ, gồm: dị vật trong mắt, bụi cát, vụn gỗ, côn trùng; xước giác mạc do móng tay vật nhọn cành cây gây nên; vết thương bị bóng đập vào mắt, bị đấm bằng nắm tay hay khuỷu tay; bỏng do hóa chất, các hóa chất gia dụng bắn vào mắt...

Cách xử trí

Các chấn thương nhỏ và nông thường không cần điều trị, vết thương sẽ lành sau 48 giờ, tuyệt đối không cho trẻ sờ mó hoặc dụi mắt, không băng ép mắt. Nếu sau 48 giờ thấy mắt không cải thiện thì phải đưa trẻ đi khám bác sĩ.

- Dị vật trong mắt: Không được dụi mắt, dùng giấy hoặc bông để lấy dị vật (mắt sẽ nhiễm trùng và vật vào sâu hơn), cần cho trẻ chớp mắt vài lần để nước mắt đẩy dị vật ra ngoài. Nếu không có kết quả, có thể giúp trẻ kéo mí mắt trên trùm mí mắt dưới để hàng lông mi dưới gạt sạch bụi của mí mắt trên. Có thể đặt trẻ nằm ngửa và trấn an trẻ, dùng tay banh rộng mắt trẻ rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước sạch nước từ vòi chảy chậm, hay ngâm mắt trẻ trong nước sạch. Đặc biệt không được phun nước thẳng vào mắt, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho mắt của trẻ. Nếu bụi vẫn không ra cho trẻ nhắm mắt lại và băng nhẹ cả hai bên để hạn chế cử động mắt, giảm thiểu chấn thương rồi đưa trẻ khám bác sĩ.

- Xước kết mạc, giác mạc: Trầy xước kết mạc, giác mạc là chấn thương phổ biến, thường do vết xước từ móng tay, cây cỏ hay đồ chơi gây ra. Xước nông ở giác mạc thường nhanh chóng tự lành, vết xước sâu hơn có nguy cơ nhiễm trùng. Nếu trẻ nhạy cảm với ánh sáng, mắt bị đỏ hoặc nhìn mờ thì phải đưa bé đi khám bác sĩ ngay.

- Vết thương đụng dập: Chấn thương do bóng đập vào mắt hay do bị đấm gây phù nề bầm tím ở mắt hay mi mắt, phụ huynh có thể chườm lạnh ngay vào vùng mắt bị chấn thương để giảm đau và giảm phù nề cho trẻ, tuyệt đối không ấn mạnh lên vùng tổn thương. Không ép trực tiếp đá lạnh lên mắt, nếu làm vậy sẽ khiến vết thương nặng hơn, có thể dùng túi chườm lạnh hoặc đá bọc trong khăn và chườm 15- 20 phút, nhắc lại 1 -2 giờ, sau 48 giờ xen kẽ chườm lạnh và nóng. Nếu mắt vẫn đau và nhìn mờ, kể cả sau cú đập nhẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

- Vết thương đâm xuyên hay chảy máu: Phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ dụi mắt, không rửa mắt bằng nước, không tìm cách loại bỏ vật mắc kẹt trong mắt và không cho trẻ uống hay ăn bất cứ thứ gì, để phòng trường hợp cần gây mê để xử trí vết thương. Phụ huynh không nên trì hoãn mà hãy đưa trẻ đến phòng khám mắt ngay.

- Bỏng do hóa chất: Các hóa chất vô tình bắn vào mắt có thể khiến mắt đỏ, đau bỏng rát, ngay lập tức cần rửa mắt bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất. Nếu là trẻ nhỏ đặt trẻ nằm ngửa, dùng các ngón tay banh rộng mắt, rửa mắt liền ít nhất 15-20 phút bằng nước từ ly hay vòi nước chảy chậm, bắt bé đảo mắt liên tục để tăng hiệu quả rửa mắt. Trường hợp trẻ lớn bị chấn thương một mắt yêu cầu trẻ cúi đầu vào chậu hay bồn rửa cho đầu nghiêng một bên sao cho mắt bị chấn thương nằm thấp hơn mắt lành. Nếu trong trường hợp cả hai mắt đều chấn thương thì cho trẻ ngửa đầu ra sau dùng nước sạch rửa cả hai, đặc biệt phụ huynh nên nhớ không cho trẻ dụi mắt, không băng bó mắt.

Khi trẻ bị đau mắt dữ dội, hoặc đau dai dẳng, thị lực giảm, chảy máu bên trong mắt, đau mắt khi ra ngoài ánh sáng, vết rách sâu quanh mắt thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả xấu cho trẻ.

Cách phòng ngừa chấn thương ở mắt

Nên chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ, tránh các đồ chơi có vật nhọn, như: trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm súng bắn đạn giả... Theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm. Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các đồ dùng học tập có thể gây nguy hiểm như: bút chì, kéo, compa,... Che chắn các góc nhọn của bàn tủ, để xa các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm tay của trẻ.

Khi trẻ bị chấn thương ở mắt, phụ huynh nếu không biết rõ nguyên nhân như thế nào thì không nên tự ý xử trí mà tốt nhất nên đắp miếng gạc vô trùng hay khăn sạch lên vùng mắt bị chấn thương và đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay để có phương pháp điều trị sớm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên