25/05/2017 15:51 GMT+7

​Để sinh con thông minh, các bà mẹ cần làm gì?

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế

Khi mang thai, mọi bà mẹ đều mong muốn con mình sinh ra thật khỏe mạnh, thông minh và có ích cho đời.

Nhưng ít ai biết được rằng khởi đầu thông minh của các trẻ khi sinh ra lại là nhờ chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc đúng đắn ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ.

Chế độ dinh dưỡng khi mẹ mang thai

- Hoa quả và rau xanh

Chất chống ô-xy hóa là antioxidants có trong hoa quả và rau xanh sẽ giúp cơ thể chống lại các độc tố tấn công DNA, mà DNA có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển não của thai nhi.

Trong tất cả các loài thực vật đều sản xuất ra chất antioxidants để bảo vệ phòng các loài sâu bọ gây hại cũng như các tia hồng ngoại từ ánh sáng mặt trời. Vì vậy, các mẹ khi mang thai cần ăn thật nhiều hoa quả và rau xanh, vừa giúp giữ làn da đẹp, vừa đảm bảo thai nhi thông minh, khỏe mạnh.

- Thực phẩm giàu Omega-3

Omega 3 rất cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của thai nhi. Nếu các bà mẹ mang thai không cung cấp đầy đủ Omega 3 cho cả mẹ và con, trẻ sẽ bắt đầu “lấy” Omega 3 từ nguồn dự trữ của cơ thể mẹ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu bị thiếu hụt Omega 3 sẽ làm mất 3% tế bào não của thai nhi. Một nghiên cứu được thực hiện trên các trẻ dưới 7 tuổi cho thấy, những trẻ được cung cấp đủ Omega 3 khi mẹ mang thai thì trẻ sinh ra có khả năng tập trung cao và thị lực tốt hơn so những trẻ không được bổ sung Omega 3 đầy đủ.

Omega 3 có rất nhiều trong cá, đặc biệt là những loại cá nhiều dầu và các sản phẩm từ dầu cá như: cá thu, cá trích, cá hồi, cá ngừ,... Ngoài ra cải bó xôi, trứng, ngũ cốc, hạt hướng dương,... cũng là những thực phẩm giàu Omega 3.

Các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các bà mẹ mang thai không được ăn cá kiếm, cá mập, cá đầu vuông (tilefish), cá thu hoàng đế (king mackerel) - những loại cá này chứa hàm lượng thủy ngân rất cao.

Tôm, cá hồi, cá rô, cá trê,... là những loại thủy hải sản chứa hàm lượng thủy ngân thấp được khuyên dùng. Tuy nhiên, kể cả với những loại cá an toàn trên, các bà mẹ mang thai chỉ nên ăn 2 bữa một tuần.

- Thực phẩm giàu folic acid

Folic acid là dưỡng chất không thể thiếu cho sự hình thành của các tế bào thần kinh, giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến não và tủy sống của thai nhi. Tất cả những phụ nữ muốn có con nên bắt đầu bổ sung folic acid 3 tháng trước thời điểm định có thai và liên tục trong thời gian mang thai để giảm thiểu 70% nguy cơ trẻ mắc khuyết tật về não. Nguồn folic acid rất dồi dào trong các thực phẩm như rau cải bó xôi, súp lơ xanh, ngũ cốc, quả bơ,...

- Thực phẩm giàu sắt

Khi mang thai, người mẹ cần hấp thụ vào người một lượng sắt gấp đôi bình thường, nếu không sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển trí não và IQ của trẻ. Bản thân người phụ nữ hàng ngày đã hay bị thiếu hụt sắt do kinh nguyệt hàng tháng, đến lúc mang thai, thai nhi trong bụng mẹ lại “cần” sắt từ mẹ rất nhiều.

Theo các nhà khoa học, nếu các bà mẹ mang thai chỉ bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt sẽ không thể làm tăng lượng hồng cầu trong máu. Vì vậy, phải kết hợp giữa sắt và protein, đặc biệt là protein động vật, mới làm tăng khả năng hấp thụ sắt. Trong bữa ăn nên có các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo,..), thịt trắng (gà, vịt) và cá. Các loại quả giàu chất sắt gồm có: chuối, mơ, lựu và nho đen. Ngoài ra ngũ cốc, đậu, đỗ, các loại hải sản như sò, hàu,... là những thực phẩm vô cùng nhiều sắt.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Các bà mẹ mang thai sử dụng rượu, bia hay các loại uống có cồn khác làm đứa trẻ sinh ra sau này có vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung kém, kỹ năng giao tiếp kém.

Mẹ mang thai nếu tăng cân quá mức có nguy cơ sinh non nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ vì sinh non khiến trẻ bỏ lỡ mất cơ hội được nhau thai nuôi dưỡng trong thời gian lâu hơn khi còn ở bụng mẹ.

Cách chăm sóc khi mẹ mang thai

- Thể thao giúp mẹ và trẻ được khỏe mạnh

Trong thời gian mang thai các mẹ không nên chỉ ngồi hay nằm 1 chỗ trừ trường hợp động thai theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, các bà mẹ mang thai cần đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày, hít thở không khí trong lành và ánh nắng mặt trời sớm 15 phút để giúp bà mẹ tổng hợp vitamin D giúp ích cho cơ thể.

- Âm nhạc là điều tuyệt vời

Âm nhạc giúp não phát triển và tiếp thu mọi thứ nhanh hơn, hãy lựa chọn những bản nhạc theo tiết tấu nhanh dần, nên chọn nhạc không lời chơi bằng dương cầm, piano, âm nhạc sẽ du dương và tốt cho trẻ.

- Phương pháp giúp trẻ nhanh ghi nhớ và biết nói nhanh hơn

Trẻ và mẹ sẽ có 1 sợi dây vô hình gắn kết vì vậy khi mẹ nói chuyện hay những cảm xúc của người mẹ đều ảnh hưởng tới thai nhi. Các mẹ mang thai hãy nói chuyện với trẻ mỗi ngày, tâm sự với trẻ tất cả những điều xảy ra trong cuộc sống hôm nay, những chuyện vui mà mẹ thấy mẹ nghe. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy quen thuộc với giọng nói của mẹ và bước đầu làm quen với tiếng mẹ đẻ, như vậy khi chào đời trẻ sẽ học nói nhanh hơn.

- Hãy quan tâm đến trẻ nhiều hơn

Những cử chỉ âu yếm vuốt ve bụng, khẽ động chạm bụng có thể giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của mẹ, trẻ sẽ thấy thích hơn, tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

- Thư giãn tránh stress

Sự căng thẳng mệt mỏi, stress của mẹ mang thai có thể ảnh hưởng không tốt cho thai nhi, vì thế hãy giữ cho mình 1 cuộc sống thoải mái, thư thái giảm stress. Bên cạnh đó, khi mang thai các mẹ nên có cách quan hệ tình dục phù hợp với từng thời kì thai nghén tránh ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Thừa Thiên - Huế
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Sinh con mang thai